Khó khăn của kinh tế Nhật Bản và giải pháp

- Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu chưa qua, thì những khó khăn lại giáng xuống nền kinh tế Nhất Bản vốn đã trải qua hai thập niên suy giảm. Thách thức “kép” đã đặt ra cho đất nước “Mặt Trời mọc” mục tiêu vừa phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa phải đảm bảo sự lành mạnh của nền tài chính công trong lúc tỷ lệ nợ công hiện ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, giữa lúc đồng Yên không ngừng tăng giá.

(ĐCSVN) - Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu chưa qua, thì những khó khăn lại giáng xuống nền kinh tế Nhất Bản vốn đã trải qua hai thập niên suy giảm. Thách thức “kép” đã đặt ra cho đất nước “Mặt Trời mọc” mục tiêu vừa phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa phải đảm bảo sự lành mạnh của nền tài chính công trong lúc tỷ lệ nợ công hiện ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, giữa lúc đồng Yên không ngừng tăng giá.

Tăng trưởng trì trệ, nợ công tăng cao: Trong quý 2 năm 2011, kinh tế Nhật Bản vẫn suy giảm 0,3%, nhưng đây là con số thấp hơn nhiều so với mức giảm 0,9% trong quý 1 năm 2011. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 0,5% trong năm 2011, trước khi tăng trưởng 2,1% trong năm 2012. Theo ước tính của Bộ Tài chính Nhật Bản, nợ công của nước này sẽ vượt ngưỡng 1 triệu tỷ Yên (khoảng 12.810 tỷ USD) vào cuối tài khóa 2011. Các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu quốc gia và những khoản vay ngân hàng sẽ lên tới 1,024 triệu tỷ Yên vào cuối tháng 3.2012. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tổng nợ công của Nhật Bản baogồm cả các chi phí an sinh xã hội, hiện đã lên tới 1,054 triệu tỷ Yên, tương đương 220% GDP của nước này năm 2010.

Nợ công của Nhật Bản tăng mạnh là do nước này phải tăng cường vay mượn để trang trải các chi phí tái thiết khu vực Đông Bắc sau thảm họa động đất-sóng thần vừa qua, xử lý sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Phu-cu-si-ma và can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm chặn đà tăng giá của đồng Yên. Chính phủ Nhật Bản sẽ phải phát hành bổ sung 11.100 tỷ Yên (155,7 tỷ USD) trái phiếu quốc gia để tài trợ cho một phần ngân sách bổ sung lần thứ ba trong tài khóa 2011. Bên cạnh đó, Tô-ky-ô cũng có thể sẽ phát hành 15.000 tỷ Yên hối phiếu tài chính để tài trợ cho cuộc chiến chống hiện tượng tăng giá bất thường của đồng Yên. Việc đồng Yên tăng giá mạnh so với đồng USD có thể làm chệch hướng phục hồi của kinh tế Nhật Bản khi làm giảm lợi nhuậnở nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu. Lợi nhuận ròng của Tập đoàn công nghệ khổng lồ Toshiba trong nửa đầu tài khóa 2011 (4-9.2011 chỉ đạt 22,7 tỷ Yên (287 triệu USD), giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của Hãng chế tạo ô tô Honda trong 6 tháng đầu năm 2011 giảm tới 77,4% so với cùng kỳ năm 2010, chỉ đạt 60,4 tỷ Yên (776 triệu USD). Tình hình còn khó khăn hơn đối với Panasonic, khi tập đoàn điện tử này công bố mức lỗ ròng lên tới 136,15 tỷ Yên (1,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu tài khóa 2011.

Từ biện pháp tình thế đến giải pháp dài hạn: Để ngăn chặn đà tăng giá của đồng Yên, Chính phủ và ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tiến hành các đợt can thiệp lớn vào thị trường. Tuy nhiên, đợt can thiệp trong tháng 8.2011 thông qua bán đồng Yên, mua đồng USD đã không mang lại kết quả. Vấn đề là hành động can thiệp đơn phương của một chính phủ không thể đảo ngược xu hướng của thị trường, nhất là khi Nhật Bản lại gặp khó khăn trong tìm kiếm sự hợp tác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bởi Mỹ đang tìm cách hỗ trợ nền kinh tế ốm yếu của nước này bằng cách tăng thêm nguồn thu từ xuất khẩu nhờ làm giảm giá đồng USD. Lần can thiệp gần đây nhất của Chính phủ Nhật Bản vào thị trường tiền tệ là vào ngày 31.10 vừa qua. Đây là đợt bán đồng nội tệ lần đầu tiên kể từ tháng 8.2011 và là lần thứ ba trong năm nay của Nhật Bản để hạ nhiệt tỷ giá đồng Yên. Sau khi BOJ công bố số liệu cho thấy mức tăng ròng 7,86 nghìn tỷ Yên trong cán cân tài khoản vãng lai, giới phân tích thị trường ước tính Bộ Tài chính và BOJ đã chi 8 nghìn tỷ Yên (102 tỷ USD) mua USD trong lần can thiệp này, làm cho giá đồng Yên đứng ở mức 79 JPY/USD so với mức cao kỷ lục 75,3 1 JPY/USD.

Trong khi đó, với tỷ lệ nợ công đã vượt 200% GDP, rõ ràng Nhật Bản cần phải thực thi một chiến lược rõ ràng để đảm bảo sự bền vững về tài chính. Trong bối cảnh này, IMF hoan nghênh “Chiến lược quản lý tài chính trung hạn” mà Chính phủ Nhật Bản thông qua năm 2010, trong đó đặt mục tiêu giảm một nửa mức thâm hụt ngân sách cơ bản vào tài khóa 2015 và đạt được thặng dư cơ bản muộn nhất là vào tài khóa 2020. Bên cạnh đó, đề xuất tăng gấp đôi thuế tiêu dùng lên mức 10% vào giữa thập kỷ 2010 của Chính phủ Nhật Bản cũng là một bước đi quan trọng hướng tới củng cố nền tài chính công. Việc tiến hành một chiến lược thống nhất và mạnh mẽ để ổn định tình hình tài chính công của Nhật Bản đang ngày càng cấp thiết hơn, khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể là lời cảnh báo đối với nước này. Các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn không thể miễn dịch trước những thay đổi mạnh mẽ trong tâm lý thị trường và một khi cuộc khủng hoảng nổ ra sẽ rất khó ngăn chặn. Nỗ lực giảm tỷ lệ nợ công sẽ phụ thuộc rất lớn vào các biện pháp tăng nguồn thu, khi không có nhiều giải pháp để cắt giảm chi tiêu trong lúc tỷ lệ chi tiêu phi an sinh xã hội của Nhật Bản trong tổng GDP là thấp nhất trong OECD.

Tuy nhiên, để củng cố nền tài chính, Nhật Bản cũng cần phải tiến hành cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng như đẩy mạnh tự do hóa thương mại, cải cách thị trường lao động và khuyến khích khởi nghiệp. Việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại như tham gia Hiệp định đối tác xuyên phải Bình Dương (TPP) sẽ giúp Nhật Bản tăng kim ngạch đồng thời mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu, thậm chí có thể thâm nhập các thị trường đang được bảo hộ. Trong khi đó, Nhật Bản cũng cần có những điều chỉnh đối với thị trường lao động như tăng tuổi nghỉ hưu, nhằm tăng số lao động lớn tuổi trong lực lượng lao động ở một đất nước mà dân số đang bị già hóa.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=491617&co_id=30127