Làm gì khi bé hay đánh người khác?

Cu Tí nhà tôi đã hơn 2 tuổi. Cháu có tật hay đánh người khác. Có gì không bằng lòng là cháu đánh người khác ngay. Mắng cháu là cháu khóc ăn vạ liền. Tôi phải làm gì để cháu không như thế? (Khúc Thị Nga - TP. Vinh, Nghệ An).

Bé mới hơn 2 tuổi. Bé nghĩ mình được quyền đánh mọi người. Bé chưa thể hiểu đánh người khác là làm cho người đó bị đau. Bạn cần giúp bé hiểu không được làm người khác đau. Ảnh minh họa Trước hết bạn hãy bình tĩnh tìm nguyên nhân nảy sinh cái "tật" ấy của bé. Bắt đầu tìm nguyên nhân ở phía người thân trong gia đình - từ chính bản thân bạn trước tiên. Hãy xem lại cách cư xử của bạn với bé. Mỗi khi đi làm về, bạn bận rộn với vô vàn việc nhà: chuẩn bị bữa ăn tối, tắm rửa cho con, dọn dẹp nhà cửa... Phải chăng công việc lu bù, khiến bạn luôn căng thẳng. Đôi khi vì tức giận, bạn đã phết vào mông con (con nghịch làm đổ cốc sữa ra bàn). Ấy là chưa kể có khi con sơ ý bị kẹp ngón tay vào khe cửa. Xót con, bạn lại "đánh" cái cánh cửa hộ con. "Cái cửa làm anh đau này! Làm anh đau này!". Bạn đập mạnh vài cái vào cánh cửa. Bé khóc một chút rồi thôi. Bạn đâu biết rằng nếu bạn đánh bé, bé cũng sẽ biết đánh người khác... Do vậy, việc trước tiên bạn cần kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Bạn hãy lấy lại bình tĩnh khi rơi vào tình huống mất tự chủ. Hãy cố gắng thư giãn. Hít thật sâu, đếm từ 1 đến 10,... tránh xa việc đánh bé dù chỉ 1 cái tét vào mông. (Trong trường hợp bé nghịch dại dột, gây nguy hiểm, thay vì tét cho bé vài cái bạn cần giải thích cho bé hiểu và phải tạo môi trường sống an toàn cho bé hơn là dọa dẫm kiểu "đánh vài cái vào tay cho chừa"). Bạn hãy dành thời gian chăm sóc con. Nếu bạn không dành đủ thời gian cho bé, bé sẽ làm đủ mọi cách để bạn chú ý đến bé, kể cả đánh người thân trong gia đình. Mỗi lần bé đánh bạn, bạn cần nói ngắn gọn với con rằng: "Con không được đánh mẹ. Con làm mẹ bị đau đấy". Vừa nói, bạn vừa xoa xoa chỗ bị bé đánh. Bé sẽ sớm hiểu ra hậu quả việc làm của mình. Tuy nhiên lời nói của bạn chỉ có tác dụng một lúc thôi. Bạn cần kiên trì dạy bé trong một thời gian dài. Bé dù hơn 2 tuổi cũn đã có cảm xúc trong một chừng mực nhất định. Bạn cần giúp con nhận biết được các cung bậc của cảm xúc bằng những lời đơn giản "Con vui" khi bé được bố cho đi chơi; "Con đau" khi bé bị ngã; "Con giận" khi bị anh lớn hơn trêu chọc. Bạn cần rất nhiều thời gian để lắng nghe con diễn đạt. Nhưng điều thu nhận được sẽ vô cùng lớn lao. TS. Myrna B. Shure trong cuốn Thingking Parents, Thinking Child (Cha mẹ giỏi, con thông minh) viết: "Gọi tên cảm xúc là một công cụ hữu hiệu. Khi mô tả được cảm xúc của chính mình, trẻ em cảm thấy mình kiểm soát bản thân và thế giới riêng tốt hơn". Khi "gọi tên" được cảm xúc rồi, bé không chỉ "cảm thấy" vui, đau, tức giận mà dần dần hiểu phải làm gì tiếp theo. Vì bạn sẽ mềm mỏng mà cương quyết nói với bé rằng: "Đánh người khác khi tức giận là không được". Khi đã nói như vậy mà bé vẫn cứ tiếp tục đánh, bạn có thể bỏ đi chỗ khác để bé hiểu nếu làm người khác khó chịu thì sẽ không ai chơi với bé. Bạn có thể cho bé ngồi góc (một nơi bạn vẫn có thể quan sát thấy bé, đảm bảo an toàn cho bé, đồng thời tách biệt bé khỏi hoạt động bé đang tham gia), đặt chuông hẹn giờ: khoảng 2 phút. Lúc mới áp dụng cách này, bé thường lẵng nhẵng theo bạn ngay sau khi bạn vừa rời bé. Bạn đừng "nhân nhượng", hãy nhấc bé về chỗ cũ và nói: "Con phải ngồi đó khi nào chuông báo hết giờ". Bạn hãy giữ bình tĩnh, không nên coi đây là hình thức phạt bé mà chỉ đơn giản đây là thời gian giúp bé bình tĩnh trở lại và xem xét hành vi của mình. Bé sẽ sớm hiểu rằng đánh người khác không đem lại hiệu quả như bé mong đợi. Bạn cũng nên hạn chế cho bé ngồi góc nếu cách này không có tác dụng. Bạn rất dễ thay đổi thói hư của bé khi bé mới hơn 2 tuổi. Yêu thương, kiên nhẫn với phương châm trước sau như một và các kĩ năng giao tiếp thân thiện sẽ giúp con bạn tránh xa bạo lực hơn bất cứ sự cấm đoán nào. Chúc bạn thành công! Theo Phú Bình

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/lamchame/401915/index.html