Giảm bớt các mặt hàng phải chịu thuế giá trị gia tăng

Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), trong đó các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về các đối tượng không phải chịu thuế, hoàn thuế và các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với báo cáo sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Tăng các mặt hàng chịu thuế GTGT không phù hợp với chính sách cải cách thuế năm 2011- 2020.

Đối với dự thảo Luật chuyển “dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh” từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 10% nhằm khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư máy móc, thiết bị vào việc cung cấp dịch vụ vệ sinh, thoát nước, xử lý chất thải được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào khi đầu tư, được khấu trừ thuế trong quá trình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên nhiều đại biểu còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), việc chuyển một số ngành dịch công cộng sang phải chịu thuế GTGT không phù hợp với chiến lược cải cách thuế, theo mục tiêu đề ra của việc cải cách thuế của Chính phủ sửa đổi bổ sung theo hướng giảm bớt các nhóm hàng hóa, các dịch vụ phải chịu thuế giá trị gia tăng. Theo việc sửa đổi, bổ sung thuế GTGT lần nay có xu hướng không giảm thuế GTGT, chưa phù hợp với chính sách cải cách thuế năm 2011- 2020. Vì thuế GTGT là đánh vào người tiêu dùng, người bán hành chỉ thay mặt nhà nước thu thuế, mà người phải chịu thuế có thể là người thu nhập thấp, người nghèo do đó việc mở rộng phạm vi các mặt hàng chịu thuế GTGT không phù hợp.

Đối với việc hoàn thuế, có ý kiến đề nghị giữ mức tối thiểu hoàn thuế trong trường hợp đang trong giai đoạn đầu tư và xuất khẩu là 200 triệu đồng để tránh chiếm dụng vốn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị nâng nếu phải nâng thì nâng lên 300 triệu đồng thay cho 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết. Vì vậy, nếu tăng mức tiền tối thiểu hoàn thuế lên 500 triệu đồng ngay trong giai đoạn này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, nhiều đại biểu đề xuất nâng mức tiền hoàn thuế lên 300 triệu đồng thay vì 500 triệu đồng như dự thảo thì hợp lý hơn. Theo đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng nếu áp dụng mức hoàn thế ở 500 triệu không hợp lý sẽ làm hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ. Chính sách hoàn thuế trong thời hạn 3 tháng liên tục có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lợi dụng, gian lận trong hoàn thuế, dẫn đến tình trạng hoàn thuế tăng đột biến thời gian qua. Vì vậy, cần sửa đổi quy định này để khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận):Cần hoàn thuế GTGT, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

Còn theo đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trường hợp lũy kế trong vòng 6 tháng, tính từ tháng phát sinh đầu tiên và số thuế còn lại 300 triệu đồng trở lên sẽ được hoàn thuế GTGT, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

Tại khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản Điều 13 của Luật Thuế GTGT hiện hành quy định về các trường hợp hoàn thuế, theo đó đối với: “Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý đối với trường hợp kê khai theo quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp lũy kế sau ít nhất 12 tính từ tháng đầu tiên hoặc ít nhất sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế theo quy định của Chính phủ”.

Chính phủ đang triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế và năm 2012 Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân nên việc quy định nội dung trên ở dự thảo Luật sẽ không tạo được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp. Mặt khác, nếu giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này thì trong Luật cũng cần quy định khống chế thời hạn tối đa là bao lâu, tránh tình trạng kéo dài thời hạn hoàn thuế. Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh), cần nghiên cứu, đánh giá kỹ về thời gian hoàn thuế trong trường hợp này, nhằm đảm bảo tính thống nhất về chính sách của nhà nước đối với doanh nghiệp là tạo thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Viết Hà – Hoa Hạ

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/349/349/19466/Giam-bot-cac-mat-hang-phai-chiu-thue-gia-tri-gia-tang/bbp.aspx