Giải quyết chế độ cho người có công bị mất hồ sơ gốc

QĐND - Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã ban hành và thực hiện nhiều chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều trường hợp người có công là thương binh, liệt sĩ bị mất hồ sơ gốc nên chưa được hưởng các chính sách ưu đãi. Mới đây, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, góp phần giải quyết sớm tình trạng trên.

Khó xác minh khi mất giấy tờ gốc

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay, cả nước đã xác nhận hơn 8,8 triệu người có công, trong đó hơn 1,5 triệu người đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước. Về cơ bản, hầu hết những người có công với cách mạng đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều trường hợp người có công bị mất hồ sơ, giấy tờ gốc nên chưa được hưởng các chế độ, chính sách. Có nhiều trường hợp chiến đấu và bị thương từ thời chống Pháp nhưng đến giờ chưa được công nhận là thương binh vì mất giấy tờ gốc. Các đối tượng bị thất lạc hồ sơ đa phần là những người chuẩn bị được xuất ngũ trở về, họ quá vui mừng khi trở về với quê hương, gia đình nên không quan tâm nhiều đến giấy tờ, vì vậy mà hồ sơ gốc của họ bị thất lạc nhiều năm. Cũng có trường hợp do cơ quan quân sự địa phương không quan tâm lưu giữ các giấy tờ gốc, đến khi lập hồ sơ giải quyết các chế độ, chính sách thì không còn. Những người mất hết giấy tờ rất khó để xác minh, vì hồ sơ xét duyệt bắt buộc phải bảo đảm những yếu tố về pháp lý theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng quà người có công với cách mạng trên địa bàn.

Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Kiêm, sinh năm 1941, ngụ tại phường 8, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, được cấp giấy chứng nhận bị thương nhưng do mất giấy tờ gốc nên bây giờ vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh. Ông Kiêm cho biết, ông nhập ngũ năm 1962, tham gia nhiều trận đánh ác liệt và bị thương hai lần khi còn ở Tiểu đoàn Quyết thắng, đến năm 1977 ông xuất ngũ. Ông đã được Phòng Tham mưu-Bộ CHQS TP Hồ Chí Minh (nay là Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) cấp giấy chứng nhận bị thương số 27/CNBT ngày 14-4-1979 và được chuyển sang Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ thương binh. Tuy nhiên, trong quá trình bàn giao hồ sơ giữa Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và ông Kiêm, hồ sơ gốc đã bị thất lạc. Hiện tại, ông Kiêm chỉ còn bản hồ sơ phô-tô nên không đủ điều kiện xem xét giải quyết theo quy định hiện hành.

Đại tá Vũ Văn Chản, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 7 cho biết: Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Kiêm đang được Cục Chính trị-Quân khu 7 và các cơ quan chức năng tích cực giải quyết nhưng vẫn chưa có kết quả. Theo Đại tá Vũ Văn Chản, từ năm 1989 đến nay đã có nhiều quyết định, thông tư, văn bản hướng dẫn... được ban hành như: Thông tư 18, Thông tư 1370, Thông tư 16 và Thông tư 25... để giải quyết chế độ cho các đối tượng người có công. Tuy nhiên, còn nhiều trường hợp người có công chưa được hưởng các chế độ, chính sách thích đáng do mất giấy tờ gốc. Trong thời gian qua, Phòng Chính sách Quân khu 7 đã kết hợp với các cơ quan chức năng giải quyết rất nhiều trường hợp người có công bị mất giấy tờ gốc. Hiện tại, theo ước tính của Đại tá Vũ Văn Chản, còn khoảng 500 trường hợp thương binh, liệt sĩ bị mất hồ sơ gốc trên địa bàn Quân khu 7 chưa được hưởng chế độ.

Sớm giải quyết hồ sơ tồn đọng

Với quyết tâm không để sót một trường hợp nào người có công chưa được hưởng chính sách, Chính phủ đã giao các bộ, ngành kết hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn việc giải quyết những trường hợp tồn đọng đối với người có công không còn hồ sơ gốc, không có người làm chứng. Vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Thông tư này hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với người hy sinh, bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu từ ngày 31-12-1991 trở về trước không còn giấy tờ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-12-2013.

Theo Đại tá Vũ Văn Chản, Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP có nhiều điểm mới, giúp người có công bị mất hồ sơ dễ dàng hơn trong việc xác nhận và tăng tính công khai, minh bạch trong việc xét duyệt, giải quyết chế độ cho người có công. Theo đó, cá nhân, tổ chức, cơ sở lập xác nhận ban đầu rất quan trọng đối với các đối tượng người có công. Trước tiên, địa phương của đối tượng đó phải lập danh sách và công khai danh sách đó để mọi người xác nhận, xác nhận từ nhiều nguồn. Đối với đối tượng từng là quân nhân, Hội đồng chính sách xã và Hội Cựu chiến binh phải có trách nhiệm xem xét, xác nhận xem người đó có đi bộ đội không, có tham gia kháng chiến không, vào thời điểm nào... sau đó, chuyển cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh, quân khu. Tùy theo từng loại đối tượng, nếu là liệt sĩ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình, nếu là thương binh sẽ được giám định thương tật để giải quyết theo chế độ. Quy trình hoàn thành hồ sơ theo Thông tư 28 giúp người xác minh đối tượng chính xác, khách quan, đồng thời cũng góp phần ngăn chặn gian lận đã từng xảy ra trong quá khứ.

Theo Phòng Chính sách Quân khu 7, với Thông tư 28 nêu trên, nhiều trường hợp người có công mất hồ sơ gốc còn tồn đọng sẽ được giải quyết sớm. Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Kiêm sẽ được cơ quan chức năng hướng dẫn lập hồ sơ theo đúng các nội dung của thông tư này. Hiện tại, Cục Chính trị Quân khu 7 đã gửi các văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 28 tới các đơn vị trực thuộc và Ban CHQS cấp quận, huyện trên địa bàn quân khu. Những văn bản trên cùng với bản rà soát đối tượng người có công đang được triển khai tới các cấp phường, xã, thị trấn. Theo đó, thân nhân và người có công bị mất hồ sơ gốc có thêm hy vọng được giải quyết sớm các chế độ, chính sách ưu đãi.

Bài, ảnh: MINH NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/dieu-tra/giai-quyet-che-do-cho-nguoi-co-cong-bi-mat-ho-so-goc/293082.html