Giải pháp cho cố vấn học tập 5 năm ĐH

GD&TĐ - Cố vấn học tập phải xây dựng kế hoạch tư vấn học tập cho sinh viên cụ thể ở các năm học. Giảng viên Nguyễn Nhất Hùng (Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng) chia sẻ giải pháp hiệu quả giúp các cố vấn học tập hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở từng giai đoạn cụ thể.

Sinh viên năm nhất: Vượt qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ

Với năm đầu tiên, các sinh viên còn rất bỡ ngỡ với hình thức học tập khác hẳn với lúc còn học phổ thông, bạn bè mới, thầy cô mới... Phần lớn các sinh viên vẫn còn rụt rè, thụ động và chưa xác định rõ ràng phương hướng học tập. Đặc biệt là hoàn toàn xa lạ với cách thức học chế tín chỉ.

Với đối tượng này, cố vấn học tập có thể giới thiệu một vài kế hoạch học tập toàn khóa tiêu biểu để các sinh viên làm mẫu; hướng dẫn cho sinh viên về cách đăng ký học phần cho từng học kỳ, tư vấn cho sinh viên nên chọn học phần tự chọn nào là phù hợp với chuyên ngành mà mình đang học.

Đồng thời, hướng dẫn cho sinh viên đăng ký sử dụng thư viện và tìm tài liệu, bài giảng của giảng viên; hướng dẫn cho sinh viên đăng ký môn học.

Cố vấn học tập phải chịu khó trong thời gian này để bám sát các sinh viên trong khâu đăng ký học phần nhất là các sinh viên đến từ các vùng nông thôn ít tiếp xúc với máy tính và internet.

Việc tư vấn sinh viên tự nâng cao trình độ ngoại ngữ, gợi ý cho sinh viên thấy rõ trình độ ngoại ngữ cũng là một trong những tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp và chọn việc làm cũng rất quan trọng trong giai đoạn này

Sinh viên năm 2 – 3: Rèn tính tự lập

Bước sang năm thứ hai và ba sinh viên đã quen thuộc với các hoạt động của trường, lớp, cách đăng ký các học phần.... Phần lớn các vấn đề phát sinh có thể xảy ra đối với sinh viên là chọn lựa các học phần phù hợp, định hướng làm luận văn tốt nghiệp, định hướng tương lai...

Sinh viên vẫn còn chưa xác định rõ phương pháp học tập đúng đắn nhất là các sinh viên bị điểm yếu kém trong năm học thứ nhất thường cảm thấy mất tự tin.

Mặt khác, sinh viên thường có xu hướng đăng ký nhiều tín chỉ mà không nghĩ đến năng lực của mình và quan trọng hơn sinh viên thường có xu hướng chạy theo số tín chỉ đạt được chứ không quan tâm kiến thức mình học được bao nhiêu, ích lợi gì... Do đó phần lớn sinh viên học theo kiểu đối phó, ít chú ý đến việc tự học, ít chịu đọc thêm tài liệu để nâng cao kiến thức.

Bởi vậy, cố vấn học tập cân dựa vào kết quả học tập của năm thứ nhất để đánh giá sơ bộ năng lực học tập của từng sinh viên từ đó giúp các sinh viên lập ra kế hoạch học tập phù hợp (thể hiện qua việc đăng kí môn học phù hợp).

Rèn luyện tính tự lập cho sinh viên qua cách hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học, tìm thông tin trên mạng. Giúp sinh viên nhận thức rõ cố vấn học tập chỉ là người tư vấn cho các sinh viên chọn hướng đúng đắn chứ không phải là người “dắt tay chỉ việc”.

Muốn vậy, cố vấn học tập phải nhạy bén trong cách trả lời những thắc mắc của sinh viên, không phải bất cứ câu hỏi nào của sinh viên đều bắt buộc cố vấn học tập trả lời rõ ràng.

Đôi khi người cố vấn học tập thay vì phải trả lời câu hỏi của sinh viên thì sẽ đặt ra những câu hỏi gợi ý cho các sinh viên để giúp các sinh viên bỏ đi những thói quen thụ động ít chịu tìm tòi suy nghĩ.

Tuy nhiên, cố vấn học tập phải hết sức nhạy bén và tế nhị trong cách đặt ra câu hỏi để giúp các sinh viên không cảm thấy thất vọng khi có thắc mắc mà không giải quyết được gì.

Cố vấn học tập nên thành lập các nhóm học tập để các sinh viên giỏi phụ đạo cho các sinh viên yếu, kém. Nhấn mạnh phần đóng góp này sẽ được cộng thêm trong điểm rèn luyện để khuyến khích các em tham gia.

Cần nhạy bén để sắp xếp phân công cho phù hợp, nhắc nhở các sinh viên khá giỏi, đi học đều báo cáo kịp thời với cố vấn học tập những trường hợp sinh viên bỏ học thường xuyên. Tư vấn cho các sinh viên thấy rõ việc đăng ký học vừa sức sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn (điểm cao hơn, nắm vững kiến thức hơn do có nhiều thời gian đầu tư cho học tập hơn).

Phần lớn sinh viên năm thứ ba bắt đầu chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp nhưng vẫn chưa định hướng rõ sẽ làm luận văn tốt nghiệp trên lĩnh vực nào. Do đó, cố vấn học tập cần tư vấn và tạo điều kiện giúp các sinh viên tham gia học việc tại các phòng thí nghiệm để giúp các sinh viên hình thành dần dần tác phong nghiên cứu khoa học cũng như định hướng nghiên cứu phù hợp với khả năng.

Năm cuối: Tư vấn hướng nghiệp, việc làm

Luận văn tốt nghiệp là một học phần khá quan trọng đối với sinh viên năm cuối. Tuy nhiên, do cơ chế học theo tín chỉ nên việc làm luận văn tốt nghiệp của sinh viên bị khống chế thời gian rất nhiều, một luận văn tốt nghiệp chiếm 10 tín chỉ và phải hoàn thành trong vòng 5 tháng, trong đó sinh viên phải mất ít nhất nửa tháng đầu để viết đề cương luận văn tốt nghiệp và khoảng 1 tháng để viết và xử lý số liệu của luận văn tốt nghiệp.

Tùy theo học lực của sinh viên, cố vấn học tập cũng có thể tư vấn cho sinh viên chọn những đề tài luận văn tốt nghiệp vừa sức mình.

Bên cạnh đó, hầu hết sinh viên vẫn chưa định hướng nghề nghiệp, rất hoang mang lo lắng khi nghĩ về tương lai. Mong muốn của phần lớn sinh viên là vừa tốt nghiệp xong sẽ xin được việc làm ngay, một số ít sinh viên với điều kiện kinh tế gia đình ổn định thì mong muốn tiếp tục học thêm chương trình cao học. Do đó tư vấn hướng nghiệp, việc làm rất quan trọng ở giai đoạn này.

Cần xây dựng đội ngũ cố vấn học tập đủ số lượng

Từ thực tiễn và tính cần thiết của công tác cố vấn học tập, giảng viên Nguyễn Nhất Hùng cho rằng, các nhà trường cần thành lập Ban cố vấn học tập cấp trường và cấp khoa để tổ chức, hướng dẫn và đánh giá công tác cố vấn học tập.

Xây dựng đội ngũ cố vấn học tập đủ số lượng, cơ cấu phù hợp với qui mô, loại hình, hình thức đào tạo, từng bước tiến tới chuyên nghiệp; có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực thực thi nhiệm vụ, tận tụy hỗ trợ giúp đỡ sinh viên học tập, rèn luyện tốt; đồng thời giúp lãnh đạo nhà trường chỉ đạo và quản lý sinh viên hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc tất cả vì học sinh, sinh viên thân yêu.

Cùng với đó, cần xây dựng các văn bản pháp quy về công tác cố vấn học tập; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý công tác đào tạo theo học chế tín chỉ, lắp đặt một số màn hình cảm ứng tại khu giảng đường, ký túc xá.. để sinh viên có điều kiện hơn trong việc truy cập Website của nhà trường.

Các đơn vị chức năng cần tăng cường cung cấp thông tin về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, giáo dục sinh viên… với hướng đầy đủ, cụ thể và đưa lên cổng thông tin của website sớm để sinh viên và cố vấn học tập tra cứu kịp thời.

Cố vấn học tập cần hướng dẫn kỹ cho sinh viên lập kế hoạch học tập toàn khóa, kế hoạch học tập trong từng học kỳ dựa vào năng lực từng cá nhân của sinh viên.

Đối với sinh viên năm thứ nhất, chưa có cách nhìn tổng quát nên khó lập được kế hoạch học tập toàn khóa, do đó cố vấn học tập nên lập kế hoạch học tập toàn khóa gồm phần cứng (là các học phần không được thay đổi trong từng học kỳ) và phần tự chọn, giúp sinh viên dễ dàng lựa chọn học phần học và được phép điều chỉnh khi cần thiết.

Cần phải khẳng định lại rằng cố vấn học tập có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong đào tạo theo học chế tín chỉ. Mỗi cố vấn học tập là một nhân tố then chốt trong mối quan hệ nhà trường sinh viên; là một chuyên gia tư vấn về học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện, định hướng nghề nghiệp và cả tâm tư tình cảm cho sinh viên trong suốt quá trình học tập tại trường. Do vậy, việc nâng cao vai trò, nhiệm vụ của cố vấn học tập trong công tác đào tạo theo học chế tín chỉ là hết sức quan trọng trong việc thực hiện thành công tác đào tạo của nhà trường.
Giảng viên Nguyễn Nhất Hùng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giai-phap-cho-co-van-hoc-tap-5-nam-dh-1645851-v.html