Giúp trẻ em đường phố học nghề

Dạy nghề nấu ăn, phục vụ nhà hàng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm dạy nghề KOTO (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Mưu sinh ngày hè Hai cậu bé Nguyễn Văn Hùng và Bùi Mạnh Sông, đều 15 tuổi, học sinh lớp 8, lần đầu trong đời từ xứ Thanh bắt xe ra Thủ đô mưu sinh, khi tiếng ve râm ran dưới tán phượng đỏ rực góc phố Hà Nội. Ngày nào cũng vậy, tầm 6 giờ sáng, ở khu nhà trọ trong ngõ sâu phố Trần Quý Cáp, nhóm 'bạn nghề' đánh giày cùng quê xã Hoàng Tân, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã xong bữa sáng. Hùng, Sông và các anh chị, mỗi người công việc khác nhau, túc tắc đi bộ ra phố Hàng Cháo và dọc mấy con đường bao quanh sân vận động Hàng Đẫy. 'Chúng em được người anh đã đi làm giới thiệu ra đây. Mới tới nên chả quen đường, quen lối. Từ sáng đến tối chỉ dám 'làm' gần đây, thi thoảng phải ngước nhìn bờ tường sân vận động 'mần chuẩn' để khỏi bị lạc!' - Sông nói. Nước da đen sạm, vóc dáng nhỏ bé so với tuổi, Sông ngồi lọt thỏm cạnh vỉa hè chật chội của tuyến phố có dăm chục quán cà-phê, quà sáng, cơm bụi, rửa xe, tra dầu ô-tô, xe máy các loại... thường xuyên tấp nập khách hàng. Với tay lấy hộp xi đen quệt đều lên đôi giày của khách, chân kẹp từng chiếc một, Sông ngồi xổm trên vỉa hè, hai tay cầm miếng vải bắt đầu công đoạn đánh bóng khá thuần thục. Cách đó không xa, Hùng đi lại thoăn thoắt, tay cầm đôi dép nhựa, đon đả mời khách đánh giày. Được đôi nào, lại đưa về 'tập kết' chỗ Sông. Chỉ vào hộp đồ nghề nom còn mới, gồm chiếc bàn chải, hai đôi dép lê, lọ keo con voi, chai cồn nước làm sạch giày, ba hộp xi đen, trắng, nâu, Sông nói: Hộp nghề mua cả trăm nghìn, tụi em chưa có tiền nên vay tạm ông anh, hai đứa đánh chung... Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống xa bố mẹ là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến hàng nghìn trẻ em như Hùng, Sông từ nhiều vùng quê quyết định lên khu vực đô thị, thành phố lớn, vất vả kiếm sống, dành dụm tiền gửi về quê, trong khi ít có sự bảo trợ của người lớn. Phần lớn TELT hằng ngày đối mặt nhiều nguy cơ là nạn nhân các loại tệ nạn xã hội, bị xâm hại, lừa gạt... Học kỹ năng sống May mắn hơn hai bạn nhỏ Hùng, Sông, tại Trung tâm Đào tạo của tổ chức KOTO (Biết một giúp một) cạnh khu nhà trong ngõ phố Tô Ngọc Vân, gần Hồ Tây (Hà Nội), các bạn nhỏ từ nhiều miền quê chăm chú tập phát âm tiếng Anh, học pha chế cốc-tai và nấu món xốt theo kiểu châu Á. Nhiều gương mặt tươi tắn từng lấm lem bụi đất khi còn là TELT, trẻ đường phố... Trưởng Phòng Đào tạo KOTO, Hoàng Thị Hạnh cho biết: Đối tượng tuyển sinh của KOTO là các em từ 16 đến 22 tuổi, là trẻ em đường phố, có hoàn cảnh đặc biệt. Ở KOTO, các em sẽ được học tiếng Anh, chuyên ngành nhà hàng khách sạn và kỹ năng sống. Em Phạm Văn Bính, 16 tuổi, nhà ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh (TP Hải Phòng), hoàn cảnh khó khăn, vừa tham gia lớp cho biết: Các học viên KOTO sống trong bốn ngôi nhà thuê ở Hồ Tây, mỗi nhà có một mẹ nuôi hoặc bố nuôi. Các em sống tập thể ở đây thời gian 18 tháng. Trong sáu tháng cuối của khóa học sẽ sống tự lập ở bên ngoài. Hai bạn Lý A Máo và Lồ A Plây là những học viên trẻ, con em gia đình nghèo từ các bản, làng tỉnh Lào Cai về Hà Nội, mong muốn được học nghề phục vụ bàn ở KOTO. 'Bố mẹ và các em ở bản Lao Chải nghèo, không nhiều ngô, nhiều lúa. Em học nghề để có điều kiện giúp gia đình'. Lý A Máo nói. Trao đổi ý kiến với các giáo viên ở KOTO, chúng tôi được biết, đối tượng trẻ em đường phố, TELT hầu hết thất học hoặc bỏ học sớm, nên số đông các em không có nghề và thiếu kỹ năng sống. Với TELT, ngoài dạy nghề, thầy giáo, cô giáo còn dạy văn hóa, đưa các em vào khuôn khổ, nền nếp. Giáo viên không chỉ dạy các em nghề mà còn đem đến cho các em kinh nghiệm sống để các em ra đời tránh bị vấp ngã. Chị Hạnh cho biết, hơn mười năm qua, từ 'tổ ấm' KOTO, khoảng 450 em đã tốt nghiệp, tìm được việc làm lâu dài tại nhiều khách sạn lớn. Dạy nghề may giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại làng Hòa Bình ở xã Vân Canh (Hoài Đức, TP Hà Nội). Dạy nghề, truyền nghề Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cho rằng, TELT phần lớn xuất thân ở các gia đình nghèo, cần huy động nhiều sáng kiến, nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, qua đó hình thành mô hình dạy nghề tại chỗ, thiết thực, giúp đỡ các em có nghề, tìm việc làm. Đó chính là cách giải quyết được 'gốc rễ' tình trạng này. Cách Hà Nội chừng 60 km, một mô hình dạy nghề cho TELT, trẻ em có nguy cơ lang thang (NCLT) và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tại xã Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên bước đầu mang lại kết quả khả quan. Tại xã nghèo, thuần nông có 81 em thuộc đối tượng dự án, gồm 21 TELT, 60 trẻ có NCLT. Chị Nguyễn Thị Láng, cán bộ Hội Phụ nữ xã, cho biết: Trước đây nhiều em chỉ mới chín, mười tuổi đã tự lên Hà Nội đánh giày, làm thuê, thu gom rác, phế liệu... Ở xã nghèo, thuần nông của tỉnh Hưng Yên qua số liệu thống kê, có hơn 1.000 trẻ em dưới 16 tuổi, hơn nửa trong số đó là con em hộ nghèo. Sau hai năm thực hiện dự án tại các xã trên địa bàn tỉnh, nhiều TELT các xã như Ngũ Lão được về với gia đình, tiếp tục học văn hóa, học nghề thêu ren, xâu hạt cườm, nghề mộc, may... Theo chị Láng, muốn TELT về với gia đình, trước hết cần phải dạy cho trẻ em một nghề, giúp các em có thể sống bằng nghề đã học, có thu nhập giúp gia đình. Chung quanh một số mô hình dạy nghề giúp TELT hiệu quả, lãnh đạo Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Thời gian qua, từ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương; một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bước đầu hình thành một số mô hình dạy nghề giúp đỡ TELT. Từ giữa năm 2009 đến nay, dự án hỗ trợ TELT giai đoạn 2 do Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ tiếp tục được triển khai thực hiện tại 51 xã, phường; 14 quận, huyện thuộc mười tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, dự án giúp xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập giúp hàng nghìn gia đình nghèo có TELT và trẻ có NCLT. Một số chuyên gia cho rằng, thời gian qua, nhiều địa phương đã và đang tích cực chủ động lồng ghép các chương trình đào tạo nghề với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, mở thêm các ngành nghề mới và mở rộng thêm lao động ở các nhóm lao động khác thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong quá trình CNH, HĐH đất nước, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cho hộ nghèo có TELT, trẻ có NCLT ở nông thôn thật sự mang ý nghĩa nhân văn. Công tác dạy nghề, truyền nghề phải phù hợp điều kiện của trẻ em và địa phương, chú trọng giúp các em cơ hội đến trường, được chăm sóc, vui chơi, học hành trong tình yêu thương, đùm bọc của gia đình và cộng đồng. Mong rằng, những dịp hè tới, sẽ bớt đi những khuôn mặt thơ ngây lấm lem bụi bặm như Hùng, như Sông từ nhiều miền quê nghèo ra thành phố tất bật mưu sinh...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/giup-tr-em-ng-ph-h-c-ngh-1.298486