Hiệu quả từ phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực

Sau 3 năm thực hiện, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động đã tạo nên một diện mạo mới cho tất cả các trường học từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông, từ trường học ở vùng nông thôn đến trường học ở khu vực thành thị của tỉnh Vĩnh Long.

Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp và an toàn

Xây dựng môi trường học tập thân thiện và an toàn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đem lại hiệu quả to lớn cho phong trào. Hiện nay, tất cả các trường học của tỉnh Vĩnh Long đều được đầu tư xây dựng theo chiều hướng tạo không gian trường thoáng đãng, mát mẻ và sạch sẽ. Ngoài việc tạo điều kiện đầy đủ cho các em học sinh học tập, rèn luyện, vui chơi, trường học còn tạo cho các em tâm lý “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” và luôn thấy bài học đầy hứng thú.

Đến với trường tiểu học Nguyễn Du (Phường 1-Thành phố Vĩnh Long), điều ấn tượng đầu tiên của ngôi trường đối với khách là phần lớn các mảng tường của trường đều được trang trí khá đẹp với những hình ảnh sinh động, vui nhộn. Những bức tranh vẽ đầy màu sắc tập trung miêu tả lại những kiến thức cơ bản đã học, những hướng dẫn cụ thể về quy trình rửa tay, cách qua đường đúng luật… Ngoài ra, sân trường còn được trồng hoa, cây xanh tạo bóng mát và có giàn hoa trước mỗi lớp học, tạo nên không gian thoáng đãng, đẹp mắt.

Còn tại trường mầm non thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ), môi trường cảnh quan nơi đây được Ban giám hiệu nhà trường xây dựng theo tiêu chí “Trong và ngoài lớp học sạch sẽ; đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; mỗi lớp học đều có nhà vệ sinh”. Ngoài ra, sân trường còn có cây xanh che bóng mát và bố trí các khu vui chơi như: vườn trường của bé, siêu thị tuổi thơ, hòn non bộ... Riêng thư viện trường sắp đặt nhiều đồ chơi ngoài trời vừa thỏa mãn nhu cầu vui chơi, tìm hiểu của trẻ, vừa tăng cường các bài luyện tập cơ bản như đi, chạy, nhảy, bò, leo, thăng bằng. Bên cạnh việc tập trung thay đổi cảnh quan trường lớp theo hướng xanh-sạch-đẹp, các trường còn giáo dục cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cách mạng ở địa phương, thăm hỏi các gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ thực tế đó đã giáo dục cho các em trân trọng những giá trị truyền thống, hình thành ở các em đức tính vị tha, quan tâm đến xã hội.

Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh

Nội dung cốt lõi của phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực là tạo một môi trường giáo dục, học tập tốt nhất, giúp học sinh vừa trao dồi kiến thức cơ bản vừa hình thành kỹ năng sống, giúp cho các em ngày càng trở nên tự tin hơn vào bản thân.

Là một trường ở vùng nông thôn, trường tiểu học Hựu Thành (xã Hựu Thành - huyện Trà Ôn) phần đông học sinh có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chủ yếu sinh sống bằng nghề làm thuê, các em vì thế đều chăm chỉ lao động để phụ giúp gia đình. Xuất phát từ đặc điểm này, nhà trường đã phát động phong trào “Vòng tay yêu thương” vận động học sinh cùng đóng góp giúp đỡ các bạn nghèo. Phong trào đã được đông đảo học sinh hưởng ứng tích cực, bởi ai cũng thấu hiểu được nỗi khó khăn trong cuộc sống.

Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng tạo cho không khí lớp học sôi động, bài học dễ hiểu và việc tiếp thu bài nhanh hơn. Giáo viên trường mầm non thị trấn Long Hồ đã tìm tòi và đổi mới nhiều phương pháp giảng dạy, cụ thể: các trẻ được cô giáo rèn luyện cách dùng ngôn ngữ của mình để kể lại đoạn truyện theo tranh, từ đó gợi cho trẻ biết tóm tắt nội dung câu chuyện và biết quí nhân vật chính diện, học tập theo nhân vận hiền từ, tốt bụng và biết tránh xa cái ác, cái xấu trong nhân vật phản diện. Nhà trường còn kết hợp tổ chức cho các em chơi trò chơi tập thể, khuyến khích các em tự tin trong giao tiếp với mọi người xung quanh, biết bày tỏ cảm xúc của mình, biết ứng xử có văn hóa, biết cảm ơn, xin lỗi và giúp đỡ người khác.

Theo ghi nhận của Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, nếu như năm đầu triển khai thực hiện phong trào nhiều trường vẫn còn lúng túng về “học sinh tích cực”, thì đến nay đã có nhiều học sinh dám thể hiện điều suy nghĩ bằng nhiều cách khác nhau và phối hợp tham gia hiệu quả trong từng hoạt động. Nhiều trường học đã tập hợp học sinh có cùng sở thích vào các mô hình sinh hoạt sáng tạo trong nhà trường như: câu lạc bộ (CLB) văn học, CLB địa lý, CLB ngoại ngữ, CLB thể dục thể thao… Có thể nói phong trào đã tạo điều kiện thuận lợi để mỗi học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, tính năng động, linh hoạt và những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh đã xây dựng được 9 tiêu chí về xây dựng phong trào cho các bậc học, đồng thời đưa loại hình thư pháp Việt vào trường phổ thông. Những thay đổi ghi nhận được tại các trường học trên địa bàn tỉnh đó là việc hình thành tính tự quản trong học sinh như tự trang trí lớp học, sân trường, xây dựng tiểu phẩm…; sự thay đổi tích cực về cảnh quan sư phạm của các trường học, giáo viên thân thiện với học sinh và học sinh thân thiện với nhau. Đội ngũ giáo viên tìm tòi và sáng tạo nhiều cách dạy mới hiệu quả như: bản đồ tư duy, dạy theo nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ngoài ra, thông qua phong trào đã có trên 90% di tích lịch sử-văn hóa trong tỉnh được chăm sóc và tham quan, các thư viện trong lớp, ngoài trời, trong các tán cây được hình thành. Ở Vĩnh Long gần như 100% trường học đều tham gia phong trào thi đua này. Nếu như năm thứ nhất có 45 trường đạt loại xuất sắc và 100 trường đạt loại tốt, năm thứ hai có 150 trường đạt loại xuất sắc và 168 trường đạt loại tốt, đến năm học 2010 - 2011 đã có 223 trường đạt loại xuất sắc và 182 trường đạt loại tốt.

Nâng cao chất lượng phong trào

Năm học 2011-2012 ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực với 3 nội dung chính: Đi học an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau, hành vi bạo lực học đường; Phòng ngừa tác động xấu của trò chơi trực tuyến; Đẩy mạnh giáo dục và rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh. Trong năm học này và những năm tiếp theo, Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của tỉnh thực hiện nhiều giải pháp phối hợp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào. Theo đó, Sở phối hợp với Hội khuyến học và Đoàn Thanh niên thực hiện yêu cầu 3 đủ cho học sinh (đủ sách vở, đủ quần áo, đủ ăn); phối hợp ngành Công an đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường, giảm tình trạng bạo lực và không để tệ nạn xã hội, ma túy xâm nhập học đường; phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đảm bảo các điểm internet có quy định thời gian và nội dung game không bạo lực hay có tác dụng xấu, đồng thời tổ chức dạy bơi cho học sinh vùng sông nước; phối hợp với ngành Quân sự và Đoàn Thanh niên tổ chức chương trình tuần làm chiến sĩ, học kỳ quân đội cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào dịp hè.

Riêng Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức giới thiệu các sáng kiến, kinh nghiệm hiệu quả của giáo viên được xếp loại A năm học 2010-2011 và các kỹ thuật giảng dạy mới nhằm tạo động lực học tập và sự tích cực cho học sinh. Ngoài ra, mỗi trường học, mỗi giáo viên, mỗi học sinh phải xây dựng và áp dụng những quy tắc ứng xử văn hóa, thân thiện thông qua các hoạt động sáng tạo, ấn tượng./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=487629&co_id=30087