Giải mã phiên hiệu vì người đã mất và người đang sống

Hàng trăm nghìn thân nhân liệt sĩ không biết liệt sĩ đã chiến đấu thuộc đơn vị nào, hy sinh và mai táng ở đâu, trong khi giấy báo tử chỉ vỏn vẹn tên đơn vị được ghi những ký hiệu, mật danh.

(LĐ) - Nơi hy sinh đều ghi chung là mặt trận phía nam và an táng tại nghĩa trang mặt trận. Những thông tin về liệt sĩ mong manh như vậy gây nhiều khó khăn, tốn kém cho thân nhân liệt sĩ trong quá trình đi tìm phần mộ. Đã có một người - con trai của một liệt sĩ - đã giải mã được một phần phiên hiệu, mật danh. Đó là anh Nguyễn Phú Dũng - trú tại 337 Trần Phú, thị xã Kon Tum. Hơn 10 năm đi tìm mộ cha và chú, anh Nguyễn Phú Dũng bắt đầu cuộc hành trình từ tỉnh Quảng Trị. Nơi anh tìm đến là các NTLS, sở LĐTBXH, bộ CHQS các địa phương mà vẫn không tìm thấy thông tin về cha và chú. Tình cờ gặp người đồng hương công tác ở Quân đoàn 3, phiên hiệu của đơn vị cha anh- KB- đã được giải mã. Đó là Quân khu 7. Phòng chính sách của QK đang lưu giữ hồ sơ có tên cha anh. Ngần ấy năm đi tìm mộ cha và chú, những phiên hiệu bí ẩn như KB,KH,KN,KT,NB đã được anh ghi cẩn thận trong cuốn sổ nhỏ và điều bí ẩn đối với các gia đình LS đã được giải mã. Anh Phú Dũng đã gửi đến Báo Lao Động với hy vọng, nhiều gia đình LS sẽ biết và có cơ sở để tìm đến đơn vị. Anh viết cho chúng tôi với nguyện ước "Giải mã phiên hiệu không chỉ vì người đã mất, mà còn cả vì người đang sống". Chị Nguyễn Thị Hòa- em gái LS Nguyễn Văn Vân - quê thôn Nguyễn Huệ (Mỹ Tiến, Mỹ Lộc, Nam Định) - cho biết: Suốt hơn 20 năm qua, gia đình tôi đến tất cả các NTLS ở tỉnh Bình Định để tìm mộ anh, bởi giấy báo tử chỉ ghi đơn vị là KN. Trong lá thư cuối cùng gửi về, anh tôi viết là đang chiến đấu ở Bình Định. Tình cờ, tôi đọc báo Lao Động thấy có chuyên mục "Kết nối thông tin tìm, báo tin mộ liệt sĩ" và bắt đầu hy vọng và chờ đợi điều may mắn. Chờ đến ngày 19.8, tôi không tin vào mắt mình khi phiên hiệu KN được anh Nguyễn Phú Dũng giải mã - đó là Quân khu 5. Qua hướng dẫn của chuyên mục, tôi gửi đơn đến Phòng chính sách QK 5 thì nhận được trả lời là anh trai tôi hy sinh ở Hòn Sỏng (Bình Thành, Bình Khê, Bình Định), trong khi các NTLS lại không có tên. Tình cờ tôi tìm thấy trong lá thư có ký hiệu F2, đó là Sư đoàn 2 - nơi đây không có tên anh tôi, khi báo giải mã tiếp phiên hiệu Công trường 3 - tức là Sư đoàn 3, tôi liên hệ ngay với sư đoàn thì có tên anh tôi thuộc Trung đoàn 12. Đơn vị không biết được phần mộ đã quy tập chưa. Tưởng như hết hy vọng, đến ngày 11.9, Báo Lao Động lại đăng lời nhắn của hai CCB thuộc Trung đoàn 12 là anh Khuất Duy Khang và Đỗ Thế Truyền tới các thân nhân LS thuộc trung đoàn. Tôi liên hệ ngay với hai anh. Và anh Khuất Duy Khang chính là người đã an táng anh tôi khi hy sinh. LS Nguyễn Văn Vân đã nằm tại hang Hòn Sỏng, mà suốt 37 năm qua không một dấu chân người đặt đến. Câu hỏi được đặt ra, các quân khu đều biết các ký hiệu như KB là QK 7, KN là QK5, KH là QK4, KT là Quân đoàn 3, NB là QK 9, tại sao không thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin cho các gia đình LS biết, để không phải tìm mộ người thân trong vô vọng, mịt mờ thông tin. Trong quá trình thực hiện thử nghiệm việc kết nối thông tin tìm và báo tin mộ LS, chúng tôi được biết các đơn vị đang lưu giữ khá đầy đủ hồ sơ về LS; vậy tại sao không thông báo LS thuộc đơn vị nào. Đơn cử như trường hợp của LS Nguyễn Đăng Khoa cùng 6 LS của Trung đoàn 271, đơn vị còn lưu cả hồ sơ mộ chí, khi gia đình đến đơn vị tìm đã thấy, nhờ đó đã tìm được nơi an táng các LS và là cơ sở chính xác để tiến hành giám định gene - xác định danh tính 7 LS. Ngày 22.12.2008, tại hội trường Quân khu 4, lần đầu tiên Báo Lao Động phối hợp cùng Viện Công nghệ sinh học đã tổ chức lễ bàn giao kết quả giám định gene 7 hài cốt LS thuộc Trung đoàn 271, Sư đoàn 5. Trong lá đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Đoàn Đức Chính (Quảng Ninh)- em trai LS Đoàn Đức Trung - đã viết: "Thân nhân LS đều hiểu rằng, trong chiến tranh, vì bí mật quân sự nên giấy báo tử chỉ ghi chung chung về nơi hy sinh, nơi an táng, đơn vị chỉ là ký hiệu, nên ai cũng mong đến ngày hòa bình để Nhà nước, quân đội thông báo nơi thân nhân mình đã ngã xuống, đơn vị các LS chiến đấu trước khi hy sinh, để được vào đó thắp nén nhang trên nấm mộ người ruột thịt, hoặc chí ít thắp nén hương nơi các LS đã hy sinh cho đúng với thuần phong mỹ tục của người dân Việt. Vẫn biết chiến tranh là tàn khốc, là có sự mất mát hy sinh, cũng có thể nhiều phần mộ không còn, nhưng dẫu sao các gia đình vẫn cần được biết nơi các anh đã ngã xuống... cũng là đủ lắm rồi. Để tâm người sống được thanh thản...". Ai đó đã viết nên những câu thơ như rút từ trái tim- nỗi đau, nỗi khắc khoải của các gia đình LS và khắc họa một thực tế còn nhức nhối thời hậu chiến: "Không nằm trong nghĩa trang/ Anh ở với đồi, anh xanh vào cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói quê nhà". Cùng với những hoạt động thiết thực bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng - liệt sĩ đã hy sinh, giáo dục thế hệ trẻ đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn cũng như lòng yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ, việc lớn nhất cần phải làm đó là thông báo mộ liệt sĩ tại các NTLS đến các gia đình LS, giải mã các phiên hiệu- lực lượng chủ lực là các CCB và các đơn vị quân đội, tiến hành giám định gene những phần mộ LS có đủ thông tin. Có làm được như vậy mới làm dịu đi nỗi đau của mỗi gia đình LS sau chiến tranh. Lê Huân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/giai-ma-phien-hieu-vi-nguoi-da-mat-va-nguoi-dang-song/20097/148618.laodong