Giải mã bí ẩn về tượng thần khỉ 'trấn yểm' thủy quái ở chùa Cầu

Ai đến Hội An mà chưa tới thăm chùa Cầu thì coi như chưa đến phố Hội. Chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua.

Với người dân Hội An, chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Nhưng cũng ít người biết rằng, ở đầu cầu có hai pho tượng thần khỉ trấn giữ mang nhiều bí ẩn mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Chùa cầu Hội An.

Chứng nhân của thời gian và lịch sử

Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) là một trong những di tích lịch sử văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm, gắn liền với biết bao thăng trầm thịnh suy của dòng lịch sử.

Nằm ở đoạn tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, chùa Cầu có kiểu kiến trúc thật đặc biệt, mái ngói âm dương phủ kín cây cầu bằng gỗ dài khoảng 18m, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ.

Cho đến nay, thời điểm xuất hiện của cây cầu này vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Theo thư tịch cổ cho biết, vào năm 1617 đã thấy cây cầu với tên gọi Cầu Nhật Bản bên dòng sông Cổ Cò (nay là sông Hoài).

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn soạn dưới triều vua Tự Đức chép: “...cầu ở xã Cẩm Phổ, Hội An…

Tương truyền, cầu do một người buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói”. Trong “Hải ngoại ký sự”, nhà sư Thích Đại Sán có ghi lại rằng, năm 1719 nhân chuyến du phương Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu đã phát hiện ra cây cầu, bên cạnh thuyền buôn tụ họp đông đúc nơi bến sông Hoài, vì vậy Chúa đã đặt tên là: “Lai Viễn Kiều” (khách xa ghé thăm).

Cũng có sách viết, cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, người Minh Hương ở Hội An đã khởi xướng xây cầu nhằm tạo điều kiện để người dân hai con phố Faifo (Nhật Bản) và Ba Tàu (Trung Hoa) thông thương buôn bán.

Cùng với đó, nhiều học giả phương Tây cũng có những ghi nhận khác nhau. Một ghi chép khác của các học giả Tây Ban Nha - Bồ Đồ Nha lại cho rằng cầu được xây dựng năm 1593 cùng với tên gọi là Cầu Nhật Bản nhằm thông thương giữa phố người Hoa và phố người Nhật.

Còn nhà nghiên cứu người Pháp Albert Sallet lại cho biết: “Theo truyền thuyết, cây cầu do một người Pháp xây dựng trên những bộ cột bằng đá, trên những bộ sườn siêu cấu trúc và một mái bằng ngói’.

Đến Năm 1633, tình hình Nhật Bản có biến động, Nhật Hoàng ra lệnh “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa không giao thương, đồng thời yêu cầu những người Nhật kiều đang sống và buôn bán ở nước ngoài phải hồi hương.

Sau biến cố đó, chúa Nguyễn đã giao Chùa Cầu cho người Minh Hương quản lý và có nhiệm vụ chăm lo sửa chữa cầu.

Tiếp đó, vào năm 1653, làng Minh Hương ở Hội An đã đề xướng lên chúa Nguyễn đề nghị tu sửa cầu, và cho xây dựng thêm ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu nằm ở phía Tây để thờ Bắc Đế Chân Võ Tổ Sư (hay Huyền Thiên Đại Đế) cùng Trừng Hán Cung thờ Quan Công và Minh Hương Phật tự thờ Phật Quan Âm.

Từ đây, ngoài chức năng đi lại, chùa còn là nơi thờ tự, tâm linh của những Hoa Kiều, Nhật Kiều và cả người Việt.

Linh hầu và linh khuyển

Điều đặc biệt, ở phía Tây đầu cầu có đặt 2 pho tượng khỉ và ở phía Đông đặt 2 tượng chó, được suy tôn là linh hầu và linh cẩu. Hầu theo từ ngữ Hán - Việt nghĩa là khỉ.

Thoạt nhìn, người ta nghĩ tượng được tạc bằng đá, nhưng thực chất nó được làm bằng gỗ và mạ màu vàng. Hai pho tượng khỉ cao khoảng 80cm, hai tay ôm trái đào ở trước ngực.

Quan sát kỹ hai bức tượng, người tinh ý sẽ nhận ra là có một con đực và một con cái ngồi đối xứng nhau như có ngụ ý là “có đôi có cặp”.

Lý giải về tượng thờ chó và khỉ tại chùa cầu, nhiều người cho rằng việc đặt 2 bên đầu cầu hai con linh vật trên là có ngụ ý về thời gian xây dựng công trình kéo dài 3 năm, bắt đầu động thổ từ năm Thân (con khỉ) và hoàn thành năm Tuất (con chó).

Hơn nữa, có người cho rằng việc xây dựng hai bên đầu cầu những con chó và khỉ là một cách chỉ phương hướng trên địa bàn: Thân chỉ hướng “Tây Nam”; còn Tuất chỉ hướng “Tây Bắc”.

Là đất nước thường xuyên phải đối mặt với động đất, thiên tai, người Nhật cho rằng, ở phía Đông lục địa châu Á có con thủy quái có tên gọi là Namazu (người Việt gọi là con Cù, người Nhật gọi là Namazu, người Hoa gọi là Câu Long) với kích thước rất dài: đầu ở phương Bắc châu Á (giáp châu Bắc Cực), mình ở bên Nhật Bản, đuôi kéo dài đến tận Việt Nam.

Theo thần thoại Nhật Bản, Namazu là một con cá trê có cơ thể khổng lồ. Do vậy, mỗi khi di chuyển, đuôi của nó quẫy mạnh khiến trái đất rung chuyển. Namazu được miêu tả là bị các thần linh giam giữ trong lớp bùn dưới các hòn đảo của Nhật Bản, khi các vị thần không cảnh giác, Namazu sẽ quẫy cơ thể và gây nên những trận động đất kinh hoàng.

Chỉ có thần Kashima, vị thần của sấm sét và kiếm đạo mới có đủ khả năng chế ngự con cá trê khổng lồ này. Tuy nhiên, thỉnh thoảng khi thần Kashima mệt mỏi hay phân tâm thì Namazu lại có cơ hội quẫy mình, gây ra các trận động đất, thậm chí có cả núi lửa phun trào, gây ra đại họa. Người dân tin rằng, quái vật khổng lồ Namazu trừng phạt sự tham lam của con người.

Bằng cách gây ra những trận động đất, Namazu muốn con người phân chia của cải ngang bằng nhau. Vì vậy, nó được coi là thần của cải. Người Nhật cho rằng con Namazu có đầu ở tận quê nhà Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ nhưng lưng của nó vắt qua khe ở Hội An mà cầu Nhật Bản bắc qua.

Mỗi khi con thủy quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An cũng không được yên ổn. Điều trùng hợp là khi sang Việt Nam buôn bán ở phố Hội, các thương gia người Nhật cũng thường xuyên phải đối phó với cảnh lụt lội.

Để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn buôn bán, với kinh nghiệm của mình, người Nhật khi qua định cư tại Hội An đã cố tìm thầy phong thủy giỏi để xem thế đất, cắm điểm xây dựng một chiếc cầu tại đây hình dáng như là một thanh kiếm đâm xuống ngay sống lưng con Namazu, khiến nó không thể quẫy đuôi gây ra động đất nữa.

Ngoài ra, người Nhật cũng đã sáng tạo ra nhiều vị thần có khả năng trấn áp con thủy quái đó, mà thần khỉ là một trong số đó.

“Theo con mắt phong thủy, chùa Cầu như một thanh kiếm trấn yểm sông Hoài, ngăn không cho thủy quái gây lụt lội. Hai đôi tượng khỉ và tượng chó cũng chính là hai vị thần bảo hộ trong quan niệm của người Nhật. Chúng ta cũng bắt gặp ý niệm này tại nhiều bến đò trên sông Hoàng Hà, người ta đặt tượng khỉ như một vị thần bảo vệ cho những chuyến đi và chúc phúc cho những người qua đò”, Ths.Lê Thảo, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, trong tô-tem giáo của người Nhật, linh vật khỉ xuất hiện trong nhiều công trình tín ngưỡng từ cổ xưa. Liên quan đến tượng thần khỉ ở chùa Cầu còn hai câu đối về hai con linh vật “trấn yểm” hai đầu chùa Cầu.

Riêng con linh cẩu được khắc văn bài ghi những dòng chữ Hán: “Thiên cẩu song tinh an cấn thổ, Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân”.

Tạm dịch là: Hai sao thiên cẩu trấn an đất cấn, Hai tướng tử vi định giữ cung khôn. Ở một nền chung rộng lớn hơn của tín ngưỡng Nhật Bản, khỉ đóng vai trò là thần bảo hộ và là trung gian giữa thần linh và con người.

Trong nông nghiệp, khỉ được tin là có thể xua đuổi sâu bệnh. Shogun đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa là Tokugawa Ieyasu (1603-1605) đã suy tôn thần khỉ là vị thần bảo vệ sự yên bình của đất nước.

Các samurai (võ sĩ Nhật) thường bọc ống tên của họ bằng da khỉ để khai thác sức mạnh bảo vệ của những con khỉ trên ngựa.

Cũng bàn về hình tượng cặp “Thần Hầu” (hay Linh Hầu) ngồi chầu dạng thiền định nhìn nhau trên chùa Cầu, Nhà văn hóa học – Tiến sĩ Văn hóa học Trần Tấn Vịnh cho rằng: “Ở Chùa Cầu có hình ảnh con khỉ được mô tả đang dùng tay bịt miệng. Đây có lẽ đó là biểu hiện triết lý Tam Không của Phật giáo: không nói điều xấu, (bên cạnh là không thấy điều xấu, bằng cách che mắt và không nghe điều xấu, bằng cách bịt tai). Phải chăng khi xây dựng chùa và đặt tượng Thần Hầu – Linh Cầu, người xưa đã đưa triết lý này vào như biểu thị một tâm ý”.

Trong khi đó, nhiều người dân Hội An tin rằng, thủy quái bị xây cầu “trấn yểm” nên rất giận dữ, muốn tìm cơ hội báo thù. Chính vì vậy, không ít năm, Hội An rơi vào cảnh lụt lội, bì bõm do nước sông dâng cao.

Trận lụt lịch sử cách đây mấy chục năm còn cuốn phăng bức tượng gỗ Huyền Thiên đại đế thờ trong chùa và một tượng khỉ đá. Vài năm sau, người ta tìm thấy tượng khỉ đá nhưng có vẻ “lá bùa” trấn yểm đã mất thiêng.

Sau đó, người ta đã tạc lại tượng bằng gỗ do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng tạo tác. Hình tượng thần khỉ đã trở thành một linh vật gắn với chùa Cầu.

Chính vì vậy, không riêng gì người dân phố cổ mà mỗi khách thập phương khi hành hương về chùa Cầu đều cố nán lại trước mặt hai linh vật này để thắp hương, thành tâm cúng vái cầu bình an gia hộ.

Nhiều người có điều kiện còn sắp mâm lễ vật, hoa quả, hương đèn dâng lên hai ngài “linh cẩu” và “linh hầu”, nhất là vào những ngày rằm, lễ tết cầu mong những điều tốt lành.

Hà Kiều- Hoàng Giang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/giai-ma-bi-an-ve-tuong-than-khi-tran-yem-thuy-quai-o-chua-cau-d6109.html