Hải quân Mỹ nắn gân tàu ngầm Trung Quốc

>>> Lộ ảnh nóng vận tải cơ mới nhất của TQ

Hải quân Mỹ ê mặt hay “khổ nhục kế”?

Ngày 26/10/2006 chiếc tàu ngầm tấn công chạy động cơ diesel lớp Song của Trung Quốc đã bám sát chiếc Kitty Hawk đang thao diễn gần đảo Okinawa rồi trồi lên chỉ trong khoảng cách 5 hải lý “vẫy tay chào”.

Trong khi đó cả hệ thống phòng thủ đắt tiền, hiện đại của Mỹ bảo vệ cho Kitty Hawk gồm 2 tàu ngầm bên dưới cũng không phát hiện được. Chiếc tàu ngầm đơn độc của Trung Quốc đã lượn qua ít nhất một tá tàu chiến Mỹ.

Chưa dừng lại ở đó, hôm 10/6/2009, một chiếc tàu ngầm “lạ” đã lượn phía sau tàu khu trục USS John McCain của Mỹ, thậm chí đụng ngay vào dàn sonar dò tàu ngầm của tàu này đang thả phía sau đuôi tàu cách khoảng 1 hải lý, khiến dàn sonar bị hư, sau đó tàu ngầm này ung dung bỏ đi. May mà “tàu lạ” nọ đã không thèm cắt cáp dàn sonar của khu trục hạm USS John McCain.

Địa điểm đụng độ chỉ cách vịnh Subic của Philippines khoảng 144 hải lý về phía nam, tức trên vùng biển quốc tế.

Tàu ngẩm Trung Quốc, phô trương “thể hình”.

Sau sự cố, phía Trung Quốc nhìn nhận đó là tàu ngầm của mình, còn phía Mỹ giải thích rằng đây là một “va chạm tình cờ không chủ ý” do cả hai bên đều “mù”.

Việc “nắn gân” Hải quân Mỹ (trước thời điểm Mỹ chưa tuyên bố “xoay trục” sang châu Á-TBD) của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc cùng các lực lượng khác đã cho một kết quả chứng tỏ Mỹ đã bất lực và bối rối trước sức mạnh của PLAN (Hải quân Trung Quốc) khiến cho Trung Quốc vui mừng.

Rất nhiều tuyên bố, báo chí, sách vở của Trung Quốc trong gia đoạn này, giai đoạn mà thế giới bị suy thoái kinh tế, còn Trung Quốc cứ tăng trưởng 2 con số và đang chuẩn bị trở thành trung tâm kinh tế thứ 2 thế giới… đều đồng loạt vẻ ra một viễn cảnh cái ngày Trung Quốc “nói gì làm nấy”, soán ngôi Mỹ bá chủ thế giới…sắp bắt đầu.

Trong khí thế hừng hực đó, việc tầu ngầm Trung Quốc “vờn” tàu chiến Mỹ làm Mỹ “bất lực, ê mặt” đã khiến cho hàng chục thuyền trưởng tàu ngầm Trung Quốc muốn thử tài với Hạm đội 7 Mỹ để thể hiện “nam tử Hán đại trượng phu” mà Trung tâm Lượng giá chiến lược quốc tế (IASC) cảnh báo là không thể tránh khỏi.

Chỉ huy lực lượng tàu ngầm Úc, phó đề đốc Mike Deeks, như tạo thêm nguồn cảm hứng cho lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, ông ta phao tin:

“Các tàu ngầm “giẻ rách” của ông “trong mỗi cuộc tập trận có khi kéo dài đến ba tuần đều đã đè bẹp các tàu “đối phương” (Mỹ) siêu hiện đại, và rồi đến khi kết thúc cuộc tập trận, người Mỹ mới mở mắt ra mà nhìn nhận rằng có một lực lượng hải quân khác (là Úc) cũng biết thao tác tàu ngầm”. Ông ta kết luận là hải quân Mỹ “công tử bột” trong lĩnh vực chống tàu ngầm”.

Trung Quốc, khi 2 lần đụng đầu trên với Mỹ khiến Mỹ “ê mặt” như vậy chắc chắn không thể không có nhận xét rằng, khả năng chống ngầm của Mỹ là có vấn đề, “một con hổ giấy” mà thôi.

Bỏ qua thời kỳ “giấu mình chờ thời”, trước sự hối thúc của chủ nghĩa dân tộc bá quyền, bành trướng, muốn chiếm trọn biển Đông, Trung Quốc bắt đầu tiến hành các hoạt động quả quyết trên biển Đông, khoe “cơ bắp”, đe dọa sử dụng vũ lực với các nước láng giềng. Hàng loạt phương tiện quân sự của PLAN hùng hổ ra khơi, phô trương thanh thế, trong đó lực lượng tàu ngầm cũng tăng cường xuất kích.

Hải quân Mỹ: Nhữ con mồi ra khỏi hang?

Phải công nhận rằng tại thời điểm từ năm 2005, Trung Quốc đã có trong tay hơn 50 chiếc tàu ngầm các loại nhưng rất ít khi ra khơi khiến cho Mỹ khi nhìn vào “thể hình, thể lực” rất hoành tráng này lo lắng, bất an.

Tàu ngầm, sự nguy hiểm, lợi hại của nó không phải là ở vũ khí nó mang theo, phóng ra, mà ở tính tàng hình hay tính bí mật khi cơ động tác chiến của nó. Bất kỳ một phương tiện nổi nào trên mặt biển, bất cứ một quốc gia nào có bờ biển nhưng không có cách nào để biết tàu ngầm đối phương đang đi đâu, ở đâu thì coi như cầm chắc cái chết sẽ đến bất kỳ lúc nào.

Chính vì vậy, tính bí mật khi cơ động tác chiến của tàu ngầm là yếu tố sống còn của tàu ngầm, là ưu thế chiến thuật độc đáo của tàu ngầm. Khi tàu ngầm hoạt động đi lại, ẩn náu…bị đối phương phát hiện, theo dõi chặt chẽ thì có nghĩa tàu ngầm đó đã coi như mất sức chiến đấu.

Bất kỳ một tàu ngầm nào dù hiện đại đến đâu khi hoạt động cũng đều gây nên trường vật lý - những yếu tố lộ bí mật, gọi là tiếng ồn của tàu ngầm, như: trường âm thanh, vùng từ trường, trường nhiệt năng tầu ngầm, trường thủy động học, trường lực hấp dẫn, trường phóng xạ và trường quang học.

Ngoài ra, những dấu hiệu làm lộ bí mật của tầu ngầm có thể là, dải bọt nước cuốn theo lằn tầu, sự xao động của nước biển khi chân vịt của tầu ngầm hoạt động và sự chuyển động của thân tầu, khói của động cơ diesel khi tầu ngầm diesel sử dụng động cơ di chuyển dưới mặt nước biển…

Tất cả những trường vật lý đó có thể dò tìm được bằng các thiết bị đo tương ứng, các thiết bị đo tương ứng này sẽ được tích hợp lại và trở thành công cụ để phát hiện tầu ngầm, công cụ để dẫn đường các loại vũ khí chống tầu và cũng được trang bị trên các bộ phận kích nổ tự động phi tiếp xúc nhằm tiêu diệt tầu ngầm.

Có thể nói, chính độ ồn của tàu ngầm tỷ lệ nghịch với ưu điểm chiến thuật chủ yếu của nó là tính bí mật.

Bởi vậy, việc đánh giá, nắm bắt tiếng ồn tàu ngầm của đối phương để chuẩn bị đối phó, lập phương án tác chiến chống ngầm là hết sức quan trọng.

Tiếng ồn của tàu ngầm Trung Quốc như thế nào? Tàu ngầm nguyên tử lớp “Tấn” trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 có khả năng mon men đến bờ Tây nước Mỹ được hay không là một vấn đề mà các nhà quân sự Mỹ cần biết hơn bao giờ hết.

Nhưng một khi các tàu ngầm Trung Quốc nằm bến thì đương nhiên sẽ không có tiếng ồn, do vậy, Mỹ không thể đánh giá chính xác khả năng của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc. Cho nên, vấn đề người Mỹ cần là tàu ngầm Trung Quốc hoạt động.

Chỉ mới đây, năm 2007, các tàu ngầm diesel và vài chiếc tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc cộng lại cũng chỉ thực hiện vẻn vẹn vài chuyến tuần tra trong một năm. Hơn nữa, hai năm trước đó, không một tàu ngầm Trung Quốc ra khơi tuần tra chiến đấu.

Sau khi Trung Quốc bắt đầu cho tàu ngầm tuần tra quy mô lớn, các máy bay trinh sát, tàu nổi và tàu ngầm Mỹ cuối cùng đã có cơ hội thu thập thông tin tình báo về hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, trong đó có tham số quan trọng nhất là độ ồn của các tàu ngầm.

Té ra Mỹ khôn hơn ta tưởng. Mỹ cũng biết sử dụng chiêu “khổ nhục kế” để lôi các tàu ngầm Trung Quốc ra khỏi căn cứ. Mỹ đã biết những gì cần biết khiến “Mỹ thở phào nhẹ nhõm”.

Báo chí, giới quân sự Mỹ bắt đầu đánh giá tàu ngầm Trung Quốc rất nhiều, rằng là lạc hậu, ầm ĩ như tàu ngầm Nga cách đây 20 năm…Đặc biệt, chuyên gia quân sự Christensen sau khi trích dẫn một báo cáo của Cục tình báo hải quân Mỹ, đã lớn tiếng khẳng định: “Tầu ngầm Trung Quốc, muốn sống thì nằm yên”, nghe rất chi là kẻ cả.

Tại sao như vậy, các chuyên gia quân sự Mỹ đã phân tích nhiều, nghe có vẻ thuyết phục. Và, nếu như vậy thì 74 chiếc tàu ngầm Trung Quốc hiện nay là vô bổ, không dọa được ai chăng?

Nên nhớ rằng, chuyên gia quân sự Trung Quốc đã tuyên bố đã sản xuất ra được loại tàu ngầm mới có tiếng ồn nhỏ hơn tàu ngầm của Nga những 8 lần. Đó là tàu ngầm Type-041C lớp Yuan (Nguyên), hiện đại hơn cả tàu ngầm lớp Lada của Nga.

Tuy nhiên, dư luận có tin hay không thì trước hết hãy quên đi việc Trung Quốc ký hợp đồng mua của Nga 2 tàu ngầm Amur-1650 mới đây.

Mỹ đã từng chấp nhận để tàu ngầm Trung Quốc làm cho “ê mặt”, nhưng bây giờ kẻ “dại mặt” không phải là Mỹ.

Lê Ngọc Thống

[links()]

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/toan-canh/201301/Hai-quan-My-nan-gan-tau-ngam-Trung-Quoc-2209240/