Được mùa thóc lúa, chớ phụ ngô khoai

Mỗi khi nghe ca khúc “Bài ca cây lúa” của nhạc sĩ Hoàng Vân, trong tôi luôn có cảm giác xốn xang, chộn rộn như muốn chia sẻ niềm vui được mùa với người nông dân! Âm điệu “Được mùa thóc lúa, chớ phụ ngô khoai. Ăn quả ngọt ngon, nhớ người vun trồng...” không chỉ là những ca từ đẹp, mà còn toát lên triết lý nhân văn sâu sắc: Đừng xem nhẹ cây lương thực thứ yếu, hãy trân trọng thành quả lao động...

Nông dân huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) gieo trồng ngô vụ Đông. Ảnh: TTXVN Vụ Đông không phải là... vụ phụ! Có dịp lên các tỉnh miền núi phía Bắc, tôi không chỉ thỏa mắt ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nương, mà rất thích thú với những đồi sắn, nương ngô xanh ngăn ngắt. Đến với những gia đình người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở các xã A Lù, Ngải Thầu, Y Tý, thuộc huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), trong bếp nhà nào cũng treo lúc lỉu những bắp ngô to, hạt vàng ươm. Với nhiều nông hộ, đó chính là nguồn lương thực chính mỗi khi giáp hạt. Còn tại nhiều bản làng vùng cao thuộc tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, các loại cây lương thực vụ Đông như ngô, khoai, sắn, lạc, đậu - vốn được coi là cây lương thực thứ yếu - lại là cây chính yếu làm “no cái bụng” đồng bào. Ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, những năm qua, ngoài hai vụ lúa, các cây lương thực vụ Đông ngày càng được coi trọng. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỏ vẻ tâm đắc: Vụ Đông là vụ sản xuất đặc thù, riêng của miền Bắc. Với đặc điểm thời gian sản xuất ngắn (trong khoảng từ 2 đến 4 tháng), cơ cấu cây trồng đa dạng, chịu được lạnh, ít ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh, sản phẩm dễ tiêu thụ. Nhờ thế, từ nhiều năm nay, sản xuất vụ Đông liên tục phát triển cả về quy mô, cơ cấu cây trồng và giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích. Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ và một phần Trung du miền núi phía bắc, vụ Đông đã dần dần trở thành 1 trong 3 vụ sản xuất chính trong năm, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo thêm việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nông dân. Gặp gỡ một số nông dân tỉnh Ninh Bình, họ đều rất phấn khởi khi trồng cây vụ Đông. Chị Lê Thị Nhung, ở xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư bộc bạch: “Nhà tôi dành khoảng 3 sào đất để trồng cây vụ Đông. Xã chỉ đạo trồng cây đậu tương, không phải đắp luống, cày bừa mà để nguyên chân rạ. Sau đó, vãi hạt giống xuống ruộng, bón lót phân một lần rồi... mặc kệ! Tưởng làm chơi theo phong trào, ai ngờ khi thu hoạch, giá trị kinh tế gần bằng trồng lúa. Năm nay gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích”. Ninh Bình hiện là địa phương có tốc độ trồng cây vụ Đông tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 21%/năm. Các tỉnh khác như Hải Dương tăng 18%/năm, Phú Thọ tăng 23,3%/năm, đặc biệt là Hà Tĩnh tăng tới 45%/năm. Nhờ phát triển vụ Đông mà nhiều địa phương đã có mức tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Thời gian tới, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa thêm nhiều loại giống cây có năng suất cao vào canh tác, chắc chắn vụ Đông sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Sẽ chú trọng phát triển các cây lương thực ngoài lúa Sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành địa phương có nhiều diện tích trồng cây vụ Đông. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2009 sẽ có khoảng 70.000ha đất canh tác dùng để trồng các cây lương thực ngoài lúa, trong đó chủ lực là cây đậu tương. Để có đất làm thêm vụ ba, ngành nông nghiệp thành phố đã cơ cấu lại mùa vụ, dồn điền, đổi thửa, chỉ đạo các địa phương cấy khoảng 70% lúa vụ mùa sớm, thu hoạch nhanh, sau đó triển khai làm vụ Đông. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Quang Đồng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương phấn khởi thông báo: “Năm nay tỉnh sẽ trồng từ 22.000 đến 25.000ha cây vụ Đông, phấn đấu đạt giá trị kinh tế hơn 50 triệu đồng/ha, tăng từ 4 đến 5 triệu đồng/ha so với vụ trước. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 50% tiền mua cây giống (như ngô, đậu tương, khoai tây) để khuyến khích bà con nông dân. Theo tôi, Nhà nước cũng nên có chính sách kích cầu đối với cây vụ Đông, chẳng hạn như hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu đồng/ha cho diện tích mới mở rộng để người dân mua giống, phân bón, cải tạo đất. Đồng thời, cũng nên hỗ trợ bằng tiền cho nông dân nếu chẳng may bị thiên tai, lũ lụt. Lâu nay, ngô vẫn được coi là một trong bốn loại cây nằm trong nhóm “tứ trụ lương thực” (lúa, ngô, khoai, sắn). Trên thực tế, nhiều địa phương miền núi phía Bắc vẫn coi ngô là lương thực chủ yếu. Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết: Theo lộ trình, từ nay đến năm 2020 sẽ từng bước mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng. Cụ thể, năm 2010 diện tích trồng phấn đấu đạt 1,14ha, sản lượng ngô hạt khoảng 4,7 triệu tấn; năm 2015 diện tích mở rộng khoảng 1,2 triệu héc-ta, thu hoạch đạt 6 triệu tấn ngô hạt; năm 2020 và các năm tiếp theo cố gắng giữ ổn định diện tích khoảng 1,3 triệu héc-ta, sản lượng phấn đấu đạt 7,5 triệu tấn và có thể cao hơn. Không chỉ đối với ngô, các loại cây lương thực khác, Cục Trồng trọt cũng xác định phương hướng, lộ trình, mục tiêu rất rõ ràng. Dân số thế giới đang từng ngày tăng lên, vấn đề an ninh lương thực sẽ là áp lực nóng bỏng đối với nhiều quốc gia. Là một nước nông nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được “cái ăn” khi có chính sách đúng đắn, kích thích phát triển cây lương thực ngoài lúa. Và đương nhiên, dù là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo, nông dân liên tục được mùa lúa, thì trong tâm thức mọi người hãy luôn nhớ: “Được mùa thóc lúa, chớ phụ ngô khoai...”. LÊ THIẾT HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/97/97/92227/Default.aspx