Dựa vào đâu mà Triều Tiên không ngán lệnh cấm vận LHQ?

Triều Tiên xây tượng đài hoành tráng, giúp huấn luyện cảnh sát ở châu Phi, buôn bán với Ấn Độ, Thái Lan, cho thấy Bình Nhưỡng chưa ngán lệnh cấm vận của LHQ.

Có thể bạn quan tâm

Xây tượng đài, huấn luyện cách sử dụng AK và buôn lậu

Khi Triều Tiên lập quan hệ ngoại giao với các nước châu Phi mới độc lập, nhà lập quốc Kim Il-Sung đã ủng hộ quân sự và tài chính cho các nước này.

Triều Tiên còn cử nghệ sĩ và kỹ sư xây dựng đến châu Phi, xây các công trình nghệ thuật công cộng để kiếm tiền.

Triều Tiên xây tượng đài hoành tráng ở Senegal tốn 27 triệu USD. Tượng đài này khánh thành năm 2010, có tên là Tượng đài châu Phi Phục sinh, được ca ngợi là tượng đài cao hơn tượng Nữ thần Tự do của Mỹ.

Yoon Hae-joong, Đại sứ Hàn Quốc ở Indonesia từ năm 2003 đến năm 2005, nói: “Vào các năm 1950, 1960, Triều Tiên đạt nhiều thành tích trên mặt trận ngoại giao hơn Hàn Quốc. Ông mô tả quan hệ ngoại giao của Triều Tiên chủ yếu là hình thức, biểu tượng, không có nội dung thực chất.

Năm 2015, Hội đồng chuyên gia về Triều Tiên của HĐBA LHQ cũng lưu ý hợp tác cảnh sát giữa Triều Tiên với Uganda, với Bình Nhưỡng cấp sĩ quan huấn luyện cách sử dụng súng ngắn và súng AK-47 cho cảnh sát Uganda.

Báo cáo mới nhất nói sự giúp đỡ huấn luyện này kéo dài đến tháng 12.2015.

Uganda bỏ phiếu trống trong 9 nghị quyết của Đại hội đồng LHQ phản đối Triều Tiên ngược đãi nhân quyền, từ khi có chuyện đếm phiếu hồi năm 2005.

Ấn Độ, Ethiopia, Nigeria, Mali và Qatar cũng bỏ phiếu trống.

Hong Soon-kyung, một người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc, cho biết: khi ông còn là luật sư của Sứ quán Triều Tiên ở Bangkok hồi những năm 1990, ông đã nhập gạo Thái về Triều Tiên lúc Triều Tiên đang gặp nạn đói. Ông cũng giúp một công ty sinh trắc học của Triều Tiên.

Hong nói công ty này do một doanh nhân Singapore bỏ tiền: “Triều Tiên mở một chi nhánh cho một công ty nhà nước về dấu vân tay, nhằm kiếm tiền”.

Hong cũng từng làm việc cho Sứ quán Triều Tiên ở Pakistan, nơi ông bán rượu đắt tiền được miễn thuế cho các nhà buôn địa phương, trước khi trốn qua Hàn Quốc năm 2.000.

Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên có 53 sứ quán và phái bộ ở nước ngoài, một số cơ quan tai tiếng về chuyện làm ăn lén lút. Năm 2015, Bangladesh trục xuất một nhà ngoại giao Triều Tiên, người bị bắt quả tang buôn lậu số vàng trị giá 1,4 triệu USD.

Huấn luyện viên Triều Tiên chỉ cách dùng súng cho cảnh sát Uganda

Bình Nhưỡng lập quan hệ buôn bán với nhóm nước bạn ngày càng giảm

CHDCND Triều Tiên duy trì được quan hệ thương mại và quan hệ ngoại giao thân thiện với một số nước bạn bè thời Chiến tranh Lạnh ngày càng giảm.

Nhờ các mối quan hệ này, Triều Tiên bất chấp việc bị đa số các nước trên thế giới tẩy chay, vì Triều Tiên trong 10 năm qua vi phạm lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của LHQ.

Ngày 7.2, Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công một rocket để đưa một vệ tinh quan sát trái đất vào quỹ đạo. Mỹ và đồng minh xem đấy là vụ thử nghiệm một tên lửa tầm xa.

Triều Tiên bị LHQ cấm vận nhiều lần từ năm 2006, nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu vũ khí béo bở của Bình Nhưỡng, dòng tiền thu về được Triều Tiên tài trợ cho chương trình vũ khí.

Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, đã cùng Nga ký duyệt lệnh cấm vận của LHQ, để phản ứng Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa.

Cộng đồng quốc tế cũng ủng hộ việc Đại hội đồng LHQ lên án Bình Nhưỡng ngược đãi nhân quyền, theo Reuters ngày 11.2.

Thái Lan từng bỏ phiếu trống trong 6 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, nhưng từ năm 2011 đã bỏ phiếu ủng hộ 3 nghị quyết của LHQ.

Năm 2014, Botswana hủy quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, liên quan đến quyết định ủng hộ một báo cáo của LHQ về ngược đãi nhân quyền ở Triều Tiên, trong khi Indonesia từ năm 2010 chuyển từ bỏ phiếu chống việc Bình Nhưỡng ngược đãi nhân quyền sang phiếu trống, theo số liệu của LHQ.

Nhưng theo Reuters, Triều Tiên vẫn còn sự ủng hộ kéo dài ở các cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng LHQ về vấn đề nhân quyền, từ các nước như Belarus, Cuba, Ai Cập, Iran, Syria, Zimbabwe và Venezuela, Nga và TQ.

Đa phần các nước còn ủng hộ Triều Tiên là thành viên Phong trào không liên kết (thời Chiến tranh Lạnh) có làm ăn buôn bán và dịch vụ với Triều Tiên.

Ngoài TQ (chiếm 90 % trong thương mại của Triều Tiên), Bình Nhưỡng vài năm gần đây có các đối tác thương mại lớn nhất như Nga, Ấn Độ, Thái Lan, theo dữ liệu đến năm 2014 của chính phủ Hàn Quốc.

Triều Tiên nhập thuốc nhuộm và sơn Ấn Độ, dầu thô Nga và cao su Thái Lan, và họ bán linh kiện điện tử qua Ấn Độ, quần áo qua Nga.

Năm 2014, Ấn Độ xuất kim loại quý và đá quý trị giá gần 2 triệu USD qua Triều Tiên, tăng so với 103.000 USD của năm 2013, theo một báo cáo của Hội đồng chuyên gia về Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an LHQ.

Hội đồng này giám sát việc thi hành các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.

Reuters đã xem được báo cáo này hôm 9.2, nói Ấn Độ cho biết sự xuất khẩu này không vi phạm lệnh cấm nhập hàng hóa cao cấp vào Triều Tiên.

Bích Ngọc (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/quoc-te/dua-vao-dau-ma-trieu-tien-khong-ngan-lenh-cam-van-lhq-287971.html