Lời khác của Toyota Việt Nam

Công ty ôtô Toyota Việt Nam (TMV) đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Việt Nam trong 20 năm tiếp theo.

Báo Hải quan ngày 8/2 dẫn lời ông Yoshihisa Maruta- Tổng giám đốc TMV chia sẻ: “Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, TMV đã đặt ra khẩu hiệu mới của Công ty. Đó là “CHUYỂN ĐỘNG TIÊN PHONG”.

Khẩu hiệu này có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục “cung cấp những chiếc xe tốt nhất cho cuộc sống” và “đóng góp nhiều hơn nũa cho xã hội” bất kể tình hình sẽ thay đổi thế nào trong 20 năm tới”.

Toyota khẳng định sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam

Lý giải rõ hơn về khẩu hiệu này và mục tiêu của TMV, ông Maruta khẳng định: Về kinh doanh và dịch vụ, TMV sẽ tiếp tục mang tới cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ với giá cả hợp lý đồng thời TMV sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý tại các tỉnh thành trên cả nước nhằm mang đến cho khách hàng sự tiện lợi tối đa.

Đối với các vấn đề xã hội như môi trường và tai nạn giao thông, TMV sẽ giới thiệu dòng xe Hybrid và tăng cường các thiết bị an toàn, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của Toyota.

TMV cũng đã khởi động và triển khai thêm các hoạt động mới. Trong lĩnh vực an toàn giao thông, TMV đã bắt đầu thực hiện chương trình Đào tạo lái xe an toàn cho đội ngũ giảng viên nòng cốt về hướng dẫn lái xe an toàn, và chiến dịch an toàn giao thông phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia. Ngoài ra, TMV cũng sẽ khởi động triển khai chương trình đào tạo, cấp học bổng cho các sinh viên nghèo, trao tặng xe cứu thương và thiết bị cấp cứu cho các địa phương miền núi khó khăn...

Trong lĩnh vực sản xuất, TMV sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm nhằm đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô với sự hỗ trợ của Chính phủ để phát triển ô tô trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam.

Với kế hoạch trên, TMV đã cho thấy quyết tâm ở lại thị trường Việt Nam. Điều này khác với những dậm dọa rời Việt Nam trước đó của doanh nghiệp này.

Còn nhớ hồi tháng 8/2015, ông Ichiro Abe, cố vấn cao cấp về xúc tiến đầu tư FIA-MPI tại Hội thảo liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam- Nhật Bản đã cho biết, hiện nay Toyota đang đứng trước hai con đường: hoặc sản xuất ô tô tại Thái Lan bán sang Việt Nam hoặc duy trì sản xuất tại Việt Nam.

Khi ấy, ông Abe cho biết, hiện nay mỗi năm Toyota Thái Lan sản xuất khoảng 1 triệu chiếc, trong khi đó Toyota Việt Nam chỉ sản xuất 45.000 chiếc. Chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 20%.

Đặc biệt sau khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, theo cam kết từ năm 2018 cắt giảm thuế quan nhập khẩu. Ông Abe lo ngại cho nền công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ thêm nhiều khó khăn khi ô tô của các nước có thể ồ ạt vào Việt Nam.

Theo ông Abe từ trước đến nay vẫn có quan điểm “sản xuất tại đâu tiêu thụ tại đó” nhưng Toyota không nghĩ như vậy. Nếu chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ như Thái Lan thì Toyota mới có thể tiếp tục duy trì đầu tư, sản xuất tại đây.

Tương tự, hồi tháng 4/2015, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), ông Yoshihisa Maruta nói rõ: "Trong khi Việt Nam chưa có nhiều nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô thì chi phí nhập khẩu, vận chuyển từ Thái Lan hay Indonesia về Việt Nam rất tốn kém. Nói một cách hơi quá thì nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan vào Việt Nam còn rẻ hơn lắp ráp.

Tất cả chúng ta đều hình dung nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, rồi gỡ ra rồi lại lắp lại. Vì thế việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là một vấn đề lớn. Trong VAMA, TMV cũng như các nhà sản xuất khác cũng đối mặt với vấn đề tương tự, sắp phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu”.

Như vậy, dù nay Toyota nói lời khác nhưng việc doanh nghiệp này tiếp tục ở lại cũng là một tin vui đối với Việt Nam.

An Nhiên (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/loi-khac-cua-toyota-viet-nam-3299981/