Học và làm theo gương Bác từ những việc làm cụ thể, đời thường

Tối 14.8, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng CSVN phối hợp với Đài truyền hình VN, Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu, gặp mặt 16 gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của 4 địa phương: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Đồng Nai.

Đảng viên đi trước... Tuy sống ở nhiều điều kiện khác nhau, vị trí công tác khác nhau, nhưng tất cả các gương điển hình đều hướng tới xã hội, đến cộng đồng bằng những việc làm cụ thể từ tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Phạm Phương Thảo, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu trong mọi công tác, sinh hoạt, sâu sát với cơ sở, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bà Thảo cho rằng một trong những tiêu chí quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ là phải toàn tâm, toàn ý thực hiện trách nhiệm của mình. “Tôi luôn hướng mọi suy nghĩ và hành động của mình vào sự phát triển của TP và làm sao để mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ngày càng tốt hơn”, bà Thảo nói. Từ suy nghĩ trên, với cương vị của mình, bà đã cùng Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM tập trung vào cải cách hành chính, vốn là lĩnh vực luôn bị dân kêu ca nhiều nhất. Để làm được việc đó, bà đã phác thảo ra những chương trình “Nói và làm”, “Đối thoại cùng chính quyền TP”... nhằm có thêm những kênh lắng nghe ý kiến phản biện của người dân, từ đó đề xuất TP ban hành những chủ trương chính sách sát dân hơn. Ở một công việc khác, nhưng những việc làm của ông Trần Tuông (thường gọi là Sáu Tuông), Bí thư chi bộ ấp Kim Quy A1, xã Vân Khánh, H.An Minh, tỉnh Kiên Giang khiến mọi người cảm phục. Là thương binh, tuổi đã cao, sức không còn như ý muốn, bác Sáu Tuông vẫn tự đóng chiếc phà bằng thùng phuy đưa các em nhỏ sang sông đi học; vận động người dân trong ấp hiến đất làm đường, làm cầu... Khởi nguồn cho tất cả những việc làm đầy ý nghĩa trên, bác Sáu Tuông chân chất: "Tôi nghe Bác Hồ có tâm nguyện “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành... nên làm theo”. Để thuyết phục được mọi người, bác Sáu Tuông phải "ra tay" trước bằng việc hiến 1.200m2 đất của gia đình để xây trường mẫu giáo. Bác tâm sự: “Làm việc gì, đảng viên cũng phải tiên phong, gương mẫu, đảng viên phải đi trước mà... Có vậy, dân mới tin, mới nghe và làm theo”. Cổ tích giữa đời thường Mọi người như lặng đi khi nghe câu chuyện cổ tích giữa đời thường đậm tình đồng chí, đồng đội, tình người của đại úy Danh Trường Danh, quyền Trạm trưởng Đồn biên phòng 754, Phú Quốc, người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hai đứa con của người đồng đội đã mất, trong đó có 1 cháu bị nhiễm HIV. Vì tình đồng đội và tình thương đối với hai cháu nhỏ, ngoài việc hàng ngày chăm sóc như tắm rửa, cho ăn, dạy hai cháu ăn học..., vợ chồng đại úy Danh còn phải buộc lòng đóng cửa tiệm tạp hóa, vốn là nguồn tài chính của gia đình, chỉ vì nhiều người dân địa phương nghe cháu nhỏ nhiễm HIV nên xa lánh, không dám lui tới mua bán. Chính vì nghĩa cử cao đẹp đó mà sau này khi hiểu chuyện, nhiều bà con thường gọi đại úy Danh là "ông Bụt" mang quân hàm xanh. Ông Trần Tuông tại buổi giao lưu - ảnh: Diệp Đức Minh Ở công việc trồng người, thầy giáo Trần Tuấn Anh, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM lại khiến mọi người thán phục qua việc truyền đạt đến các em học sinh những đức tính về sự giản dị, tính tiết kiệm, lòng yêu thương con người, trách nhiệm hết lòng vì nước, vì dân... của Bác Hồ. Bên cạnh những nội dung có trong sách giáo khoa, thầy Tuấn Anh đã lồng vào các tiết dạy của mình những bài nhạc, sách báo, tranh ảnh, những câu chuyện kể sinh động về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ mà thầy đã cất công sưu tầm... “Sau tiết học, có em gặp riêng tôi trả lại đồ vật đã lỡ lấy cắp của bạn. Có em sau đó về thu góp quần áo cũ tặng các bạn nghèo... Tấm gương cao đẹp của Bác như thấm vào từng học sinh. Đó là niềm hạnh phúc nhất của trong cuộc đời giảng dạy của mình”, thầy Tuấn Anh tâm sự. Chứng kiến những gương điển hình người thật việc thật tại buổi giao lưu, linh mục Phan Khắc Từ, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM, cha xứ nhà thờ Vườn Xoài (TP.HCM), xúc động nói: "Nhìn những tấm gương sáng tại buổi giao lưu hôm nay, tôi càng tin tưởng hơn vào tương lai sáng lạn của đất nước...". Nói về sức lan tỏa tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông cho biết: "Sự giản dị, liêm khiết, trọn đời hy sinh, vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chuẩn mực để mọi người, trong đó có đồng bào Công giáo noi theo". Đại đức Thích Thanh Phong, ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, Phó ban từ thiện T.Ư, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM), nói: "Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành luôn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tại các buổi thuyết pháp, nói chuyện, các khóa tu... tốt đời, đẹp đạo, phụng sự cho Tổ quốc đến từng gia đình phật tử. Các tăng ni tự viện đều có trách nhiệm hướng dẫn các phật tử sống cho đúng với giáo nghĩa của đức Phật đã dạy và tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ". Những cá nhân tham gia tại buổi giao lưu lần này là những đại diện xuất sắc, là những tấm gương sáng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Họ đã có những hành động, việc làm theo tấm gương của Bác rất cụ thể, đạt hiệu quả cao, được mọi người dân xung quanh và các cấp ủy, chính quyền ghi nhận. Chính những việc làm của họ đã thuyết phục và lôi cuốn những người xung quanh cùng làm theo. Tuy mỗi người có một cách làm khác nhau, song họ đã đạt 4 tiêu chí đạo đức chính khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đó là: toàn tâm, toàn ý thực hiện trách nhiệm của mình, hết lòng, hết sức với công việc; yêu thương đồng bào; tiết kiệm; không tham nhũng và chống tham nhũng PGS-TS Đào Duy Quát, Chuyên gia cao cấp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng CSVN Minh Nam

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200933/20090815004637.aspx