Đức Hùng: 'Tết là một nốt nhạc, trầm nhưng không buồn'

"Tết vừa là thời gian để tôi nhìn lại những gì đã qua trong năm vừa là chất xúc tác thôi thúc tôi phải yêu, phải nhớ, phải cảm nhận" - nhà thiết kế, Nghệ sĩ ưu tú Đức Hùng chia sẻ.

Tôi chưa đón Tết ở bất cứ một thành phố nào khác, ngoài Hà Nội. Với tôi, Tết Hà Nội có một ý nghĩa đặc biệt, vừa như biểu trưng cho Tết Việt, vừa là nơi lưu giữ những nét văn hóa tinh tế nhất, thiêng liêng nhất trong thời khắc giao mùa của đất trời. Tôi là một người con của Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở nơi này. Tôi yêu Hà Nội đến mức cực đoan, yêu không toan tính, yêu không cần đền đáp. Do đó, chỉ có ở Hà Nội tôi mới cảm nhận được hết sắc hương, phong vị của Tết cổ truyền.

Nhà thiết kế thời trang, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng.

Tết đặc biệt lắm! Không mùa nào trong năm có mùi cả, chỉ có Tết mới mang đến cho tôi cảm giác của mùi vị. Mùi từ lá dong của bánh chưng xanh, từ lá mùi già của chiều 30 Tết để đun nước tắm cuối năm, sao mà nao lòng người, mà quyến rũ đến thế. Tôi cứ nhớ mãi những mùi vị ấy, chưa khi nào quên được. Thưởng thức những hương vị ấy trong tiết trời se lạnh, gió mùa, mưa phùn có khác chi một thú chơi tao nhã.

Xã hội phát triển, con người có thể đổi thay nhưng Hà Nội thì luôn vẹn nguyên một vẻ đẹp trường tồn, bất tử. Vẻ đẹp ấy cố nhiên đã đẹp, vốn có đã đẹp, chứ không cần bất cứ ai phải làm đẹp cho nó. Đêm giao thừa, cả gia đình tôi có thói quen “bất di bất dịch” đó là ra Bờ Hồ (Hồ Hoàn Kiếm trong cách gọi thân mật của người Hà Nội) cùng gia đình, ngay cả năm vợ tôi mang bầu, năm con tôi còn ẵm ngửa, gia đình vẫn làm như vậy suốt 18 năm qua. Qua phút giao thừa, cả nhà vào lễ tại chùa Bà Đá, rồi rảo bước từ Bờ Hồ qua Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi qua Đồng Xuân, Hàng Giấy rồi mới về nhà ở Hàng Đậu. Cảm giác đi qua Phố Cổ để đắm chìm trong không khí Xuân nơi này tuyệt vời và khó tả lắm.

Tết vốn đã khác những ngày bình thường, người Hà Nội lại càng đặc biệt trong cách ăn Tết và chơi Tết. Người Hà Nội xưa đón Xuân cầu kỳ, công phu nhưng cũng rất đáng yêu. Tết xưa không hối hả, chóng vánh như hiện nay, không phải gần Tết mới vội vội vàng vàng chạy ra chợ mua cành đào, cây quất để mang về nhà, thế là xong. Các cụ xưa không đón Tết miễn cưỡng như vậy, từ Rằm tháng Chạp đã thấy không khí Tết trong nhà rồi và các cụ phải chơi đến mấy lần hoa đào mới đến ngày mùng 1 Tết. Và Tết, bắt buộc phải là hoa đào, hoa thược dược, hoa violet, hoa bướm chứ không phải là hoa hồng, hoa ly. Các cụ quan niệm Tết có hoa đặc trưng riêng của ngày Tết, do vậy không nên mua hoa ngày dưng, tức là ngày bình thường cũng có.

Thực đơn ngày Tết của người Hà Nội cũng rất đặc trưng, bao gồm 4 bát là măng, mọc, nấm, miến và 6 đĩa là giò lụa, chả quê, xôi gấc, nộm, thịt gà chặt và đặc biệt là đĩa xào hạnh nhân. Món xào hạnh nhân bao gồm các nguyên liệu là xu hào, cà rốt, lạc, nấm, tất cả đều được thái hạt lựu, xào lên và cho hạt tiêu vào, đó là món ăn rất Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới biết. Hiện nay, nhiều người chuộng các món sơn hào hải vị mà quên đi những món truyền thống của Hà Nội, đĩa xào hạnh nhân gần như vắng bóng trong mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình sống ở Hà Nội. Đó là điều rất đáng tiếc.

Đức Hùng là nghệ sĩ miệt mài sáng tạo những thiết kế áo dài đậm chất Việt.

Sống giữa lòng Hà Nội, thở bằng không khí Hà Nội. Tôi hiểu không chỉ có đĩa xào hạnh nhân mà nhiều giá trị Hà Nội đã không còn nữa trong cuộc sống đương đại. Những thiếu nữ không còn xúng xính áo dài đi chơi Tết, đi lễ chùa như ngày xưa nữa. Và những chàng thanh niên không còn cảm giác sánh bước bên những tà áo dài để rồi tà áo ấy vô tình bay chạm vào tay, vào người. Tôi nhớ, ngày bé, đi sau mẹ và các chị (nhà tôi có 5 chị gái), tà áo dài thanh lịch ấy bay cả vào mặt tôi. Giờ điều đó chỉ còn là ký ức dù cho tôi vẫn luôn miệt mài và gắn bó với những tà áo dài.

Đâu chỉ có mai một, nhiều nét văn hóa Tết vốn rất đẹp nay trở nên biến tướng trong cuộc sống hiện đại, đơn cử như chuyện mừng tuổi ngày Tết (người Hà Nội gọi là mừng tuổi chứ không phải lì xì). Bây giờ, nhiều người mượn chuyện mừng tuổi để ngoại giao, trẻ con thì chỉ quan tâm được bao nhiêu tiền mừng tuổi, được ít thì buồn.

Ngày xưa, chúng tôi đâu có thể, không bao giờ toan tính về chuyện mừng tuổi vì điều đó không phản ánh giá trị vật chất. Tiền mừng tuổi hay còn được gọi là tiền mở hàng là đồng tiền may mắn chỉ dành cho trẻ em với hy vọng về thế hệ măng non, mầm xanh, nhựa sống của xã hội. Tiền mừng tuổi ngày xưa nhỏ nhưng ý nghĩa lắm, ông bà cha mẹ còn tỉ mỉ gấp thành hình con chim để tặng con trai và hình con bướm để tặng con gái, trông rất đẹp và đứa trẻ nào cũng thích. Quan trọng là sự trân trọng của người lớn dành cho trẻ nhỏ chứ đâu phải chuyện bao nhiêu tiền.

Đức Hùng sinh ra, lớn lên và gắn bó mật thiết với Hà Nội.

Với tôi, Tết là một nốt nhạc, trầm nhưng không buồn trong một bản nhạc đẹp. Tết vừa là khoảng thời gian để tôi nhìn lại những gì đã trải qua trong năm, vừa như một chất xúc tác thôi thúc tôi phải yêu, phải nhớ, phải lắng lại để cảm nhận những điều đang xảy ra xung quanh mình. Tết đẹp và cần thiết lắm. Thế nên, tôi thật không hiểu tại sao nhiều người lại sợ Tết và chối bỏ nét văn hóa ngày Tết. Tôi không thể trả lời cho câu hỏi này. Thật khó lý giải! Nhiều người thích đi du lịch nước ngoài trong thời gian nghỉ Tết như một cách để nghỉ ngơi, số khác lại coi Tết là một dịp để ngủ ở nhà. Tết mà như vậy thì thật tiếc! Khác với họ, tôi tâm niệm, Tết là dịp để đoàn viên, sum vầy và gặp gỡ.

Tết mà thiếu sự gặp gỡ, thiếu những cuộc trò chuyện và thiếu cả những lời chúc tụng thì Tết đâu còn là Tết nữa. Nhiều người cả năm chẳng nói chuyện với nhau, thậm chí có cả xích mích, cãi vã thế nhưng ngày Tết gặp nhau, họ vẫn dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Khi đó, Tết trở thành một cơ hội tuyệt vời để nối lại những vết rạn nứt trong các mối quan hệ, một cái bắt tay, một lời chúc mừng năm mới, một ly rượu khi đó thật ý nghĩa. Tết là của tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt sang hèn, do vậy, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều cần trân trọng Tết cổ truyền của dân tộc.

Nhà thiết kế, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/duc-hung-tet-la-mot-not-nhac-tram-nhung-khong-buon-post621664.html