Giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất

ND - Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tới hơn 70% số dân là nông dân nhưng diện tích đất dùng cho sản xuất nông nghiệp rất hạn chế. Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 9,42 triệu ha đất nông nghiệp với dân số 86 triệu người (số nông dân ước tính hơn 60 triệu người). Đất giành cho trồng lúa là 4,1 triệu ha, bình quân mỗi nông dân có khoảng 480 m2 đất canh tác.

Trong những năm qua, nhiều diện tích đất đã chuyển làm khu công nghiệp. Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, theo báo cáo của 49 tỉnh, thành phố đã thu hồi gần 750 nghìn ha đất để thực hiện 29 nghìn dự án đầu tư. Điều đáng nói, trong 750 nghìn ha đó thì có tới 80% là đất nông nghiệp. Khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, đây là những khu vực đất màu mỡ trồng hai vụ lúa một năm. Vài năm gần đây phổ biến tình trạng các tỉnh đua nhau xây dựng sân gôn. Tính đến nay, cả nước có 141 sân gôn ở 39 tỉnh, thành phố, sử dụng tới 49.268 ha đất, trong đó có 2.625 ha đất trồng lúa. Nếu như suốt 16 năm trước đó cả nước chỉ cấp phép cho 34 dự án sân gôn thì chưa đầy hai năm (2006-2008) khi các địa phương được quyền cấp phép, đã có 104 dự án sân gôn được cấp phép nghĩa là cứ bình quân sau một tuần lại xuất hiện một sân gôn. Các vùng kinh tế trọng điểm có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất bị thu hồi trên toàn quốc. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Đinh Văn Đãng và Lưu Văn Duy (Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội), chỉ tính riêng năm 2007, diện tích lúa gieo trồng giảm 125 nghìn ha. Điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm 89%, hầu hết là đất lúa, thuộc diện "bờ xôi ruộng mật". Với diện tích này, hằng năm sản lượng lúa cả nước có thể giảm hơn một triệu tấn. Việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003-2008) đã tác động đến đời sống của hơn 627 nghìn hộ gia đình, với khoảng 2,5 triệu người. Mặc dù quá trình thu hồi đất, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách cụ thể đối với người nông dân như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư... tuy nhiên trên thực tế có tới 67% số lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ sau khi bị thu hồi đất, 13% chuyển sang nghề mới và có tới 25 đến 30% số lao động không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Thực trạng này cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả 53% số hộ nông dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm so với trước kia, chỉ có 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi ha đất bị thu hồi sẽ làm mất việc 13 lao động. Những năm qua, Chính phủ đã dành nhiều ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu (ước tính chỉ mới tạo việc làm được khoảng 55.000 người/năm). Hiệu quả thực tế của những biện pháp tạo việc làm cho nông dân vẫn còn cách xa nhu cầu. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế đó là khu quy hoạch đất nông nghiệp thu hồi ở nhiều địa phương chưa gắn với quy hoạch tái định cư, thiếu kế hoạch cụ thể về hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho người lao động. Hầu hết nông dân trong hoàn cảnh này đều bị động khi phải chuyển đổi mục đích đất sản xuất. ĐỂ khắc phục tình trạng này, trong quy hoạch các khu công nghiệp phải cân nhắc xây dựng ở những nơi tách hẳn khỏi đất sản xuất nông nghiệp, xa khu dân cư, làm hạ tầng đồng bộ như: Đường giao thông nối với các trục đường chính, điện, nước, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Cách làm này sẽ mất nhiều kinh phí hơn so với tận dụng khu vực gần đường chính, song là cần thiết cho sự phát triển bền vững, tránh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đời sống người nông dân. Nếu buộc lấy đất nông nghiệp thì phải lấy những nơi đất xấu, canh tác không hiệu quả. Trước mắt để giải quyết số lao động nông thôn mất việc hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao, áp dụng tiến bộ khoa học tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Quy hoạch khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa. Đào tạo cho nông dân có kiến thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, hiện đại, mang lại thu nhập cao từ nông nghiệp. Chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Tăng cường đào tạo, hướng nghiệp, nhất là đào tạo nghề tại chỗ. Quỹ đất để lại 10% giao cho các hộ bị thu hồi đất làm cơ sở dịch vụ theo quy hoạch, hướng dẫn các hộ này liên kết với nhau thành lập hợp tác xã làm dịch vụ hỗ trợ cho các khu công nghiệp như: Dịch vụ bán hàng, cho thuê nhà, dịch vụ vệ sinh... DUY HỮU

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=157097&sub=127&top=39