Giải đáp một số vướng mắc về quy định làm thêm giờ

(Chinhphu.vn) - Pháp luật hiện hành không quy định việc quy đổi từ tiền lương sang thời gian nghỉ, hay quy đổi từ thời gian làm thêm sang thời gian nghỉ bù vào giờ làm việc tiêu chuẩn...

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Trần Quốc Tuấn (Hà Nội) gửi thư thắc mắc một số vấn đề liên quan đến quy định về làm thêm giờ. Dưới đây là hướng dẫn của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) giải đáp các thắc mắc của ông Trần Quốc Tuấn. Trường hợp được tính thời giờ làm thêm Cục An toàn lao động giải đáp câu hỏi "Việc chuẩn bị tài liệu giải trình với Đoàn thanh tra có được coi là việc chung của cơ quan phải bố trí làm thêm giờ, thanh toán tiền làm thêm giờ và nghỉ bù không?": Theo Khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định thời giờ được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương. Trong đó, bao gồm cả: "Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động", "Thời giờ hội họp, học tập do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động cho phép". Do ông Tuấn không nêu rõ việc chuẩn bị tài liệu giải trình với Đoàn thanh tra là theo yêu cầu của người sử dụng lao động hay tự chuẩn bị cho bản thân, nên Cục An toàn lao động nêu 2 trường hợp sau để tham khảo: Trường hợp 1: Việc chuẩn bị tài liệu giải trình cho bản thân người lao động dẫn đến phải ngừng việc, mà sau đó được xác định là không do lỗi của người lao động thì thời giờ chuẩn bị tài liệu giải trình được tính vào thời giờ làm việc. Trường hợp 2: Người lao động chuẩn bị tài liệu giải trình theo yêu cầu của người sử dụng lao động, thì thời giờ chuẩn bị tài liệu đó được tính vào thời giờ làm việc; nếu ngoài thời giờ làm việc tiêu chuẩn là thời giờ làm thêm. Không có quy định quy đổi từ tiền lương sang thời gian nghỉ Với câu hỏi "Quy đổi 1 giờ làm thêm vào ngày thường thành 1,5 giờ nghỉ bù; 1 giờ làm thêm vào ngày nghỉ cuối tuần thành 2 giờ nghỉ bù có được không? Người làm thêm có được đăng ký và nghỉ bù dần vào các ngày làm việc khác không?", Cục An toàn lao động cho biết: Theo Khoản 1, Điều 61 của Bộ luật Lao động quy định: "Nếu người lao động được nghỉ bù những giờ làm thêm, thì người sử dụng lao động chỉ phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm của ngày làm việc bình thường". Nội dung quy định này là về cách thức thanh toán tiền lương. Khi người lao động được người sử dụng lao động cho nghỉ bù số giờ người lao động đã làm thêm vào thời giờ làm việc tiêu chuẩn, thì người lao động được thanh toán phần chênh lệch giữa tiền lương làm thêm giờ với tiền lương công việc đang làm của ngày làm việc bình thường. Pháp luật hiện hành không quy định việc quy đổi từ tiền lương sang thời gian nghỉ hay quy đổi từ thời gian làm thêm sang thời gian nghỉ bù vào giờ làm việc tiêu chuẩn. Làm thêm giờ là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động Trả lời câu hỏi "Phó Tổng Giám đốc (ký là người sử dụng lao động) sử dụng Tổng Giám đốc l(ký là người lao động) làm thêm giờ để thanh toán tiền làm thêm giờ có đúng với quy định không?", Cục An toàn lao động khẳng định: Căn cứ theo quy định tại Điều 69 của Bộ Luật Lao động thì làm thêm giờ là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người sử dụng lao động đứng ra tổ chức làm thêm giờ, người lao động là người làm thêm. Việc phân định ai, trong trường hợp nào là người sử dụng lao động, người lao động đã được quy định tại Điều 6 của Bộ luật Lao động. Theo quy định này, thì một người có thể là người sử dụng lao động hoặc là người lao động, tùy từng trường hợp cụ thể. Pháp luật hiện hành không có quy định cấm người sử dụng lao động ký (với tư cách người lao động) để làm thêm giờ. Do đó, việc Phó Tổng Giám đốc ký sử dụng Tổng Giám đốc làm thêm giờ sẽ không vi phạm quy định của pháp luật, nếu Phó Tổng Giám đốc ký với tư cách là người sử dụng lao động và cá nhân người đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc ký với tư cách là người lao động (không được ký là người sử dụng lao động) đúng theo quy định tại Điều 69 của Bộ luật Lao động. Luật quy định không được phép tổ chức làm thêm giờ vượt 300 giờ/năm Cục An toàn lao động giải đáp câu hỏi "Làm thêm giờ từ trên 200 đến 405 giờ/người/năm mà chưa có sự thỏa thuận với Ban chấp hành Công đoàn về phương án, chưa xin phép và chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì có vi phạm pháp luật không?": Căn cứ vào Điều 69 của Bộ luật Lao động thì không được phép tổ chức làm thêm giờ vượt 300 giờ trong một năm. Việc tổ chức làm thêm giờ từ 200 giờ đến 300 giờ trong một năm mà chưa có sự thỏa thuận với Ban Chấp hành Công đoàn về phương án, chưa xin phép và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là không đúng với quy định tại tiết b, điểm 3, khoản 2, Điều 1 của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; khoản 2, Mục II Thông tư số 15/2003/TT-BLĐTBXH ngày 3/6/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện làm thêm giờ theo quy định của Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có văn bản trả lời công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ. Ban Bạn đọc

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/giai-dap-mot-so-vuong-mac-ve-quy-dinh-lam-them-gio/20107/33607.vgp