Hà Trí Hiếu: Độc đáo "Tranh hộp"

1. Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Hà Nội có một nhóm năm họa sĩ trẻ là Trần Lương, Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Phạm Quang Vinh và Hà Trí Hiếu thường xuyên tụ tập, cùng vẽ và cùng làm triển lãm tại gia – một hoạt động rất hiếm của giới mỹ thuật vào thời buổi bao cấp khó khăn. Những cuộc tụ bạ dần trở thành sự cọ sát tinh thần thường xuyên và thói quen lao động nghệ thuật đều tay của các chàng trai, để rồi dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của danh họa Van Gogh, năm chàng “ngự lâm họa thủ” đã bày một triển lãm nhóm vô tiền khoáng hậu tại đất thủ đô.

Có đà, trong tinh thần bươn khỏi lũy tre làng, ba năm sau, năm chàng trai đã tự gọi nhóm mình bằng một cái tên đặc ngoại: “Gang of Five”, thế mới kinh. Chỉ trong vòng mấy năm, bứt phá vượt lên khỏi sự yếm thế của cả một thế hệ, nhóm “Gang of Five” tung hoành ngoài biên ải với những triển lãm gây ấn tượng sâu đậm tại London (1994) và Hongkong (1996). Cuốn “Post-Doi Moi: Vietnamese Art after 1990” (Hậu Đổi Mới: Hội họa Việt Nam sau 1990) của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore ấn hành năm 2008 khẳng định: “Gang of Five ở Hà Nội là nhóm họa sĩ trẻ Việt Nam đầu tiên đạt được danh tiếng quốc tế.”

Cùng thời gian này, với một bút pháp hiện đại, trữ tình cùng các môtíp làng quê có sức nặng thị giác đáng nể, Hà Trí Hiếu nhanh chóng khẳng định vị trí tiên phong của mình trong cơn chuyển mình của nghệ thuật Việt Nam.

2. Từ mục “Hà Trí Hiếu” của Từ điển Họa sĩ Việt Nam (Encyclopedia of Vietnamese Painter) do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành năm 2008, ghi: “Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam (1983), ông đã từng công tác lâu năm ở báo Quân đội Nhân dân. Hiện là họa sĩ vẽ tự do … Thành viên của ‘Nhóm Năm’ … Ông không chỉ dùng ‘bò’ làm con vật biểu tượng mà còn làm cái cớ để tạo ra khung cốt của bố cục, thậm chí con bò có thể biến thành ngôi nhà hoặc cái nôi che chở cho con người mà không hề gây cảm giác phi lý. Bằng ký ức và trí tưởng tượng, ông thêu dệt nên cảnh trữ tình, nhiệm nhặt như truyền thuyết, trở lại những đề tài cơ bản của hội họa: gia đình, quê hương, đời sống nông dân, thể hiện sự tôn kính tình yêu, niềm vui và cái đẹp. Chủ yếu sử dụng chất liệu sơn dầu và bột màu. Ngả về khuynh hướng biểu hiện, các tác phẩm của ông luôn luôn phóng túng và dạt dào nội tâm.” Đoạn văn là một tóm tắt khái quát, nhưng chưa đủ.

3. Nhiều cuốn sách khác và vô số bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước đã đề cập tới hội họa của Hà Trí Hiếu, đấy cũng là điều dễ hiểu bởi những dấu ấn lịch sử của ông và “Gang of Five” đã tạo dựng trong lịch sử mỹ thuật Việt thời đầu Đổi Mới và cả những năm tháng sau này trong sự nghiệp. Susan Lecht, giám đốc Art Vietnam Gallery, trong vựng tập triển lãm cá nhân của Hà Trí Hiếu năm 2008, điểm lại con đường của ông cho đến thời điểm đó: “Từ những bức tranh phong cảnh làng quê với con trâu và cô thôn nữ, Hiếu đã dần phát triển một phong cách sáng tác của riêng mình với một cách nhìn đa diện. Những đường nét trong tranh Hiếu có sự vững vàng, chín chắn, đề cập đến những vấn đề nhạy cảm. Dần dần, Hiếu cũng đã tìm đến với những đề tài mới trong tranh của ông, thể hiện những cái nhìn vừa sâu rộng, và lại có sức hấp dẫn, cái nhìn của một người nghệ sĩ, một con người đi tìm vẻ đẹp chân thật trong những phức tạp và biến đổi của cuộc sống.” Nhà phê bình Nguyễn Quân thì bình rằng: “Không phải tính ‘dân gian mới’ dễ dãi, không phải sự hoài cổ lãng mạn nhàm chán, hội họa của Hà Trí Hiếu là một ánh xạ của tâm thức, tình cảm và nhân cách của một thế hệ về với truyền thống dân tộc, về với nội giới cá nhân và hội nhập với hội họa hiện đại.”

Thế nhưng, lạ thật, ngoài sự nghiệp đồ sộ về tranh giá vẽ - mà những không gian bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Singapore hay Malaysia hiện đang lưu dấu nhiều danh tác của ông, có một góc nhỏ riêng tư khác ông chơi cũng “nghề” lắm, công phu lắm thì cho tới nay hầu như lại rất ít người biết đến.

4. Trên gác xép xưởng vẽ căn hộ khu tập thể Văn Chương cuối phố Khâm Thiên, sau vài tuần rượu quê, Hà Trí Hiếu lôi ra từ hốc tủ mấy khối hộp bằng bìa các-tông nom khá bắt mắt rồi hỏi: - “Ông có biết cái gì đây không?” Khách sững người. Thoạt trông, ‘những cái hộp tô màu’, tạm gọi là thế, rõ ràng được vẽ lên các bề mặt những hình ảnh phóng túng, ngẫu hứng mà cũng dường như đã được hoạch định cẩn thận từng xăng-ti-mét. Và rồi, trong cái ánh sáng cuối chiều xiên khoai qua ô cửa sổ mở lửng, khách nhanh chóng nhận ra gốc gác của mấy vật phẩm đó.

5. Theo nhời tâm sự, từ bé, ông đã thích sưu tầm những đồ vật tầm tầm, thậm chí là đồ xài xong sắp vứt, như vỏ bao thuốc lá, bật lửa cũ, hay to hơn thì là cái cày chìa vôi gẫy cán, mấy chum vại quê kiểng sứt mẻ … Ông giữ chúng lại để chơi, để bày trong những xó nhà, kệ sách. Rồi một ngày, ông chợt thấy cái vỏ hộp đựng rượu này ‘giá như’ tô thêm mấy nét đỏ này thì thắm hơn, cái thiệp cưới kia ‘giá mà’ khoanh vài ô tím nữa nhẽ ra một bức tranh siêu thực cực lạ. Dần dà, những buổi gió bấc mưa phùn chả lang thang bia bọt với mấy ông bạn nối khố được, đành độc ẩm một mình trên gác xép, ông cứ tỉ mẩn chơi màu chơi nét lên những món đồ linh tinh cà tàng, chả mấy chốc, kho đồ phế thải đã hoành tráng lên thành bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ.

6. “Ông xem, mấy cái vỏ hộp đựng rượu này, bản thân chúng là một phần của quá khứ, phỏng ạ. Chúng tuy là những đồ vật tiêu dùng tầm thường, song có hình hài tạo dáng công nghiệp hẳn hoi của người họa sĩ tạo dáng công nghiệp đấy. Cũng công phú lắm chứ.” Nhấp ngụm rượu, nheo nheo mắt ngắm dàn hộp đã được ‘nhuận sắc’ kê trên kệ sách, Hà Trí Hiếu khề khà kể tiếp: -“Hễ cứ để mắt tới, lúc rảnh, nghe nhạc hay rít thuốc, thế nào rồi mình cũng nảy ra cái ý nào đấy tút tát dung nhan cho chúng. Thế mới lạ, ông ạ. Thế là đống đồ đáng vứt vào sọt rác ấy nom chúng cứ như hân hoan lên vì được nối dài thêm cuộc đời trong xưởng vẽ này, được tiếp tục sánh vai cùng tranh pháo, cũng là cái thú, phỏng ạ.”

7. Thì ra, sự trìu mến tha thiết của một nhãn quan nhạy cảm với những điều bình dị cùng sự chăm chút của bàn tay tài hoa đã đổi đời những phù du vật thể kia, đã nâng chúng lên hàng nhất phẩm: “tranh hộp”. Đúng, giờ đây khách đã tìm được tên chính xác cho những hình hộp tuyệt đẹp vì hiển hiện trên các bề mặt của những vỏ hộp giấy đẹp đến ‘dã man’ kia nào là hình, nào là nét, là màu; mà ngự trong những bức tranh mini xinh xắn ba chiều đó vẫn là những hình tượng thiếu nữ hát ca, chó đá co giò hay mấy chú bò đỏ giàu thi tính đặc chất ‘Hiếu Tẩm’ – cái phẩm chất mộng mơ chân thành mộc mạc cực đúng với ‘nghệ danh’ giang hồ gắn chết vào tên ông, đố cãi. Đống ‘tranh hộp’ và đồ vật tô màu đường đường ‘chung mâm’ với bề thế tranh toan hay vàng son sơn mài rực rỡ là tất nhiên thôi. Thêm nữa, bên cạnh chúng, những cái thiếp mời in trên giấy vàng khè của phố Hàng Mã, đôi guốc còn trơ vân mộc của các bác phó chùa Thầy, vài ba cái đĩa hát CD cũ kỹ của Thanh Lam và The Beatle hay mấy chiếc hộp xì gà La Havana xạm gió biển Caribe … được ông điểm màu tỉa nét cho cũng cứ là rực lên bầu sinh khí mới.

8. Trong khảo luận “Bàn về nghệ thuật Hiện đại” mang tính tuyên ngôn, Paul Klee phát biểu: -“Chúng ta phải tiếp tục kiếm tìm !”. Các chất liệu, kiểu cách chuyển biến ngày càng nhanh. Các thể loại cũng liên tục thay đổi, mở rộng, đôi lúc pha trộn vào nhau. Con người thời nay đã ít giáo điều hơn thế kỷ trước trong việc định nghĩa ‘thế nào là nghệ thuật”, cái gì là – hay không là – tác phẩm nghệ thuật, thế nên phải chăng mà những thứ được chế tác từ các đồ “làm sẵn” (ready-made) của Duchamp đã tỏ ra có tính tiên tri lạ thường ?! Những đồ vật tô màu và “tranh hộp” của Hà Trí Hiếu vì thế, nếu được xếp vào dòng nghệ phẩm “ready-made” liệu có được chăng? Tại sao không ?!.

Đối diện với thực tại tầm thường, Hà Trí Hiếu không bị vô cảm. Những hình hài ọp ẹp, mấy cái vi-nhét hay logo trên bề mặt đồ cũ vẫn có những chi tiết đắt giá ông nhìn ra, ông gia giảm họa tiết và phối màu để nâng chúng lên thành những sản phẩm nghệ thuật mới có giá trị đích thực: giá trị của cái đẹp mang tính thẩm mỹ. Các tác phẩm mới đó không tác động lên người xem bằng quy mô mét vuông, bằng choáng ngợp kích cỡ. Bứt khỏi cái vô vị nhàm chán của đồ phế thải, nhờ những thao tác bề mặt điêu luyện của họa sĩ, chúng tiếp tục làm nên những hiệu ứng thị giác bất ngờ, ám ảnh. Những con chữ, nhãn hộp họa sĩ cố tình để lại trên bề mặt đồ vật là những tín hiệu về thời đại và/hoặc gợi nhớ một kỷ niệm xưa: ngày được mời dự đám cưới một người bạn, ngày được bạn tặng chai rượu ngoại … Tranh hộp và đồ vật tô màu của ông giờ đây vừa là tác phẩm độc lập, vừa là kỷ vật lưu giữ hoài niệm riêng, khiến người nhìn không thể không xao xuyến, cảm tình.

9. Đúng như nữ phê bình gia Shireen Naziree từng bình luận: -“Hiếu có sự nhạy cảm sâu sắc trong việc phối hợp những hiệu quả về bề mặt, độ chói của màu và bố cục”, và “thông điệp của Hà Trí Hiếu thật giản dị: nghệ thuật cho phép thấu hiểu và nhận biết những cảm xúc mạnh mẽ của cõi lòng ông cùng những giá trị vĩnh hằng; nó không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo và những giá trị thẩm mỹ của họa sĩ mà còn gây ấn tượng bởi những phép ẩn dụ đậm chất văn hóa Việt với một phong cách riêng hết sức độc đáo.” Có thể nói nhận xét trên hoàn toàn đúng với toàn bộ thế giới nghệ thuật của ông, trong đó có mảng ‘đồ vật tô màu’ và ‘tranh hộp’.

Mai này, những ‘tranh hộp’ và ‘đồ vật tô màu’ phảng phất truyền thống hàng mã Kẻ Chợ mà cũng đương đại thế giới tính của Hà Trí Hiếu có xuất hiện trong các sưu tập bảo tàng cá nhân hay quốc gia hẳn cũng xứng đáng. Vâng, cám ơn nhà họa sĩ tài danh đã dành cho khách một chiều đối ẩm nhiều cảm xúc bên những phẩm vật đậm đặc chất ‘nghệ’, những đồ vật biết nói với ta rằng: cái đẹp thật giản dị; thế giới này thật đáng yêu, đáng sống nếu mỗi chúng ta đều biết nhận ra và trân trọng những giá trị của cái đẹp từ những đồ vật nhỏ bé nhất, đơn sơ nhất, trong cuộc đời.

10. Ngắm tranh và những đồ vật nghệ thuật tuyệt mỹ của Hà Trí Hiếu thì chẳng ai muốn về, nhất là lại được đãi cả rượu ngon. Nhưng phải chia tay thôi. Tiễn khách đến chân cầu thang chung cư, họa sĩ bỏ nhỏ một câu: “Ông ạ, cả với con người cũng thế thôi … chẳng có người đàn bà nào xấu xí cả … ấy là cánh ta phải biết nhìn ra ở họ những vẻ đẹp tiềm ẩn, có đúng không, hả ông?!”

Ơ hay, ông là họa sĩ mà phán cứ như triết gia, nhỉ? Nhưng mà … tôi đồng ý !

Ô Đồng Lầm, Cuối Chạp, 2016

Hàm Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ha-tri-hieu-doc-dao-tranh-hop/86991