Hoa thắm tri ân

Mới đây tôi có chuyến du lịch xuyên Việt. Khi đoàn dừng vài giờ ở thành phố Quảng Ngãi, tôi nghĩ ngay đến việc ghé nghĩa trang liệt sĩ tỉnh viếng mộ ông Trần Kiên. Kể từ ngày tôi đến thăm ông ở nhà riêng tại thành phố này (hồi đó còn là thị xã), cũng là lần cuối cùng được gặp nhà lãnh đạo rất được dân yêu mến ấy, đã 23 năm trôi qua rồi.

Đồng chí Trần Kiên (thứ 2 từ trái sang) cùng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
Đinh Đức Thiện (giữa)và Ban hậu cần Quân khu 5, tháng 10-1973.

Lần đầu tôi được gặp ông là vào mùa xuân năm 1980. Tôi làm việc tại tòa soạn báo Quân đội nhân dân, nhận được giấy mời họp từ văn phòng Bộ Lâm nghiệp ở 123 Lò Đúc, Hà Nội. Trước khi nhập ngũ (tháng 9-1972), tôi vốn là cán bộ kỹ thuật của một cơ quan thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (tiền thân của Bộ Lâm nghiệp), về lại Bộ lần này còn mang ý nghĩa “người nhà”. Sau cuộc họp báo, người của văn phòng Bộ dẫn tôi đến gặp riêng Bộ trưởng Trần Kiên. Ông là Ủy viên trung ương Đảng (khóa IV), vừa tại vị ở Bộ Lâm nghiệp được ít bữa. Vì biết tôi vốn người của ngành lâm nghiệp, lại là phóng viên Quân đội, ông có sự “ưu ái” hơn các phóng viên báo khác. Bộ trưởng Trần Kiên ngày ấy đã ở tuổi 60, dáng cao to, mái tóc bạc phơ, giọng Quảng Ngãi giàu âm sắc. Vào câu chuyện, tôi thưa với Bộ trưởng là, một sự tình cờ trước khi tôi lên đường nhập ngũ, đã được người đứng đầu ngành lâm nghiệp lúc đó là Tổng cục trưởng Hoàng Bửu Đôn gặp riêng động viên khích lệ, nay mới về báo Quân đội (Tôi về báo tháng 6-1979) lại được diện kiến Bộ trưởng…

- Chúng ta đều là người của quân đội cả - Bộ trưởng Trần Kiên cười xởi lởi nói với tôi, như không còn phân biệt chủ, khách - Anh Hoàng Bửu Đôn vốn là đại tá thuộc binh chủng thông tin, liên lạc. Còn tôi thời chống Mỹ ở Bộ tư lệnh Quân khu 5, sau ngày nước nhà thống nhất mới chuyển hẳn sang dân sự, anh em vẫn gọi vui là “Tướng không sao” đấy…

Thế rồi chỉ đến cuối năm đó, tôi nghe tin Trung ương đã điều ông từ Bộ Lâm nghiệp về làm bí thư tỉnh ủy Nghĩa Bình (Quảng Ngãi-Bình Định). Liên tiếp hai Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và VI ông được bầu vào Trung ương, vào Ban Bí thư, làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng.

Ông tên thật là Nguyễn Tuấn Tài. Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, đầu năm 1945 trong đội Du kích Ba Tơ. Rồi ông nhập ngũ, khi còn rất trẻ đã là trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 Tây Nguyên và là ủy viên thường vụ tỉnh Gia Kon (nay là Gia Lai và Kon Tum). Cuối năm 1954 ông không tập kết ra Bắc, ở lại hoạt động bí mật, làm Bí thư tỉnh ủy Kon Tum, kiêm Liên tỉnh ủy viên Liên tỉnh 4 (tức Tây Nguyên). Trước ngày nước nhà thống nhất, ông là Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu 5, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Trung Bộ. Không hiểu sao, với bề dày quân đội như vậy, trước khi chuyển ngành ông không mang quân hàm gì, vì thế anh em mới gọi vui là “Tướng không sao” (Một cấp dưới của ông sau này lên đến Bộ trưởng Quốc phòng là Đại tướng Đoàn Khuê). Trong thời chiến gian khổ, ông “3 cùng” ở cơ sở, cũng đóng khố, cầm rựa, mang xà lét như người dân tộc thiểu số. Không nóc nhà nào ở Tây Nguyên, ở miền Tây Quảng Ngãi không biết đến tên ông. Sau ngày hòa bình, tại những địa bàn ông thông thuộc, nơi nào lòng dân chưa yên hoặc gặp khó trong tổ chức lực lượng và phát triển kinh tế, xã hội thì trên điều ông đến. Trong vòng có 5 năm (1975-1980, trừ 1 năm là Bộ trưởng Lâm nghiệp) ông làm Bí thư tỉnh ủy từ Gia Lai-Kon Tum, Đắc Lắc, đến Quảng Ngãi- Bình Định. Rồi hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, ông được bầu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương. Sở dĩ ông được tín nhiệm ở cả cấp lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường, bởi trong ông hội đủ những đức tính của nhà cách mạng tiên phong: cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Lúc nào ông cũng ưu tư, suy nghĩ cho dân cho nước. Cả khi ông đã nghỉ hưu rồi, ngày Tây Nguyên vài nơi có biểu tình, bạo loạn thì ông về lại nơi đó khuyên nhủ, trò chuyện cùng bà con. Còn chuyện riêng tư, vợ ông, bà Võ Thị Nhược cũng hoạt động từ thời chống Pháp, một lần đã mang thai, không may bị sẩy, từ đó không có con lại nữa…

Tác phong khi đi cơ sở của đồng chí Trần Kiên: Nhìn tận mắt, sờ tận tay
(Kiểm tra tình hình trồng rừng ở Đà Lạt, Lâm Đồng tháng 4-1991).

Thế rồi vào đầu năm 1992, tôi có dịp đi công tác ở miền Trung, liền hỏi đường đến thăm nhà ông ở thị xã Quảng Ngãi. Không người dân nào không biết nhà “Bí thư Trần Kiên”. Người ta kể về ông như một niềm tự hào của quê hương, họ gọi ông là “Người cộng sản chân chính”; “Học trò mẫu mực của Bác Hồ”. Họ còn kể tôi nghe chuyện lúc ông làm bí thư tỉnh ủy Đắc Lắc, có người anh ruột ở quê lên thăm, muốn mua một ít gỗ về làm nhà. Ông ân cần nói với anh: “Những năm kháng chiến anh phải ở nhà nuôi mẹ vất vả, em rất tôn trọng anh và việc anh đặt vấn đề mua gỗ cũng đúng, giữ trọn lòng hiếu thảo với mẹ. Nhưng mẹ của chúng ta sống được đến bây giờ là nhờ sự giúp đỡ đùm bọc, che chở của bà con xóm giềng. Trước nhà mình cũng như nhà bà con đều bị chiến tranh tàn phá. Hiện bà con ở quê cũng rất nghèo, nhà tranh vách đất cả. Nếu mình làm nhà gỗ đàng hoàng cho mẹ, chưa chắc mẹ đã vui, vì sẽ tạo ra sự xa cách với xung quanh. Còn mẹ có công với cách mạng, thuộc diện gia đình chính sách thì rồi Nhà nước sẽ xây nhà tình nghĩa cho mẹ.” Sự thuyết phục thấu tình đạt lý như thế làm người anh hiểu ra và vui vẻ trở về. Chuyện ngôi nhà hiện vợ chồng ông đang ở, cũng được nhiều người nhắc đến. Vào đầu năm 1991, ở tuổi “thất thập”, chuẩn bị nghỉ hưu ông không ở Hà Nội theo tiêu chuẩn nhà cán bộ cao cấp, mà chỉ có một chuyến xe con gọn nhẹ cùng vợ về quê. Trung ương và tỉnh định xây cho ông một căn nhà kiên cố, nhưng ông đã “thuyết phục” trở lại: Tôi biết ngân sách Nhà nước còn rất eo hẹp, nhiều đồng chí khác cũng đang gặp khó khăn về nhà ở, tôi đề nghị dùng số tiền đó cho các đồng chí khác cần hơn. Tôi chỉ xin địa phương cấp một mảnh đất, vợ chồng tôi sẽ dùng số tiền tiết kiệm hiện có để tự xây nhà.

Đó là căn nhà ngói 3 gian 2 trái chừng dăm chục mét vuông cùng một mảnh vườn nhỏ, tọa lạc ở gần cuối thị xã, giống như mọi nhà dân nghèo khác. Khi tôi đến, bà Võ Thị Nhược đang cho lợn ăn, ông ngồi đọc báo trong nhà. Nom ông già hơn nhiều so với cách đấy 12 năm tôi đã gặp ở Bộ Lâm nghiệp. Tất nhiên ông không thể nhớ được lần gặp ấy, song khi nghe tôi tự giới thiệu, ông rất vui và gọi với ra phía sau nhà: “Bà ơi, có khách Hà Nội đến thăm!” Ngoài bộ bàn ghế cũ và cái ti vi nhỏ đặt dưới tủ thờ ở gian giữa, nhà ông hầu như chẳng có thứ đồ đạc gì đáng giá. Nhìn gia cảnh tuềnh toàng tôi thấy cay cay nơi sống mũi vì xúc động. Còn sự giản dị, lão thực nào hơn ở chốn này! Chủ nhà 72 tuổi thì vui vẻ chỉ cái xe đạp để ở góc nhà bảo, vừa đạp về thăm quê ở huyện Tư Nghĩa cách đây vài chục cây số, mà lên vẫn khỏe re. Rồi ông hỏi tôi đủ chuyện, làm báo thời đổi mới có gì khác thời bao cấp; về tình hình sẵn sàng chiến đấu của quân đội; về giá cả ngoài Hà Nội… “Nhà cách mạng triệt để” vẫn còn đầy nhiệt huyết với dân với nước như thuở nào!

Thế rồi người học trò mẫu mực của Bác Hồ về với thế giới người hiền chiều ngày 26-5-2004, hưởng thọ 84 tuổi.

Giờ đây tôi đến đặt lên mộ ông một bó hoa tươi, tôi chủ ý chọn cúc vàng và lay ơn đỏ. Người quản trang dẫn tôi ra thắp hương, nhìn bó hoa vui vẻ bảo là, hơn 10 năm nay, không ngày nào trên mộ Bí thư Trần Kiên không có hoa tươi. Những người tri ân ông là đồng đội một thời, đôi khi còn có cả con cháu những người bạn ấy thay mặt cho cha, ông đến thắp hương; có cả người dân bình thường, những khách vãng lai qua lại Quảng Ngãi như tôi…Và lạ là, hầu hết những bó hoa, không ai bảo ai đều chọn có hai mầu đỏ và vàng- màu cờ Tổ quốc.

Vâng, hoa thắm tri ân! Mầu cờ tổ quốc lúc nào cũng rạng rỡ trên mộ nhà cách mạng tuổi Canh Thân (1920) trọn đời vì nước vì dân ấy!

Phạm Quang Đẩu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoa-tham-tri-an/86905