Lệ phí hoa hồng chữ ký là cái lệ phí gì?

Sáng 29.5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án luật phí, lệ phí, tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, dự luật cần quy định cụ thể chi tiết các khoản phí, lệ phí tránh tình trạng mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí thêm gánh nặng cho dân.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thảo luận tại tổ (Ảnh: Xuân Hải)

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, dự luật phí, lệ phí là hết sức quan trọng, nhạy cảm vì đụng đến quyền, nghĩa vụ không chỉ nhà nước, doanh nghiệp mà còn liên quan đến nghĩa vụ đóng nộp của dân nên cần thận trọng, rút kinh nghiệm. Tránh tình trạng mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí sẽ thêm gánh nặng cho dân.

Ông Thụ cho rằng: Dự luật quy định 51 khoản phí, 39 khoản lệ phí còn quá chung chung, quy định nhóm, nhưng trong ruột thì lại không định hình cụ thể. Ví dụ như quy định trong danh mục phí quy định về phí thuộc lĩnh vực y tế thì chỉ ghi chung chung, nhưng chưa định hình cụ thể. Nếu quy định như vậy, sau này phát sinh thêm nhiều khoản và cho rằng, khoản phí này đã được quy trong quy định nhóm phí y tế khiến thêm gánh nặng cho dân.

Ông Thụ đề nghị, về cơ chế sử dụng, phí thu được thì khấu trừ chi phí hoạt động, phần còn lại nộp ngân sách. Tuy nhiên, cần quy định rõ mức khấu trừ là bao nhiêu phần trăm. Còn lệ phí nên thu hết vào ngân sách, chi thế nào thì qua ngân sách nhà nước. Trong dự luật chưa quy định rõ phí và lệ phí, có cái gọi là phí cũng đúng mà nói lệ phí cũng đúng.

Không dấu được băn khoăn về quy định các khoản phí, lệ phí của dự luật, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) bức xúc: “Lệ phí hoa hồng chữ ký là cái lệ phí gì? Tôi đọc mà không thể hiểu nổi”.

Theo ông Khanh, trong dự luật có nhiều loại phí đọc lên thấy rất buồn cười. Thấy cái gì cũng thu được, thu chồng, thu chéo. “Khi tàu thuyền chạy trên sông thì phải đóng phí luồng lạch. Vào cảng thì lại phải đóng thêm phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. “Nhiều phí quá, đã nộp phí cập cảng rồi thì nên thôi phí neo đâu. Vì người ta vào cảng thì phải neo đậu chứ”. Ông Khanh nói.

Tương tự về quy định thu phí phòng chống dịch bệnh, ông Khanh cho rằng, đã sinh ra Bảo hiểm y tế (BHYT) thì phải phòng chống tốt để người dân không bị bệnh, BHYT không mất tiền. Thế mà lại còn quy định bắt dân đóng “phí phòng chống dịch bệnh”. Như thế là “phí chồng phí” rồi còn gì nữa. Ông muốn đỡ tốn tiền BHYT thì ông phải phòng chống tốt, chứ sao lại bắt dân đóng.

“Lệ phí cấp biển số nhà cũng thế, quy định không rõ gì cả. Chẳng lẽ tôi bỏ tiền ra làm bảng, kẻ số, đóng vào tường nhà mà cũng bắt tôi phải đóng phí hay sao”. Ông Khanh tiếp tục nêu câu hỏi.

Theo ĐB Bùi Thanh Quyến (Hải Dương), việc thu phí, lệ phí là đúng. Nhưng chúng ta chỉ nên nghĩ rằng, đó chỉ là khoản bù đắp một phần nào thôi, chứ không phải là đóng góp hết. “Thu chỉ nuôi bộ máy thì thà rằng không thu còn hơn. Chứ thu tạo ra bộ máy cồng kềnh, tăng biên chế, sách nhiễu, rất phiền phức cho dân”. - ông Quyến nhấn mạnh.

Liên quan đến việc dân phải gánh nhiều loại phí bảo trì đường bộ nhưng vẫn phải gánh thêm phí đường bộ qua các trạm BOT, ông Khanh cho biết: “Người ta đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra khỏi nhà là bị thu phí. Như thế không phí chồng phí thì còn là gì nữa. Chúng ta cần nghiên cứu lấy tiền nhà nước trả cho BOT, chứ nếu không người dân sống ở vùng BOT khổ lắm. Bộ GTVT nói không chồng phí, còn tôi thì tôi khẳng định đó là phí chồng phí”. Ông Khanh nhấn mạnh.

Clip Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự luật phí,lệ phí.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/le-phi-hoa-hong-chu-ky-la-cai-le-phi-gi-331670.bld