Giáo dục trong nhà trường: Chưa quan tâm nhiều đến dạy người

KTĐT - "Nhân cách không chỉ được hình thành từ những gì được nghe và nói, mà chủ yếu hình thành bởi chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân" - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng tâm sự trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

Thế mới thấy, những hiện tượng lệch chuẩn của học sinh đang được nói tới nhiều, không chỉ đáng báo động, mà còn là nguy cơ đáng lo bởi quan niệm sai về cách giáo dục nhân cách.

Phụ huynhphó mặc nhà trường

- Trước hết, xin được bắt đầu bằng vấn đề thời sự nhất được nêu trên diễn đàn của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra là tỷ lệ đối tượng phạm tội đang trẻ hóa và trong số đó có không ít học sinh, sinh viên.Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Đúng là số người vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa và đó là thực trạng đáng lo ngại. Có lẽ bởi những giá trị của tình yêu thương và các giá trị khác đã bị đặt dưới giá trị đồng tiền. Hay nói cách khác, vì đề cao giá trị đồng tiền, nên dễ dẫn đến chuyện phạm tội. Vấn đề này phải nhìn từ nhiều phía và cần có những giải pháp ngăn chặn. Rất mừng Quốc hội, cũng như dư luận đã rung lên những hồi chuông báo động.

-Điều ấy cũng đi kèm với sự báo động về sự lệch lạc trong cách sống của thế hệ trẻ, thưa ông?

Không nên bi quan như thế! Tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ bây giờ có nhiều điểm tốt đáng đề cao, nhưng có thể nói rằng một bộ phận giới trẻ đang lệch hướng. Tôi nhớ một lãnh đạo đã nói: Thanh niên có nhiều thành tích là đáng khen, nhưng chúng ta không nên bỏ quên thanh niên chậm tiến. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy chúng ta kêu nhiều quá, ngành nọ đổ lỗi cho ngành kia, mà không thấy được đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

- Theo ông nên bắt đầu từ đâu?

Thực tế, những gia đình nề nếp, duy trì gia phong, con cái họ vẫn thành đạt về cả vị trí xã hội lẫn nhân cách, nên việc giáo dục phải từ mỗi gia đình. Nhưng có điều giáo dục gia đình cũng đang khó khăn. Nhiều người hay nhầm lẫn, muốn cho con sung sướng là cung cấp đầy đủ vật chất, chứ không phải nền tảng đạo đức và giáo dục, giúp con tính tự lập. Dư luận, rồi các cấp kêu gọi, nhưng vấn đề giáo dục gia đình như thế nào lại không được đề cập một cách tỉ mỉ. Cái này, nhà trường cũng có trách nhiệm, phải phối hợp với cha mẹ học sinh để định hướng giáo dục con cái. Nếu trường không "lôi kéo" tốt,phụ huynh sẽ phó mặc cho nhà trường, họ chỉ đưa con đến, đón con về và nộp tiền.

Tôi vẫn nói, hiện nay phụ huynh kỳ vọng vào con cái rất nhiều, nhưng lại thiếu kỳ công. Cần phải kỳ công nhiều hơn, giáo dục không phải sự rao giảng, áp đặt mà là chỉ bảo để hình thành tự giác bản thân. Nên học tập các nước tiên tiến, mọi hành vi của trẻ vị thành niên, cha mẹ đều phải chịu trách nhiệm theo những điều luật cụ thể, buộc cha mẹ phải tìm cách phối hợp với trường học, các nhà tư vấn tâm lý để quản lý con trong mỗi gia đình.

Nhà trường thiên lệch

- Ngay bản thân các trường, dù luôn đặt song hành hai mục tiêu dạy chữ, dạy người, nhưng xem ra thực tế việc dạy người vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức?

Dưới góc độ tâm lý, tôi nghĩ rằng, nếu một đứa trẻ không được giáo dục trong một nền tảng gia đình, nhà trường tốt, không chịu được va đập của xã hội sẽ dễ mắc sai lầm. Nhưng thật đáng buồn, tại nhà trường, chúng ta chỉ làm được một việc đó là dạy để biết, tức là dạy chữ mà chưa quan tâm nhiều đến dạy người. Việc giáo dục nền tảng giá trị sống và kỹ năng sống bị coi nhẹ. Đồng thời các trường chủ yếu chỉ áp dụng hình thức kỷ luật áp đặt mà chưa có hình thức kỷ luật tự giác. Quan điểm này lệch, không đúng giáo dục con người. Hơn nữa, cách dạy hiện nay không chỉ làm học sinh thiếu nề nếp học mà mất cả nề nếp tư duy, điều này rất nguy hại.

- Ông cũng từng cảnh báo về chuyện ngược đời này của giáo dục Việt Nam?

Đúng là "giáo dục đang phát triển lệch". Đầu tiên là giáo dục chưa được đặt trong quy luật phát triển kinh tế thị trường. Quy luật ấy buộc phải tạo ra giá trị của ngày hôm nay lớn hơn ngày hôm qua. Nó khiến người ta phải linh hoạt chứ không thể cứng nhắc. Hơn thế nữa, giáo dục đang làm theo cách chỉ huy từ trên xuống mà lại chưa làm rõ được vai trò của nhà trường. Sửa chữa dần là cách làm nhỏ giọt. Hiệu trưởng và giáo viên hơn ai hết biết mình cần gì và phải làm gì. Cùng với đó, giáo dục cũng đang làm ngược. Giáo dục từ bậc mầm non, tiểu học là vô cùng quan trọng nhưng lại bị xem nhẹ. Giáo viên "tàng tàng" đã có thể đứng lớp mầm non được rồi. Đó là một cái lạ, bởi trẻ nhỏ mới là cái nôi hình thành nhân cách. Lạ nữa là giáo dục càng lên cao thì những học sinh yếu, học sinh hư lại bị bỏ rơi.

-Nhiều người coi tham vấn "tâm lý học đường" như một sự cứu đỡ cho việc lệch chuẩn của học sinh, nhưng các trường làm chưa hiệu quả hay do học sinh chưa thật sự mặn mà?

Với học sinh, phải rèn tính kỷ luật tích cực dựa vào đặc điểm tâm lý của các em chứ không thể áp đạt. Phải gieo nhu cầu, chứ không thể chờ học sinh tìm đến. Ví dụ như trường Đinh Tiên Hoàng, phòng tham vấn tâm lý học đường ra đời một phần do đặc điểm của trường là nơi đến của học sinh hư, kém. Nhưng trường đã thực sự phát huy vai trò của tham vấn tâm lý trong nhiều vấn đề khác, kể cả hướng nghiệp. Bởi phần lớn hoc sinh không trả lời được câu tôi là ai và tôi trở thành người thế nào, nên không tạo được động lực sống và học tập. Tại đây, học sinh và phụ huynh ngoài tự đánh giá, nêu nguyện vọng sẽ được giáo viên chủ nhiệm và nhà tâm lý nhận xét dựa trên cách làm khoa học là các lớp hướng nghiệp được mở thường xuyên, định kỳ từ đầu năm học.

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều trường chưa có phòng tư vấn học đường. Thứ nhất, do đội ngũ người làm chuyên môn hiện còn ít, việc đào tạo cán bộ tâm lý học đường tại ĐH Sư phạm giờ mới làm và thiên về lý thuyết nhiều hơn là thực hành. Thứ hai, hiện Nhà nước chưa có chính sách cho đội ngũ người làm công tác này. Cùng với đó, người nước ngoài không biết gì là đi nghe tư vấn, còn mình thì chỉ khi nào "nặng lắm rồi", "gấp lắm rồi" thì mới cần tư vấn. Nên tôi nghĩ, các nhà trường phải chủ động, bởi nhu cầu là có thực, nhưng học sinh lại không có thói quen.

- Vậy, có giải quyết được vấn đề học sinh lệch lạc về lối sống, nhân cách khi chính các gia đình và nhà trường cũng lúng túng, thưa ông?

Tôi xin nói lại, dạy văn hóa là dễ nhất, hình thành nhân cách học sinh mới là chuyện khó. Nên phải nắn được dòng chảy, nắm được thượng nguồn. Mọi việc phải xuất phát từ quan điểm giáo dục và Hiệu trưởng phải là người có nhận thức đúng tầm và phải thực sự là nhà sư phạm. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách học sinh, còn sản phảm của ông Hiệu trưởng là nhân cách học sinh và nhân cách của nhà giáo nữa. Tôi nghĩ rằng, nếu chỉ quan tâm đến thực trạng cũng đúng, nhưng phớt lờ cũng không được. Ghi nhận thực trạng và nghĩ ngay đến giải pháp. Nếu làm đúng sẽ có kết quả đúng.

-Xin cảm ơn ông!

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/309530/giao-duc-trong-nha-truong-chua-quan-tam-nhieu-den-day-nguoi.aspx