Hành trình lập nghiệp của bà chủ tiệm nail xinh đẹp người Việt tại Đức

Cách nhà ga chính thành phố Bochum (Đức) tầm 30m là tiệm STAR nail’s - một cửa tiệm nail có tiếng và hút khách. Nữ chủ nhân của tiệm nail này là 1 phụ nữ Việt trẻ, đẹp, năng động tên Đỗ Kiều Anh, 29 tuổi. Bằng sự yêu nghề, chị đã vực dậy một tiệm nail "chết" để kinh doanh thành công.

Để có một tiệm STAR nail’s đẹp, đông khách và nổi tiếng như hôm nay, ít tai biết được người phụ nữ trẻ này đã phải trải qua những ngày tháng gian nan khi bắt đầu theo học nghề nail này tại Đức thế nào.

Nhưng với sự yêu thích kinh doanh, đam mê với công việc cùng bản lĩnh với nghề, chị đã nhanh chóng vực dậy một tiệm nail "chết" để lập nghiệp vững vàng và thành công. Hiện, chị và gia đình đang sống tại thành phố Bochum (CHLB Đức).

Cùng nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi với bà chủ tiệm nail trẻ đẹp mà không ngừng vượt khó này.

Chị Đỗ Kiều Anh, 29 tuổi - chủ tiệm nail Star.

Chào bạn! Nhìn vào tiệm nail đẹp và nổi tiếng tại Đức như hôm nay, ít ai có thể nghĩ rằng chủ nhân của nó lại là một phụ nữ Việt. Vậy, bạn đã đến với nghề này như thế nào và quyết định lấy nghề này để lập nghiệp trên đất nước này ra sao?

Mình sinh ra ở Việt Nam, nhưng từ nhỏ mình đã sống ở bên Đức cùng với bố mẹ và người thân.

Năm 2007, mình bắt đầu học nghề này. Khi đó mình 22 tuổi và đang học đại học tại Đức. Ban đầu ý định của mình là vừa học vừa làm thêm để có tiền trang trải cho chính bản thân và phụ giúp một chút cho gia đình.

Cứ thế, mình mất khoảng nửa năm để học nghề này và ngày càng thấy yêu nghề này hơn. Ở bên Đức, mình thấy có nhiều người Việt làm nail lắm. Nhưng họ chủ yếu học từ người Việt, học kinh nghiệm của nhau qua cách truyền miệng. Khác một chút với họ, mình quyết định học nghề này từ người Đức để được họ dạy bài bản và có cấp chứng chỉ đàng hoàng.

Trong suốt quá trình học nail, mình phải học rất kỹ về luật, rồi an toàn vệ sinh, cấu trúc tay,... Học xong phần lý thuyết, mình đến vài tiệm nail xin làm không công để lấy kinh nghiệm. Nhưng dù xin làm không công, họ cũng làm khó, không cho mình động vào tay khách vì sợ non tay nghề làm hỏng. Thời gian này, mình hay phải luyện tập bằng cách lôi tay bố mẹ, bạn bè, người thân… ra để làm mẫu.

Sau đó, mình giúp một người bạn mở tiệm. Nói là giúp nhưng mình vừa là phụ bạn, vừa học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Khi tay nghề vững vàng hơn và có vốn kiến thức về nghề này cũng hòm hòm, tháng 3 năm 2010, mình mới dám chính thức mở tiệm.

Tại sao bạn lại chọn nghề này để làm thêm và theo đuổi thời điểm ấy?

Thời điểm ấy, mình còn trẻ nhưng ưa thích kinh doanh. Mình cũng muốn vừa học vừa kiếm ra tiền để chi tiêu cho bản thân và phụ giúp gia đình. Nhưng mình thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên mình nghĩ tìm một nghề thủ công để kinh doanh là phù hợp nhất.

Hơn nữa năm 2007 ở bên này, phong trào làm nail đang rất rầm rộ, cơ hội kinh doanh lớn. Mặt khác, mình lại có đam mê lớn trong những lĩnh vực thời trang, làm đẹp. Mình cũng có chút hoa tay, tính cách cẩn thận, tỉ mẩn. Vì vậy, mình lựa chọn làm nail để học và theo đuổi. Mình cảm thấy nghề này rất hợp với mình.

Để có một tiệm STAR nail’s đẹp, đông khách và nổi tiếng như hôm nay, ít tai biết được người phụ nữ trẻ này đã trải qua những ngày tháng gian nan khi bắt đầu theo học nghề nail này tại Đức thế nào.

Vậy thời điểm bạn đi làm nail thuê, phụ việc tại các tiệm nail, công việc cụ thể và mức thu nhập của bạn trong thời gian này thế nào?

Sau nửa năm học làm nail một cách nghiêm túc, mình bắt đầu công việc đầu tiên là làm manicure tức là nhặt da tay cho khách, phục vụ nước uống, dọn dẹp và khi có khách thì đứng bên cạnh thợ chính để nhìn và học hỏi. Khi khách đông thì mình lo công đoạn chuẩn bị để thợ chính họ hoàn thiện những việc còn lại.

Trong quá trình học nghề, mình học không có lương mà còn phải bỏ tiền ra để họ dạy mình. Đến khi làm thợ phụ thì đồng lương ít ỏi lắm. Có nơi trả nơi không, họ cho mình tiền tàu xe là tốt lắm rồi. Tháng lương đầu tiên của mình được lĩnh là vào tháng 6/2009. Mình làm xa nhà nên chủ họ trừ tiền trọ, tiền ăn và tháng lương ấy chỉ còn 400 Euro (khoảng 11 triệu đồng).

Cho đến cuối năm 2009, người bạn của mình mở tiệm, mình qua phụ giúp. Mấy tháng đầu, tiệm không có khách nên mình cũng không có lương luôn. Tuy nhiên mình học được nhiều kinh nghiệm cả về thực hành và điều hành ở đây.

Nghe nói, ngày đầu mở tiệm nail, bạn đã phải vực dậy một tiệm nail "chết"? Vậy làm thế nào để vực nó thành 1 tiệm "sống" và kinh doanh thành công như hiện nay?

Tháng 3-2010, sau 3 năm vừa học nghề vừa làm thợ phụ lấy kinh nghiệm, mình quyết định mở tiệm nail riêng.

Ban đầu, do không có vốn nhiều, mình đã quyết định mua lại một tiệm STAR nail’s “chết” và vực nó sống dậy rồi kinh doanh đến tận bây giờ.

Để vực tiệm nail này sống dậy, nói chung mình phải kết hợp rất nhiều yếu tố mới có thành công. Như ở Việt Nam mình có câu “thiên thời, địa lơi, nhân hòa”. Còn ở đây mình sử dụng SWOT analysis: tăng cường điểm mạnh, giảm bớt điểm yếu, tận dụng thời cơ và luôn chuẩn bị để ứng phó với nguy hiểm…

Cụ thể bạn đã làm thế nào, bạn có thể nói chi tiết hơn được không?

Ở tiệm nail của mình, mình đặt ra tiêu chí hàng đầu là chất lượng. Thứ nhất, chất lượng máy móc. Thứ hai, chất lượng về nguyên vật liệu. Thứ ba, chất lượng sản phẩm làm ra. Mình đảm bảo các bộ móng được bền trong vòng 4 tuần. Sau đó khách hàng cũng nên quay lại để làm bộ mới theo chu kỳ.

Thứ tư, chất lượng phục vụ. Mình cố gắng để làm hài lòng khách, để tất cả khách đến tiệm đều sẽ trở thành khách quen. Luôn lịch sự, niềm nở, lễ phép với khách, trò chuyện tâm sự cùng khách lúc làm việc.

Lưu ý nhớ kỹ sở thích và yêu cầu của từng khách. Mình cũng phải quan tâm đến họ cả sau khi họ rời khỏi cửa hàng, chứ không phải lúc cần tiền của họ mới vui vẻ, còn bình thường thì lạnh nhạt.

Mình luôn nhắc nhở nhân viên rằng chất lượng là tiêu chí của cửa hàng để họ tuân theo. Tất nhiên, khi chú trọng chất lượng thì năng suất cũng giảm đi, nhất là khi khách đông. Tuy nhiên, mình thà mất chút tiền mà yên tâm, để khách hài lòng còn hơn là nhanh ẩu đoảng, thà chậm mà chắc, chắc mà bền còn hơn.

Là bà chủ nhưng chị cũng đồng thời là nhân viên tiệm nail của mình.

Ngoài ra, hòa khí giữa các nhân viên trong tiệm cũng quan trọng. Tôn trọng nhân viên dù họ là thợ chính hay phụ, tạo không khí thoải mái để làm việc tốt hơn mà khách hàng cũng sẽ cảm nhận được khi đến tiệm.

Bên cạnh những yếu tố trên, mình cũng phải thường xuyên theo dõi xu hướng thời trang, mẫu mã và các đối thủ cạnh tranh. Ngoài học những cái hay của họ thì cũng đề phòng động tĩnh để không bị mất khách vào tay họ. Mình cố gắng làm nổi bật điểm riêng của tiệm mà những nơi khác không có để khách hàng trung thành với mình.

Những điều này nói ra rất dễ và có lẽ ai cũng biết, nhưng để làm được lại khó vô cùng. Phải quyết tâm, đam mê với nghề, nhiệt tình với khách, khéo léo với nhân viên. Mất rất nhiều thời gian mình mới đạt được thành công như hiện giờ.

Mình tò mò về việc làm bà chủ trẻ của một cửa hiệu, công việc hàng ngày của bạn sẽ rao sao? Có phải chỉ cần đứng chỉ tay năm ngón?

Mình làm bà chủ nhưng cũng đồng thời là nhân viên của tiệm nail này luôn nên không có chuyện đứng chỉ tay năm ngón đâu. Ngoài phục vụ khách thì mình phải quản lý nhân viên, phân công công việc và điều hành sao cho team hoạt động hiệu quả, ăn khớp.

Mình cũng kiêm luôn việc quản lý nguyên vật liệu, làm sổ sách, thuế... Một ngày làm việc ở cửa hàng bắt đầu từ 10h sáng tới 10h tối. Mình không nghỉ trưa nên cũng vất vả đó.

Nghề nail đã cho người phụ nữ này niềm đam mê và thu nhập ổn.

Hiện nay ở Việt Nam, nhiều chị em cũng muốn xuất ngoại làm nail vì cho rằng đây là một nghề rất dễ làm mà lại có thu nhập "khủng". Là người có kinh nghiệm trong nghề, bạn có chia sẻ gì? Bạn có thể tiết lộ mức thu nhập hiện nay của bạn từ nghề này mang lại mỗi tháng không?

Nói nghề này dễ làm thì cũng đúng một phần bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay, cái đó phụ nữ Việt Nam có thừa. Học nghề này nhanh và có thể kiếm được tiền ngay vì các tiệm nails ở Đức rất cần người làm những công việc phụ. Tuy nhiên, để trở thành một thợ có tay nghề và sáng tạo thì cần nhiều thời gian luyện tập và cũng cần có tố chất nữa.

Còn nói nghề nail ở Đức cho thu nhập "khủng" thì cũng không hẳn. Quy ra tiền Việt thì nghe có vẻ nhiều nhưng ở đây mức sống và giá cả cao hơn trong nước nhiều lắm. Bên này các tiệm nail trả lương cho người làm theo hiệu suất công việc (thường là thợ hưởng 40-60%) hoặc là trả lương cố định theo tháng.

Trung bình một người thợ nail có tay nghề cực kỳ cao, giấy tờ định cư ổn định và thông thạo tiếng Đức để có thể nói chuyện với khách thì mới có thu nhập từ 1.700 - 2.000 Euro (khoảng 45 - 54 triệu đồng). Còn thợ bình thường thì chỉ khoảng 800 Euro (khoảng 22 triệu đồng).

Riêng với thu nhập từ nghề và tiệm nail này hàng tháng xin cho mình được phép không tiết lộ. Mình chỉ nói rằng, nghề này cũng cho mình và gia đình một cuộc sống khá ổn tại Đức.

Bản thân mình cũng từng gặp nhiều chị em Việt Nam sang đây mở tiệm nail với suy nghĩ như bạn nói. Tuy nhiên việc thiếu tay nghề, thiếu kinh nghiệm đã khiến tiệm của các bạn ấy chết yểu, phải đóng cửa tiệm rồi đi làm thuê cho người khác.

Để vực dậy tiệm nail thành công như hôm nay, hẳn bạn đã phải gặp nhiều khó khăn?

Khó khăn thì nhiều lắm, chẳng hạn như thời điểm mình vực dậy tiệm nail và kinh doanh tiệm nail này, kinh tế khủng hoảng, nhu cầu của khách cũng giảm vì họ không có tiền. Chưa kể sự cạnh tranh khách từ các tiệm khác.

Mình biết nhiều người đến với nghề này vì tiền, nhưng cá nhân mình thì không như vậy. Cửa tiệm là đam mê, là tâm huyết của mình. Nó cũng là cơ hội kiếm sống của cả gia đình nên mình rất yêu. Vì thế, dù gặp khó khăn thế nào mình cũng vượt qua được hết.

Đến bây giờ, nhìn lại con đường đã qua và thành quả của mình, mình rất tự hào. Tiệm mình từ một tiệm nail chết giờ đã đi vào quỹ đạo. Nhiều khách đến đây bảo rằng họ rất hài lòng. Họ bảo tiệm của mình làm đẹp nhất, phục vụ tốt nhất, giá lại hợp lý. Mình rất vui vì những lời khen đó.

Là một phụ nữ, công việc bận rộn từ sáng tới khuya như vậy, bạn dành thời gian để chăm sóc gia đình, con cái và bản thân ra sao?

Đúng là công việc của mình tại tiệm nail rất bận và mệt mỏi vì nghề này tiếp xúc nhiều với hóa chất, bụi bẩn nên ảnh hưởng tới sức khỏe. Mỗi ngày tính ra, mình chỉ có 1 - 2 tiếng dành cho bản thân và gia đình. Nếu không có ông bà ngoại và chồng đỡ đần, chắc mình sẽ mệt mỏi và vất vả lắm.

Dù kinh doanh bận rộn, với chị gia đình và con gái nhỏ vẫn là quan trọng nhất.

Với mình, dù phụ nữ có kinh doanh bận rộn đến đâu cũng phải là vợ, là mẹ. Vì thế, mình luôn gắng cân bằng giữa công việc và gia đình. Mình vẫn làm công việc nội trợ trong nhà, duy trì bữa ăn tối sum họp cho mọi thành viên. Cứ có thời gian rảnh, vắng khách là mình tranh thủ về thăm con hoặc đi shopping, chăm chút cho bản thân một chút.

Dù tiệm nail của mình ở Bochum rất đông khách nhưng mình vẫn quyết đóng cửa ngày Chủ nhật để có thời gian cho chồng, con. Đối với mình, gia đình và con gái nhỏ vẫn là quan trọng nhất.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian chia sẻ. Chúc bạn và gia đình luôn hạnh phúc, chúc tiệm nail của bạn ngày càng đông khách và trở thành điểm đến của nhiều khách hàng ở Bochum.

Nguồn VCC: http://afamily.vn/doi-song/hanh-trinh-lap-nghiep-cua-mot-ba-chu-tiem-nail-xinh-dep-nguoi-viet-tai-duc-20130630010313341.chn