Gặp người vinh dự tham gia xây dựng Lăng Bác

Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Khách - Trần Thị Ngãi lần mở cho chúng tôi xem 2 tấm Thẻ Công tác đặc biệt do Ban Bảo vệ công trình xây dựng Lăng Bác cấp ngày 2/9/1973 mà hơn 40 năm qua ông bà vẫn giữ như những kỷ vật vô giá trong cuộc đời.

Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Khách và bà Trần Thị Ngãi đang sống tại Hội An. Ảnh: Nguyên Phê

Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Khách và bà Trần Thị Ngãi đang sống tại Hội An. Ảnh: Nguyên Phê

Ông Khách không bao giờ quên những kỷ niệm về năm tháng tham gia xây dựng Lăng Bác bằng tấm lòng kính yêu vô hạn.

Ngay vị trí Lễ đài Ba Đình cũ, nơi Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, cũng chính ngày ấy sau 28 năm đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Lăng Bác với hàng ngàn cán bộ, công nhân tham dự.

Ông Khách kể: Công trình xây dựng Lăng Bác Hồ được khởi công ngày 2/9/1973, do Bộ Quốc phòng phụ trách, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Trưởng Ban Xây dựng Lăng, cùng cán bộ kỹ thuật, công nhân trong nước tham gia, còn có sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia đến từ Liên Xô.

Sinh ra và lớn lên tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, 14 tuổi, ông Nguyễn Hữu Khách phải chịu cảnh mồ côi cả ba lẫn mẹ. Nhận công việc giao liên cho cơ sở cách mạng địa phương, rồi ông gia nhập bộ đội Liên khu 5; đến năm 1954 ra Bắc tập kết.

Được phân nhiệm vụ làm anh nuôi, vừa hoàn thành tốt công việc chăm lo đời sống cho đồng đội, ông vừa tranh thủ học chữ. Sau khi điều động về nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 350 - Đoàn Bảo vệ Thủ đô, ông có điều kiện học bổ túc văn hóa. Cứ thế, kiên trì học tập, đến năm 1960, ông đạt trình độ trung cấp xây dựng cơ bản.

Ông Khách được phân bổ về công trường xây dựng Nhà máy Phân đạm Bắc Giang (sau này là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc). Vừa công tác vừa tranh thủ học tập, đến năm 1965, ông tốt nghiệp Đại học Xây dựng.

Thời điểm đó, bà Trần Thị Ngãi mới từ huyện Ý Yên, Nam Định lên Hà Bắc làm công nhân tại nhà máy phân đạm. Cô thôn nữ đồng chiêm trũng siêng năng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, lao động sản xuất của đơn vị đã lọt vào ánh mắt của chàng kỹ sư xây dựng quê ở miền Trung xa xôi. Rồi, hai người bén duyên và cưới nhau vào năm 1966.

Trong cuộc đời ông, bà vinh dự đã 2 lần được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất vào năm 1961 và lần thứ hai vào năm 1967, khi Bác Hồ về thăm công trường xây dựng Nhà máy Phân đạm Bắc Giang.

Thẻ Công tác đặc biệt được cấp cho ông Khách và bà Ngãi trong thời gian tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ. Ảnh: Nguyên Phê

Cuối năm 1969, sau ngày Bác Hồ mất, để tưởng nhớ công lao trời biển của Người, Đảng và Nhà nước quyết định xây dựng Lăng. Trong đó, công tác tuyển chọn cán bộ, công nhân tham gia xây dựng công trình được đặt lên hàng đầu.

Là cán bộ, đảng viên ưu tú, ông Khách và bà Ngãi vinh dự được tuyển chọn trong danh sách về đơn vị điều hành công trình xây dựng Lăng Bác với mật danh “CQ195” (nay là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Bác). Ông Khách làm cán bộ Tổ chức - Hành chính, còn bà Ngãi là nhân viên hành chính cùng đơn vị.

Lúc này, đất nước còn chiến tranh, cách trở, nhưng với tấm lòng kính yêu Bác, cả nước dồn công sức cho công trình xây dựng. Cát được lấy từ suối Kim Bôi (Hòa Bình), đá sỏi lấy từ suối Sơn Dương (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), đá hồng Ngọc, cẩm thạch từ Thanh Hóa, Cao Bằng; đá hoa cương từ núi Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) vận chuyển vượt đường Trường Sơn chuyển ra Hà Nội phục vụ công trình cho đến khi hoàn thành…

Ông Khách kể, thời gian xây dựng Lăng từ năm 1973 đến năm 1975 kết thúc cuộc tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước cũng là năm khánh thành Lăng Bác, kịp đưa vào đón đồng bào miền Nam ra viếng Bác cho thỏa lòng mong ước…

Tham gia xây dựng hoàn thành công trình Lăng Bác, năm 1976, vợ chồng ông Khách trở về quê hương Quảng Nam sinh sống. Ông Khách là cán bộ Công ty Xây dựng số 7, còn bà Ngãi là cán bộ Trường Xây dựng số 5 Hội An cho đến ngày nghỉ chế độ vào cuối những năm 1980, sau đó về lại TP Hội An đến bây giờ.

Dẫu nhiều cách xa, nhưng vợ chồng ông Khách luôn ngóng về miền Bắc, về Lăng Bác Hồ mà ông bà đã góp một phần công sức nhỏ nhoi để xây dựng. Ông bà vẫn luôn nhắc nhở con cháu suốt đời sống, học tập rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu.

Nguyên Phê

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/gap-nguoi-vinh-du-tham-gia-xay-dung-lang-bac_t114c67n92360