Khai thác điểm mạnh phố cổ Hà Nội để "níu chân" du khách

Phố cổ Hà Nội, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa, nay là điểm du lịch nổi bật, hấp dẫn nhất Thủ đô. Tuy nhiên, mức độ du khách lưu trú dài ngày ở khu phố cổ lại rất thấp.

Phố cổ Hà Nội, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa, nay là điểm du lịch nổi bật, hấp dẫn nhất Thủ đô. Tuy nhiên, mức độ du khách lưu trú dài ngày ở khu phố cổ lại rất thấp.

CôngThương -Chưa phát huy được giá trị

Thống kê của UBND quận Hoàn Kiếm cho thấy, hiện trên địa bàn có 188 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, trong đó có khu phố cổ Hà Nội, di sản văn hóa giá trị đã được xếp hạng cấp quốc gia. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã có hơn 300 khách sạn từ 1 đến 5 sao cùng các nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, gần 200 công ty lữ hành nội địa và quốc tế, các nhà hàng, công ty cung cấp dịch vụ, vận chuyển khách du lịch và rất nhiều cơ sở mua sắm, cửa hàng lưu niệm… Với lợi thế đó, phố cổ Hà Nội trở thành điểm không thể không đến của du khách quốc tế trong hành trình khám phá Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Long- Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội- thời gian lưu trú của du khách ở đây không dài, lượng khách quay lại rất thấp. Sở dĩ có thực trạng này là do cơ sở vật chất các khu lưu trú không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách; thiếu phương tiện vận chuyển hiện đại, khu vui chơi, mua sắm...; các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, số lượng và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, các sản phẩm du lịch ít được đổi mới; hoạt động tuyên truyền, quảng bá chưa có chiều sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; đội ngũ nhân viên, cung cách phục vụ còn nhiều hạn chế, thiếu chuyên nghiệp…

Bà Cao Bích Lan- Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm- cho biết, để tạo chiều sâu cho công tác tuyên truyền, giáo dục, UBND quận đã xây dựng và triển khai đề án: Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ với 5 tiêu chí cụ thể tạo môi trường lành mạnh trong kinh doanh, dịch vụ. Song, sự đổi mới bước đầu này vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu, dù các di tích trên địa bàn đã được làm tờ rơi, tờ gấp giới thiệu tới du khách.

Theo ông Phạm Tuấn Long, hầu hết du khách đến với phố cổ, chủ yếu vì tò mò và thường chỉ đến một lần, rất ít khách quay lại. Nguyên nhân do các phố nghề còn rất ít và đều đã bị mai một, thay vào đó là các sản phẩm ngoại nhập. Hệ thống giao thông, vệ sinh, trật tự đô thị chưa đảm bảo. Các công trình kiến trúc tiêu biểu, các loại hình nghệ thuật truyền thống chưa phát huy được giá trị vốn có. Đặc biệt, các đình thờ tổ nghề mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và chỉ có ở phố cổ mới tạo được những điểm nhấn riêng nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để, hiệu quả.

Cần không gian cộng đồng

Tiến sĩ Hà Văn Siêu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam- cho rằng, phố cổ Hà Nội là điểm du lịch độc đáo. Việc nghiên cứu, quy hoạch và phát triển trong những năm qua đã đi đúng hướng, tạo hiệu quả rõ rệt, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng ít được quan tâm khai thác, sự kết nối các điểm du lịch, mối liên hệ giữa người dân và du khách chưa rõ nét. Do vậy, ngoài việc phát huy giá trị của các điểm du lịch sẵn có cần tổ chức những khu không gian cộng đồng mà ở đó du khách được cùng tham gia các hoạt động với người dân. Những khu trình diễn, trưng bày, mua sắm, ẩm thực, hàng lưu niệm, vui chơi giải trí... cần được mở rộng theo hướng đi bộ, nhằm tạo điểm nhấn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Gần đây, quận Hoàn Kiếm đã hình thành tuyến phố đi bộ mới, nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Nhờ đó, các điểm tham quan như 87 Mã Mây, 38 Hàng Đường, 28 Hàng Buồm và tuyến phố Tạ Hiện đã phát huy hiệu quả. Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục cải tạo phố Lãn Ông, triển khai đề án cải tạo mặt đứng tuyến phố Hàng Bạc… Với những giải pháp này, hy vọng, phố cổ Hà Nội sẽ luôn là điểm đến đầy hấp dẫn và níu chân du khách, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút 2 triệu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội trong năm 2012.

Để khai thác hiệu quả phố cổ, theo ông Phạm Tuấn Long, các đơn vị hữu quan cần tập trung vào đặc trưng phố nghề. Ông Long dẫn chứng, đình thờ tổ nghề ở 44 Hàng Bạc được khôi phục, nhiều khách du lịch quốc tế sau khi đến đây đã tìm đến 4 làng nghề làm bạc, kim hoàn ở ngoại thành Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Bình để tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc nghề này. “Đây là hướng liên kết phát triển tour đình tổ phố nghề và làng nghề, nên cần triển khai nhân rộng”- ông Long nói.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c215n22476/khai-thac-diem-manh-pho-co-ha-noi-de-niu-chan-du-khach.htm