Hơn 30 giáo viên tiếng Anh bỗng dưng mất việc

(PL&XH) - Sau gần 20 năm gắn bó với nghề, hơn 30 giáo viên dạy môn tiếng Anh trên địa bàn huyện Hải Hậu bất ngờ nhận được thông báo tạm thời nghỉ việc, chờ chỉ đạo cụ thể từ UBND huyện.

Nguyên nhân đây là những giáo viên học tại chức, nên chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, nay ngành giáo dục không cần nên họ đành phải tạm nghỉ việc…

Từ chủ trương ban đầu…

Theo đơn trình bày của các giáo viên, những năm 1990, do nhu cầu dạy và học môn tiếng Anh trên địa bàn huyện Hải Hậu nói riêng và trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung rất bức thiết. Chính vì vậy, trong các năm từ 1994 -1996, Sở GD&ĐT Nam Định đã phối hợp với Viện ĐH Mở Hà Nội mở lớp đào tạo tiếng Anh, nhằm phục vụ cho nhu cầu giảng dạy ở cấp tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng như của huyện Hải Hậu.

Cô giáo Ngô Thị Nguyệt Ánh (trường tiểu học Hải Anh, huyện Hải Hậu) cho biết, khi học viên nộp đơn nhập học, đơn vị liên kết nói sẽ cấp bằng Cao đẳng tiếng Anh hệ chính quy cho các học viên. Tuy nhiên khi học xong thì chỉ được cấp bằng tại chức. “Khóa học có khoảng 80 học viên, sau khi tốt nghiệp, chúng tôi được địa phương tổ chức thi tuyển công chức để về dạy học ở tại các trường THPT trên địa bàn huyện Hải Hậu, hoặc làm chuyên viên tiếng Anh của Phòng GD&ĐT huyện. Một số giáo viên không trúng tuyển thì được Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu sắp xếp cho về dạy hợp đồng ở các trường tiểu học của huyện” - cô Ánh nói.

Phản ánh với PV, các giáo viên này cho biết, từ khi ra trường đến năm 2005, chỉ được hưởng hệ số 1.0 (khoảng 180.000 đồng). Từ năm 2006, UBND huyện mới ký hợp đồng và họ được hưởng hệ số 1.86, có đủ các quyền lợi như một giáo viên biên chế, trong đó có cả 35% phụ cấp đứng lớp nhưng nghỉ hè thì không có lương vì lý do là không đi làm. Theo đó, khi nghỉ hè những giáo viên này phải tự bỏ tiền túi ra, đóng bảo hiểm 2 tháng hè.

Từ năm 2009 đến nay Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu đã không cho những giáo viên này đóng bảo hiểm 2 tháng hè nữa với lí do đây là hợp đồng ngắn hạn. Trong số 31 giáo viên bị buộc nghỉ dạy lần này có đến 26 giáo viên dạy lâu năm, 5 giáo viên được ký hợp đồng khoảng 4 năm.

Quyết định phũ phàng…

Là một trong những giáo viên bị nghỉ dạy lần này, cô giáo Lê Thị Nhâm (46 tuổi, giáo viên trường tiểu học Hải Toàn, huyện Hải Hậu)cho biết: “Quyết định này khiến chúng tôi vô cùng hoang mang, hàng chục năm qua với bao tâm huyết và sức lực của tuổi trẻ chúng tôi đã góp sức cho nền giáo dục huyện nhà nhưng giờ đã ngoài 40 tuổi liệu còn cơ quan nào tuyển dụng nữa.

Đó là chưa kể đến dư luận xã hội sẽ nhìn chúng tôi bằng con mắt như thế nào khi một người thầy, người cô bị thải hồi; đối với gia đình, chúng tôi là những người vợ bị đuổi việc, với những người chồng thông cảm thì không sao, ngược lại với những người chồng không thông cảm thì coi thường, nhiếc móc, thậm chí làm tổn thương chúng tôi”.

Về vấn đề trên, ông Trần Văn Hải- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu cho biết: “Đây là số giáo viên được giảng dạy theo dạng hợp đồng và đã có cam kết khi kết thúc hợp đồng thì không khiếu nại gì”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cho xem bản cam kết thì ông Hải cho biết sẽ cung cấp sau?

Giải thích về việc buộc 31 giáo viên phải nghỉ dạy, ông Hải cho rằng, chất lượng những giáo viên dạy tiếng Anh này không đáp ứng đủ trình độ và yêu cầu của Phòng GD&ĐT. Trước câu hỏi: “Tại sao các giáo viên này không đủ trình độ dạy học, nhưng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu vẫn cho họ dạy gần 20 năm qua” thì ông Hải cho rằng đây là chủ trương của tỉnh.

Các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cần xem xét lại vấn đề này một cách kỹ càng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan.

Sỹ Hào

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2012101208411781p1001c1051/hon-30-giao-vien-tieng-anh-bong-dung-mat-viec.htm