Góp phần giảm bớt đơn thư về đất đai ở cơ sở hiện nay

QĐND - LTS: Khiếu nại và tố cáo là những quyền cơ bản của công dân được thừa nhận tại Điều 30 của Hiến pháp năm 2013; góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cùng với nhiều thành tựu trong đổi mới quản lý đất đai, đơn thư khiếu kiện về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao, với hơn 70% tổng số đơn thư khiếu kiện. Làm thế nào để giảm đơn thư khiếu kiện về đất đai? Trong loạt bài dưới đây, Báo Quân đội nhân dân đề cập một số vấn đề về thực trạng và khuyến nghị để góp phần giảm bớt đơn thư khiếu kiện về đất đai.

Bài 1: Để không còn vòng luẩn quẩn “chuyển đơn”

Vượt cấp do xử lý yếu

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2015, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận 111.797 đơn thư các loại nhưng chỉ có 71.350 đơn đủ điều kiện xử lý, riêng Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận 8.063 đơn thư, nhưng chỉ có 2.036 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 28,6%, còn lại là đơn trùng và không đủ điều kiện. Phân tích kết quả giải quyết 12.003 đơn khiếu nại cho thấy, có 1.499 đơn khiếu nại đúng (chỉ chiếm 12,5%); 8.572 đơn khiếu nại sai (chiếm 71,4%). Trong 3.517 đơn tố cáo, có 352 đơn tố cáo đúng (chiếm 10,0%); 2.303 đơn tố cáo sai (chiếm 65,5%).

Những con số trên đủ cho thấy thực trạng đơn thư khiếu kiện nhiều nhưng phần lớn là đơn thư khiếu tố chưa đúng. Trong rất nhiều đơn thư khiếu kiện đất đai gửi về Báo Quân đội nhân dân, vụ việc xảy ra chỉ ở cấp xã, thôn nhưng chúng tôi thấy người dân đề nơi gửi tới tận Trụ sở tiếp dân của Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Xin nêu ví dụ về một vụ việc 20 hộ dân khiếu nại thu hồi đất ở xã Yên Lãng và xã Na Mao (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần xem xét và giải quyết vụ việc nhưng 20 hộ dân không đồng ý và tiếp tục khiếu nại lên các cơ quan Trung ương. Phải đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, có kết luận, quyền lợi người dân có đất bị thu hồi không bị ảnh hưởng nên việc giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Thái Nguyên là đúng pháp luật và các hộ dân cần chấm dứt khiếu nại. Rõ ràng nếu như chính quyền cơ sở giải thích cụ thể, thừa nhận những thiếu sót ngay từ đầu thì vụ việc không đến mức kéo dài nhiều năm như vậy.

Khu vực mỏ than Cọc Sáu (Quảng Ninh) từng gây khiếu nại về đất đai do người dân thiếu thông tin. Ảnh: Nguyên Minh.

Thực trạng này cũng được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận trong phiên trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây. Tính trung bình mỗi năm Bộ nhận được khoảng 4.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo về đất đai (những năm trước khoảng 9.000-10.000 đơn/năm). Song có tới 61% đơn thư gửi đến Bộ là trùng do công dân gửi nhiều lần, nhiều nơi khác nhau, 80% đơn khiếu nại vượt cấp và chỉ khoảng 2% vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.

Về nguyên nhân, ông Nguyễn Minh Quang thừa nhận, nhận thức về pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Nguồn nhân lực làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Cần có “nhạc trưởng”
GS, TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Giải quyết một vụ khiếu nại đòi hỏi phải có các bước điều tra, nghiên cứu, kết luận và thi hành kết luận (tương tự như một vụ án hành chính hoặc vụ án dân sự), do đó cần một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên trách. Song hiện nay, Chủ tịch UBND các cấp là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính về quyết định giải quyết khiếu nại, nhưng lại phải lo mọi việc của địa phương nên khó có điều kiện chuyên tâm việc này. Nguồn nhân lực làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai vừa thiếu vừa yếu, tình trạng này tồn tại ở cả cấp Trung ương và địa phương. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giải quyết khiếu nại chậm chạp, thiếu dứt điểm, chất lượng thấp, tái khiếu kiện nhiều.

Để nâng cao hiệu quả xử lý đơn thư về đất đai, cần phải có một “nhạc trưởng” về vấn đề này. GS, TS Đặng Hùng Võ cho biết: Tại các tỉnh, việc phân công thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND trong việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai không thống nhất. Có nơi giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì, có nơi giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường; thậm chí có nơi vừa giao cho Thanh tra vừa giao cho cơ quan tài nguyên và môi trường. Tình trạng này đã gây khó khăn cho dân và lúng túng trong việc xác định thẩm quyền tham mưu giải quyết.

Nhiều chuyên gia quản lý đất đai kiến nghị: Những vấn đề liên quan khiếu kiện về đất đai nên giao cho ngành tài nguyên và môi trường là cơ quan trực tiếp chủ trì, tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết.

Chấm dứt vòng luẩn quẩn “chuyển đơn”
Nếu không xử lý thỏa đáng từ cơ sở thì chu trình luẩn quẩn sẽ tiếp tục tái diễn: Công dân gửi từ xã tới huyện, tỉnh, Trung ương; Trung ương lại chuyển đơn về tỉnh, tỉnh chuyển về huyện, huyện gửi về xã. Nhận xét về vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ cho biết: Trong tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, một số địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn, chưa hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn để tình trạng người đi khiếu kiện đi hết nơi này đến nơi khác, một nội dung đơn mà gửi đi rất nhiều cơ quan. Khi phát sinh khiếu kiện, đã không tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, thậm chí né tránh, đùn đẩy.

Theo luật sư Lê Đức Tiết, nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) thì các cơ quan công quyền phải nêu cao việc tuyên truyền, vận động, giải quyết thấu đáo khiếu kiện của người dân. Thời gian qua, vẫn còn xảy ra tình trạng giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân sai trình tự thủ tục. Trong khi phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng nhiều nơi chỉ ra thông báo để trả lời. Nhiều địa phương đã thực hiện đúng pháp luật nhưng thay vì giải thích tỉ mỉ để dân hiểu, nhiều cán bộ địa phương lại thách thức “anh không đồng ý anh kiện lên Trung ương đi”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng: “Bà con có tâm lý khiếu nại càng cao, hy vọng càng nhiều, được giải quyết nhanh, nhưng theo quy định pháp luật thì không phải như vậy mà phải giải quyết theo thẩm quyền. Tức là trước hết việc khiếu nại phải giải quyết tại địa phương (cấp xã), tiến tới là khi không được đồng thuận thì UBND cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh là cấp giải quyết khiếu nại lần đầu. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết lần hai là lần cuối cùng. Nếu trong trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết lần một thì Bộ trưởng chuyên ngành giải quyết lần hai theo thẩm quyền. Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu được việc khiếu nại như thế nào, quyền, nghĩa vụ, thẩm quyền, nội dung, để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại sai. Mà khiếu nại sai thì cơ quan Nhà nước không giải quyết được, người dân cũng không được gì, lại mất thời gian, tốn kém”.

Nhóm phóng viên PHÒNG BẠN ĐỌC -CTV

Bài 2: Người đứng đầu - lắng nghe và đối thoại

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/dieu-tra/gop-phan-giam-bot-don-thu-ve-dat-dai-o-co-so-hien-nay/393558.html