Khám phá “hòn ngọc xanh” giữa trùng khơi

Lại một lần nữa, tôi có dịp tái ngộ với đạo diễn Trần Tuấn Hiệp và nhà quay phim Nguyễn Văn Tuấn, những người được đông đảo khán giả xem truyền hình biết đến qua 25 tập phim Ký sự Biên phòng. Nếu như lần trước cùng “tác chiến” trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với cái lạnh mùa đông tháng 6 thì đến nay đã tròn 4 năm, tôi lại cùng các anh “khám phá” đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), nơi được mệnh danh “hòn ngọc xanh” hay “chiến hạm không bao giờ chìm trong chiến tranh”.

Ông Lê Quang Lanh (thứ hai từ trái sang) bày tỏ mong muốn phát triển du lịch với đoàn làm phim Ký sự Biển, đảo.

Cùng hành trình với chúng tôi có Đại tá Lê Thái Ngọc, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên. Khách mời còn có anh Vinh, “dân Bách Khoa” chính hiệu nhưng sở hữu cả một kho văn thơ, âm nhạc về Quảng Bình, Quảng Trị.

Sau bữa sáng tại Đồn BP Cửa Việt, tất cả lên tàu Cồn Cỏ 1, thẳng hướng về phía mặt trời mọc. Có một điều đặc biệt là tất cả các vị khách ra đảo hôm nay đều chưa ai từng một lần đặt chân đến Cồn Cỏ. Vậy nên, mọi người chia sẻ với nhau về Cồn Cỏ qua những câu chuyện được nghe kể, qua sách, báo.

Sau hơn 2 tiếng vật lộn với sóng cấp 6, đảo Cồn Cỏ cũng hiện ra. Nhìn từ xa, đảo xanh thẫm, với hình dáng con hổ vươn mình vồ lấy mặt trời. Có lẽ vì vậy mà Cồn Cỏ còn có tên là Hòn Hổ. Đón chúng tôi là ông Lê Quang Lanh, người kiêm rất nhiều chức vụ trong một đơn vị hành chính: Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND và Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ. Nhiều người còn gọi ông những cái tên dân dã: “Chúa đảo”, “đảo trưởng”.

Đích thân đảo trưởng Lanh cùng “phượt” với đoàn làm phim quanh đảo trên chiếc xe bán tải. Đứng trên ngọn hải đăng, nơi cao nhất của đảo, phóng tầm mắt ra xa để chìm đắm trong một màu xanh: Xanh của biển và xanh của rừng. Cồn Cỏ được mệnh danh là “hòn ngọc xanh” giữa trùng khơi cũng bởi đây là hòn đảo có hơn 70% diện tích là rừng. Quanh đảo là các thềm đá bazan phong hóa rất độc đáo. Nhìn những bờ tường được xếp bằng những khối đá bazan lấy từ biển, mọi người trong đoàn làm phim lại nhớ đến những bức tường rào đá của bà con dân tộc Mông ở Hà Giang.

Dừng chân tại công viên đảo, có thể chiêm ngưỡng những ghềnh bazan phong hóa được tự nhiên sắp xếp thật kì vĩ. Cùng chúng tôi chiêm ngưỡng, “chúa đảo” Lanh bày tỏ “tham vọng” phát triển Cồn Cỏ bằng ngành công nghiệp không khói - du lịch, bởi vẻ rất hoang sơ và rất riêng của đảo. Ngoài rừng, Cồn Cỏ còn được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái rạn san hô, là khu vực tập trung nhiều loài hải sản quí.

Theo nghiên cứu của các nhà sinh vật biển, đến nay, Cồn Cỏ có khoảng 960 loài có giá trị trong vịnh Bắc Bộ, trong đó có 113 loài san hô, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm loài động vật phù du... Rạn san hô ở Cồn Cỏ chỉ đứng sau Phú Quốc, Côn Đảo và Hòn Mun. Nhưng ấn tượng hơn cả là mọi người được đứng chân vào vị trí A11, nơi được đánh dấu để xác định đường lãnh hải của Việt Nam. Anh Vinh phát hiện ra ngay điểm A11 có rất nhiều ”trứng cá hồi xanh”.

Đó là anh gọi theo món ăn của nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh, chứ thực ra đây là 1 loại rong biển sống bám vào các tảng đá. Anh bảo, ở TP Hồ Chí Minh, nhà hàng bán 400 ngàn đồng 1 ký và không phải lúc nào cũng có. Mọi người đua nhau nếm thử. Quả là khi bỏ vào miệng, rong biển nổ tanh tách như ăn trứng cá hồi. Cồn Cỏ cũng cho những ai chưa từng đặt chân đến Trường Sa vẫn có thể tận mắt chứng kiến, cầm nắm vào lá, quả bàng vuông, một loài cây có sức sống bền bỉ, mãnh liệt.

Một ngày trôi qua thật nhanh, ai cũng tiếc không được nghỉ đêm trên đảo, để được cảm nhận Cồn Cỏ một cách trọn vẹn. Con tàu rời cảng sau những phút dùng dằng, lưu luyến không muốn rời của khách và không muốn khách đi của người ở đảo. Bóng đảo trưởng Lanh khuất dần nhưng khách vẫn còn nghe thấy văng vẳng: “Đi nhớ!”. Vâng. Đó là lời chào cũng là lời dặn dò của người ở lại: Đi và nhớ. Cồn Cỏ lẫn dần trong màu xanh của biển.

Trúc Hà

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/351/351/15069/Kham-pha-hon-ngoc-xanh-giua-trung-khoi/bbp.aspx