Đưa hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa vào trường học

Sinh viên xem ảnh “Hoàng Sa- Nhìn từ Lý Sơn”.

Song hành với cuộc triển lãm ảnh “Hoàng Sa- Nhìn từ Lý Sơn” của tác giả Nguyễn Văn Minh, tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã đã giới thiệu với các sinh viên chuyên ngành Sư phạm Tự Nhiên và Xã Hội về quá trình hình thành, phát triển của đội hùng binh Hoàng Sa suốt từ cuối thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19, về quê hương của Hải đội Hoàng Sa ở vùng cửa biển Sa Kỳ và huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Căn cứ vào nhiều cứ liệu lịch sử, cách đây khoảng bốn thế kỷ trước, các chúa Nguyễn đã bắt đầu ý thức đến nguồn tài nguyên vô tận, cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc, mà trước hết đó là tại quần đảo Hoàng Sa. Hằng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển, ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ, và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đất đảo Lý Sơn, giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa. Cứ tháng hai nhận lệnh ra đi và đến tháng tám trở về cửa Eo (Thuận An) để nộp dâng lên triều đình các loại hải vật quý giá và những thứ nhặt được trên vùng biển đảo này… Vào thời “đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước”(của chúa Nguyễn ở Đàng Trong), tức sớm nhất có lẽ là vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Nếu cứ tạm thời xác định, là đội Hoàng Sa, và sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải, mộ thêm các ngư dân ở Quảng Bình, Bình Thuận, thuộc các làng Tứ Chính, Bình Cố, Cảnh Dương), hoạt động liên tục suốt nhiều thế kỷ. Ngay từ đầu thế kỷ 17, nhiều thế hệ đã lựa chọn cửa biển Sa Kỳ và đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là “cái nôi” của đội Hoàng Sa nhận nhiệm vụ đi khai thác hoặc hướng dẫn thủy quân, xác lập, thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa hay Trường Sa trên Biển Đông. “Vậy thì thế kỷ 21 này, Việt Nam cần chọn cảng biển nước sâu Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa là nơi đột phá ra biển lớn, tạo thế và lực mới cho đất nước. Riêng vấn đề chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, các cơ quan chức năng cần phổ biến, phiên dịch các tư liệu quý liên quan trực tiếp, gián tiếp về biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa sang nhiều ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Trung để bạn bè quốc tế hiểu rõ đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này”, Tiến sĩ Nhã nhấn mạnh. Kết thúc buổi nói chuyện, tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã đã tặng bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ do Giám mục Taberd (Pháp) lập và xuất bản năm 1838. Bản đồ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ giám mục đã vẽ rất chính xác về tọa độ Paracel hay Hoàng Sa của Việt Nam: vĩ độ hơn 160B, kinh độ hơn 1100Đ trên bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ”. Giám mục Taberd còn ghi rõ, tỉ mỉ trên bản đồ: Paracel seu Cat Vang (theo tiếng Latin có nghĩa: hay là Paracel hay là Cát Vàng tức Hoàng Sa). Đây là chứng cứ hiếm quý, tài liệu của người nước ngoài vẽ rất cụ thể, xác lập tọa độ khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Tác giả bộ ảnh “Hoàng Sa- Nhìn từ Lý Sơn” Nguyễn Văn Minh trao tặng ảnh “Lễ thả khinh thuyền Hoàng Sa” - một trong những nghi thức truyền thống lâu đời trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện cho trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/a-hinh-nh-hoang-sa-tr-ng-sa-vao-tr-ng-h-c-1.295131