Lễ hội đền Cửa Ông

Du khách và người đi lễ hội đền Cửa Ông không chỉ chìm ngập vào không gian tín ngưỡng tôn vinh vị anh hùng có công với nước bằng tấm lòng thành kính mà còn được thụ một cảnh quang non nước, biển trời kỳ thú.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Trần Quốc Tảng là con thứ 3 của Trần Hưng Đạo, được cha giao nhiệm vụ chỉ huy đồn trú ở Cửa Suốt và trấn giữ vùng biển Hải Đông (nay là Quảng Ninh). Năm 1313, ông mất, hiển thánh rất linh thiêng, dân trong vùng tôn làm Đức Ông. Sau này, nhân dân rước vong Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng vào thờ chung ở đền Cửa Suốt - nơi từ lâu đã thờ Hoàng Cần, một viên tướng người bản địa có công đánh cướp biển, được vua sắc phong Khâm sai Đông Đạo Tiết chế. Đền Cửa Suốt, bây giờ gọi là đền Cửa Ông mở lễ hội vào hai ngày chính là mùng 3 và 4 tháng 2, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch vào năm chẵn. Bắt đầu là lễ dâng hương, sau đó là lễ rước. Người ta kính cẩn rước bài vị Hưng Nhượng Vương từ đền vi hành ra miếu (tương truyền xưa là vườn nhãn, nơi Đức Ông hóa) ở xã Trác Chân rồi lại rước về đền. Có lễ hội, người ta rước bài vị Hưng Nhượng Vương tuần du ra khuôn viên tượng đài ngài, rồi rước trở lại đền. Lễ rước bài vị Đức Ông mô phỏng tượng trưng cuộc tuần du vùng biển Đông Bắc của Hưng Nhượng Vương, mang ý nghĩa tôn vinh và ghi nhớ công đức của ngài trong sự nghiệp bảo vệ cuộc sống thái bình. Sau lễ là hội, gồm các màn diễn “thần tích” tuần du của Đức Ông, màn múa rồng, các trò chơi dân gian như cờ bỏi, bịt mắt đập niêu, kéo co, đẩy gậy, têm trầu. Đặc biệt là thi nấu cơm. Một người phụ nữ mặc áo tứ thân màu rực rỡ gánh một bên là nồi đất, một bên là củi, nứa khô. Một người phụ nữ đẹp cũng mặc áo tứ thân cầm bó củi khô lửa cháy đun dưới đáy nồi. Vừa đi vừa nấu cơm, đến thời gian hạn định cơm chín thì đem ra cho ban giám khảo chấm. Tôi và nhà văn Khuất Quang Thụy đã có một chuyến công du vùng biển Đông Bắc đúng vào ngày lễ hội Cửa Ông. Đông nghìn nghịt. Người đi theo đường bộ từ thành phố Hạ Long đến, người đi thuyền ven bờ vịnh Bái Tử Long và cập trước cửa đền Hạ, có điều lạ kỳ là nhiều người Trung Quốc cũng qua cửa khẩu Móng Cái về dự lễ hội đền Cửa Ông. Du khách và người đi lễ hội đền Cửa Ông không chỉ chìm ngập vào không gian tín ngưỡng tôn vinh vị anh hùng có công với nước bằng tấm lòng thành kính mà còn được thụ một cảnh quang non nước, biển trời kỳ thú. Đền Cửa Ông gồm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được xây dựng ở thế chân vạc vững chắc. Thời chiến tranh phá hoại của Mỹ, đền Trung và đền Hạ bị bom phá tơi bời. Đền Thượng nằm ở độ cao 100 m, hai bên là hai quả đồi nhỏ xinh xắn được thế phong thủy “Tả thanh long, Hữu bạch hổ”, phía sau là dãy núi Cẩm Phả, Mông Dương mờ xanh. Trong đền có 34 pho tượng cổ quý là tượng Hưng Đạo Vương, tượng Thánh Mẫu, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu… với đường nét trạm trổ tinh xảo, sống động. Đứng ở đền Thượng nhìn ra vịnh Bái Tử Long vô vàn hòn núi có hình thù kỳ vĩ, du khách như bị choáng ngợp trước cảnh thiên nhiên hùng diệu, dùng dằng nửa muốn bước chân đi nửa muốn ở lại.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/congdongviet/Le-hoi-den-Cua-Ong/20104/87123.datviet