GTVT Thái Bình phá thế “ốc đảo”

Đột phá đầu tiên trong việc phá thế “ốc đảo” là cầu Triều Dương nối Thái Bình với Hưng Yên.

Bến phà Tịnh Xuyên chỉ còn lại trong ký ức sau khi cầu Tịnh Xuyên được đưa vào sử dụng từ tháng 8

Nằm giữa các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, được bao bọc xung quanh bởi những con sông Hồng, Trà Lý, sông Luộc, những năm 90 trở về trước, Thái Bình được xem như “ốc đảo”, khiến không chỉ việc đi lại gặp khó mà giao thương kinh tế cũng chịu ảnh hưởng. Hơn 10 năm nay, với bước đột phá mang tính giai đoạn lịch sử, hàng loạt những cây cầu lớn nối đôi bờ các con sông, chấm dứt cảnh đò ngang cách trở, phá thế “ốc đảo” đã góp phần giúp “quê lúa” chuyển mình ngoạn mục…

Cầu nối đường, mở cơ hội giao thương

Ba năm nay, từ ngày có cây cầu Hiệp, ông Quân, người xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình không còn phải vất vả đợi phà mỗi lần chuyển hàng hóa sang Hải Dương tiêu thụ. “Trước đây, từ nhà muốn sang Hải Dương để lên Hà Nội phải đi phà qua sông Luộc, rồi Tỉnh lộ 396B, cầu chưa được xây nên đường cũng chỉ có xe con, xe tải chạy qua. Nay giao thông thuận lợi, đi lại, buôn bán làm ăn cũng dễ dàng hơn rất nhiều, giờ nếu từ Quỳnh Phụ đi Hà Nội chỉ chưa đầy 3 giờ ngồi xe khách”, ông Quân nói.

Cầu Hiệp chỉ là một trong số hàng chục cây cầu được khánh thành trên địa bàn tỉnh Thái Bình hơn chục năm lại đây. Từ cây cầu Triều Dương, khánh thành năm 1995, đến nay trên tuyến QL10 trọng điểm đi qua địa bàn đã có thêm cầu Tân Đệ và cầu Nghìn hiện đại, to đẹp. Không chỉ giúp giao thông thêm thuận lợi, an toàn, các cây cầu nơi cửa ngõ còn mở rộng cơ hội giao thương giữa Thái Bình với các tỉnh bạn và khu vực. Theo thông tin từ Sở GTVT Thái Bình, trong vài năm tới, sẽ có thêm những cây cầu lớn nằm trên các tuyến đường nối với các tỉnh bạn. Đó là cầu Thái Bình - Hà Nam (dự kiến 2016 đưa vào sử dụng); cầu Sông Hóa (kết nối Thái Bình và Hải Phòng trên QL37 dự kiến 2016 khởi công); cầu Sa Cao (kết nối Thái Bình và Nam Định năm 2016 khởi công)...

Giai đoạn từ 2015-2020, Thái Bình sẽ đầu tư 58.108 tỷ đồng cho việc hiện đại hóa hệ thống giao thông. Theo đó, sẽ có khoảng 16.950 tỷ đồng xây dựng hệ thống quốc lộ, tập trung chủ yếu vào tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển, QL37, 37B, cầu Thái Hà...

Các tuyến đường tỉnh sẽ được đầu tư khoảng 13.487 tỷ đồng. Ngoài ra, khoảng 15 nghìn tỷ đồng sẽ được dành để đầu tư nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Khi đó, Thái Bình sẽ thực sự trở thành một địa phương phát triển bền vững về kinh tế, ổn định về an ninh, chính trị và xã hội.

Trên các tuyến nội tỉnh, ngoài cây cầu Trà Lý (kết nối huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy), có hàng loạt cây cầu đã và đang hoàn thành như cầu Trà Linh bắc qua sông Diêm Hộ (khánh thành năm 2013), cầu Trà Giang bắc qua sông Trà Lý (nối huyện Thái Thụy và Kiến Xương, khánh thành năm 2014), cầu Quảng Trường bắc qua sông Trà Lý (nối với tuyến đường vành đai phía Nam TP Thái Bình và nút giao QL10 thuộc địa bàn phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình), cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam, cầu Tịnh Xuyên (kết nối Hưng Hà và Vũ Thư, khánh thành năm 2015)…

Bà Mai, người bán nước hơn 30 năm nay nơi Bến phà Tịnh Xuyên cho hay: “Mấy chục năm nay tôi gắn bó với bến phà, nhưng bến phà chỉ hoạt động từ 4h sáng đến 19h, nếu muộn hơn, chỉ có phà nhỏ cho xe máy qua, nên giao thông đi lại khó khăn lắm. Giờ sắp có cầu, mình “mất việc” nhưng con cháu chấm dứt cảnh đò ngang cách trở, đi lại, làm ăn cũng thuận tiện hơn nhiều”.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Hoàng, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần 473 cho biết, cây cầu Tịnh Xuyên là cầu thứ 4 trên địa bàn tỉnh Thái Bình mà anh tham gia thi công. “Quê lúa ngày càng thay da đổi thịt từ những cây cầu hiện đại, khang trang này. Việc triển khai xây dựng cầu ở Thái Bình có rất nhiều thuận lợi nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và Sở GTVT tỉnh. Nhờ đó, như cây cầu Tịnh Xuyên này về đích trước hai tháng, góp phần kết nối giao thông cho bà con nhân dân đi lại được thuận tiện, an toàn, xây dựng quê hương giàu mạnh”, kỹ sư Hoàng bộc bạch.

Chắp cánh phát triển KT-XH

Năm 2015, cùng với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cả nước, Thái Bình cũng bước vào năm thứ 125 kể từ ngày tỉnh được thành lập. Hơn chục năm qua, Thái Bình vẫn giữ được nhịp tăng trưởng kinh tế ổn định. Nếu như tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh năm 2005 đạt 6.455 tỷ đồng (theo giá so sánh 1994), tăng 41,6% so với năm 2000, gấp 1,8 lần năm 1995, thì GDP năm 2015 của tỉnh ước đạt 42.796,1 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2010, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 30,2 triệu đồng, tăng 1,85 lần so với năm 2010. Tới hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 3,42%; toàn tỉnh đã có 85 xã (chiếm 31,8%) đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2015, Thái Bình có 165 xã (62,7%) đạt chuẩn nông thôn mới; 129 xã đạt từ 13-18 tiêu chí và phấn đấu có từ 1-2 huyện đạt huyện nông thôn mới. Với vai trò “giao thông đi trước mở đường”, sự phát triển KT-XH của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của GTVT nói chung, những cây cầu phá thế “ốc đảo” nói riêng.

Theo ông Phạm Quang Đức, Giám đốc Sở GTVT Thái Bình, từ lâu, Thái Bình được coi như một “ốc đảo” bởi sự ngăn cách của các con sông lớn: Sông Hồng (90 km), sông Luộc (72 km), sông Hóa (36 km) và 56 km bờ biển. Thế sông nước bao bọc bốn bề làm cho Thái Bình bị cô lập, cản trở giao thương trong phát triển KT-XH. Để phá thế cô lập ấy, ngành GTVT Thái Bình dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ GTVT, từ năm 2000 trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn 2011-2015, đã đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Hiện, toàn tỉnh Thái Bình có bốn tuyến quốc lộ (10, 39, 37 và 37B), tổng chiều dài 151 km (trong đó 61 km đạt tiêu chuẩn cấp III, còn lại là đường cấp IV, V, VI đồng bằng); 28 tuyến đường tỉnh, dài 282,6 km (23,68 km đường cấp III, 65,92 km đường cấp IV, 168,2 km đường cấp V, VI...); 119 cầu, tổng chiều dài 3.060 m; 788,46 km đường huyện, thành phố, 4.053,1 km đường trục xã, thôn...

Đột phá đầu tiên trong việc phá thế “ốc đảo” là cầu Triều Dương nối Thái Bình với Hưng Yên (khánh thành năm 1995), sau là cầu Tân Đệ (khánh thành năm 2000) và tuyến QL10 dài 41 km nối Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, đã giúp Thái Bình thay đổi cơ cấu kinh tế, từ tỉnh thuần nông đến nay cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ (năm 2015, tỉ trọng xây dựng, công nghiệp là 32,4%; tỉ trọng dịch vụ là 33,7%; nông nghiệp là 33,4%).

Những cây cầu nối liền nội vùng trong tỉnh như: Cầu Trà Lý nối hai vùng kinh tế trọng điểm của Thái Bình, đã rút khoảng cách không còn phải đi phà về QL39, xa hơn 40-50 km, rút ngắn được khoảng 20 km hành trình về thành phố. Tương tự, cầu Tịnh Xuyên là động lực tăng trưởng kinh tế cho huyện Hưng Hà khi giúp rút ngắn hành trình từ huyện này về thành phố gần hơn 20 km. Công trình cầu Tịnh Xuyên càng thêm ý nghĩa khi sau đó sẽ có đường Thái Bình - Hà Nam hoàn thành, rút ngắn khoảng cách từ Thái Bình đi Hà Nội 10 km, đồng thời có tác dụng san tải khi nhiều huyện đi về Nam Định không cần qua TP Thái Bình nữa…

Hiện nay, Bộ GTVT đang đầu tư xây dựng cầu Thái Hà qua sông Hồng nối Hà Nam với Thái Bình theo hình thức BOT. Dự kiến cuối năm 2015 đầu năm 2016, UBND tỉnh Thái Bình triển khai thủ tục đầu tư cầu Cống Vực nối Vũ Thư sang Đông Hưng rồi nối với QL39 đi Hưng Yên, Hà Nam. Đồng thời, sẽ có cây cầu vượt sông Hồng trên đường quốc lộ ven biển nối 6 tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng-Nam Định-Thái Bình-Ninh Bình-Thanh Hóa. Như vậy, về cơ bản, thế “ốc đảo” ở Thái Bình đã hoàn toàn bị xóa bỏ.

Đánh giá về hiệu quả của những cây cầu lớn nhỏ, được hình thành thời gian qua, Giám đốc Sở GTVT Thái Bình Phạm Quang Đức cho rằng: “Những cây cầu như những dải lụa mềm, kết nối đôi bờ các sông lớn, hòa nhịp vào mạng lưới các tuyến giao thông trọng yếu, ngoài việc xóa thế “ốc đảo” của địa phương còn là đòn bẩy chủ lực tạo đà phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng cho Thái Bình”.

Hải Quỳnh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/gtvt-thai-binh-pha-the-oc-dao-d118312.html