Lưu ý hệ thống phanh để du xuân an toàn

Phanh (thắng) là hệ thống đầu tiên và chủ chốt để cung cấp lực hãm cho chiếc xe của bạn, đảm bảo an toàn cho bạn khi di chuyển cũng như là thành phần quan trọng để bạn kiểm soát chiếc xe một cách hiệu quả nhất.

Trên bất kì loại phương tiện nào, hệ thống phanh là hệ thống an toàn chủ chốt, là lực hãm đầu tiên và hiệu quả nhất khi giảm tốc một phương tiện để kiểm soát và xử lý các tình huống khi di chuyển.

Hệ thống phanh đĩa thủy lực

Hiện nay, có hai loại phanh phổ biến nhất là phanh tang trống (phanh cơ, kéo cáp) và phanh đĩa (sử dụng lực ma sát với đĩa phanh tạo lực hãm).

Hệ thống phanh tang trống (phanh cơ)

Đối với phanh cơ, hay còn gọi là phanh tang trống là loại phanh được sử dụng ở các dòng xe phổ thông, tốc độ thấp, mô-men xoắn thấp.

Cấu tạo phanh tang trống

Phanh cơ có nhược điểm là lực phanh không đủ mạnh ở tốc độ cao, dễ bị đứt dây phanh khi phanh đột ngột hay bị bó má phanh vì tản nhiệt kém, thiết kế cồng kềnh làm giảm độ khí động học của xe. Tuy nhiên, với ưu điểm chi phí sản xuất và bảo dưỡng thấp, phanh cơ vẫn được sử dụng phổ biến tại Việt Nam hiện này

Một bộ má phanh mới với mặt phíp dán mới, với độ dày tiêu chuẩn

Đối với phanh cơ, khi bảo dưỡng cần kiểm tra tăng chỉnh dây phanh tránh bị căng quá hoặc thay mới nếu dây có hiện tượng rạn đứt, thay thế má phanh nếu cần thiết, kiểm tra, vệ sinh con quay đẩy má phanh (quả đào), sự co giãn của các lò xo để đảm bảo khả năng hồi phanh tốt.

Hiện tượng mòn không đều ở moay-ơ sau một thời gian dài sử dụng, hoặc bảo dưỡng và sử dụng không đúng cách

Quan trọng nhất là kiểm tra, vệ sinh hoặc tạo lại mặt phẳng tiếp xúc của mặt thép ma sát với má phanh bên trong moay-ơ, nếu có gờ mòn không đều, phanh sẽ không thể đảm bảo lực hãm tối đa do thiếu bề mặt tiếp xúc.

Má phanh mòn không đều do sử dụng sai cách, tác nhân phụ còn tới từ mặt tiếp xúc của moay-ơ đã nêu ở trên

Ngoài ra cần đảm bảo má phanh không tiếp xúc với bề mặt ma sát ở trạng thái không hoạt động, tránh tình trạng cháy moay-ơ vì nhiệt lượng không mong muốn từ vấn đề này gây ra, có thể khiến thay đổi tính chất của vật liệu nhôm từ moay-ơ, khiến vật liệu này dễ bị biến dạng khi hoạt động.

Cấu tạo phanh dầu thủy lực và nguyên lý hoạt động

Hiện nay, hầu hết mọi loại xe đều được trang bị hệ thống phanh đĩa thủy lực vì ưu diểm vượt trội hơn nhiều so với phanh cơ như ưu thế ở lực phanh, tản nhiệt tốt, thiết kế gọn nhẹ, hiệu suất phanh cao và dễ dàng tích hợp theo nhiều công nghệ an toàn khác, điển hình như hệ thống chống bó phanh ABS.

Hệ thống phanh đĩa thủy lực với công nghệ chống bó cứng phanh ABS

Tất cả “phanh đĩa dầu” dều hoạt động theo 1 nguyên lý chung là nén dầu thủy lực, tạo lực đẩy lên các piston con, ép vào các piston lớn gắn kèm má phanh, tận dụng lực ma sát với đĩa phanh bằng thép để tạo lực hãm. Loại phanh đĩa sử dụng cáp kéo hiện nay hầu như chỉ còn sử dụng trên xe đạp.

Hê thống này hoạt động theo nguyên lý áp suất thủy lực

Với thiết kế dạng ống thông nhau sử dụng lực nén cao áp, phanh dầu có ưu điểm vượt trội và giá thành cao tương ứng, tuy nhiên vẫn có những nhược điểm nếu không được quan tâm đúng cách.

Má phanh mòn trơ phần cốt sắt, nếu không được thay thế đúng cách và kịp thời, sẽ gây hỏng hóc cả đĩa phanh và phát ra tiếng kếu khó chịu

Nếu hệ thống phanh phát ra tiếng kêu khi di chuyển dù không bóp phanh, có hai khả năng là: má phanh bị bẩn, ẩm, hoặc hết má phanh, khiến phần đế bằng thép ma sát với đĩa phanh tạo ra tiếng kêu đặc trưng.

Chi tiết má phanh đĩa tốt, có rãnh xẻ thoát nhiệt

Với vấn đề này, chỉ cần vệ sinh hoặc thay mới má phanh, trường hợp má phanh kêu mà phanh không ăn dù vẫn còn má, thì có khả năng guốc phanh bị lệch, cần có sự căn chỉnh và thay thế phù hợp.

Khi hệ thống phanh bị nặng hơn bình thường, nghĩa là hệ thống piston phanh gặp vấn đề. Ở cụm phanh, cần tháo rời để kiểm tra các piston, nếu như không phải piston con, ta cần kiểm tra piston phanh và vệ sinh bởi đôi khi bụi bẩn gây tắc nghẽn làm kẹt piston, hoặc do sử dụng không đúng loại dầu phanh, khi đó cần tháo ra và vệ sinh tổng thể lại hệ thống ống dầu cũng như thay mới dầu phanh theo đúng quy định.

Không khí lọt vào hệ thống áp suất thủy lực là lỗi thường gặp của hệ thống phanh đĩa, phải làm thao tác xả bớt khí bằng thao tác vặn ốc

Khi hệ thống phanh bị vấp, lực hãm thất thường, không đều, gây hiện tượng giảm tốc giật cục, nhiều khả năng hệ thống thủy lực đã bị lọt khí. Hiện tượng này khiến xuất hiện các bọt khí bên trong hệ thống dây dẫn, làm mất áp suất, khiến hệ thống phanh bị giảm hiệu quả hoặc mất khả năng phanh do dòng chất lỏng bị ép không đều.

Dây phanh là chi tiết thường xuyên tiếp xúc với đầy đủ các tác nhân gây hư hỏng như bụi, nước hay hóa chất từ mặt đường. Nếu phát hiện rò rỉ cần phải thay mới theo tiêu chuẩn nhà sản xuất.

Sử dụng sai chủng loại dầu phanh là nguyên nhân của việc phanh bị sượng, mất lực hãm, dẫn tới phải vệ sinh toàn bộ, hoặc thay thế toàn bộ cụm phanh

Hiện tượng bị bó phanh cũng xảy ra với phanh đĩa do phanh quá nóng khiến dầu bị sôi mất khả năng hồi vị và má phanh bị chai bám chặt vào mặt đĩa phanh. Tuy nhiên hiện tượng này chỉ xảy ra với phanh không được trang bị hệ thống điều khiển điện tử chống bó cứng phanh ABS.

Bộ phận xả không khí (air) là một chi tiết sử dụng của hệ thống phanh đĩa, có thể thao tác rất đơn giản và giải quyết được vấn đề lọt không khí vào trong hệ thống áp suất thủy lực (dây dầu)

Nếu bất ngờ gặp phải trường hợp này trên đường đi, cách đơn giản là hạ nhiệt cho má phanh, giảm áp suất cho dầu trong ống bằng ốc xả “air”, thực hiện các biện pháp vệ sinh hệ thống phanh ngay khi có thể.

Cần kiểm tra piston đạp phanh, và hiệu chỉnh sao cho đúng nhất với tầm phanh tiêu chuẩn hoặc theo thói quen của người sử dụng

Hiện tượng phanh lúc ăn, lúc không thường xảy ra do đĩa phanh bị vênh, méo, thường phải tháo rời đĩa phanh tạo lại mặt phẳng. Nếu đã xử lý lại đĩa phanh mà vẫn xảy ra hiện tượng này thì cần xem xét ổ bi trục bánh xa bởi đôi khi ổ bi rơ khiến bánh xe và đĩa phanh bị đảo.

Phần cần đẩy piston đối với phanh đĩa đặt ở phanh chân

Đây là những vấn đề chung nhất, thường gặp mà người sử dụng cần lưu tâm để có 1 hệ thống phanh an toàn nhất có thể, đảm bảo an toàn tối đa cho mọi chuyến đi, đặc biệt là đối với những chiếc mô tô Phân Khối Lớn với gia tốc, sức mạnh và quán tính rất lớn khi di chuyển.

Hãy là người sử dụng mô tô có hiểu biết để những chuyến du Xuân được thuận lợi

Bài viết có sự hỗ trợ kĩ thuật của Lê Anh workshop

Lê Anh

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/tu-van/luu-y-he-thong-phanh-de-du-xuan-an-toan-12880.html