Du lịch Quảng Nam tạo đột phá để phát triển bền vững

Các loại hình như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trách nhiệm... đang ngày càng được du khách quan tâm và tạo nên trào lưu du lịch mới. Quảng Nam đã sớm đón bắt xu thế này để tạo ra một ngành du lịch phát triển mạnh, biến giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên... thành giá trị kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân.

Du khách tham quan thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Xu hướng tất yếu

Quảng Nam là địa phương duy nhất may mắn sở hữu hai di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn cùng khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Thế mạnh về biển, văn hóa, con người và ẩm thực đã khiến Quảng Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn. Trên cơ sở du lịch văn hóa được nhiều du khách biết đến, Quảng Nam đã sớm có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng được coi là công cụ giúp xóa đói giảm nghèo ở những nơi có tiềm năng. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL khẳng định: "Quảng Nam xác định phát triển du lịch bền vững là nhiệm vụ hàng đầu. Phát triển du lịch bền vững, du lịch cồng đồng... là xu hướng tất yếu, phù hợp thị hiếu du khách, nhằm biến các giá trị di sản vật thể, phi vật thể, nhiên nhiên... trở thành giá trị kinh tế, đảm bảo nguồn vốn bảo tồn di sản, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương".

Di sản Hội An điển hình trong việc khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch, điều hòa lợi ích của cộng đồng với các bên tham gia hoạt động du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP. Hội An, thành phố đã xây dựng một chiến lược phát triển du lịch bền vững trên nền tảng gắn kết văn hóa và sinh thái, bảo tồn văn hóa và môi trường, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa gắn với văn hóa du lịch. Các hoạt động Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX, phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ... cùng các sản phẩm du lịch cộng đồng như một ngày làm ngư dân, nông dân, homestay... hàng đã thực sự là sản phẩm du lịch - văn hóa đặc trưng của Hội An.

Ngành du lịch Quảng Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong 15 năm qua: Tốc độ tăng bình quân khách du lịch hơn 20,4%. Năm 2015, du lịch Quảng Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định với tổng lượng khách tham quan, lưu trú đạt 3,85 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 1,9 triệu, khách... Đặc biệt, dù phải cạnh tranh khốc liệt với các điểm đến lân cận nhưng khách lưu trú cũng tăng gần 5%, đạt con số 1,22 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 2.570 tỉ đồng, Riêng TP.Hội An với 2 điểm nhấn là phố cổ và Cù Lao Chàm lượng khách đều tăng trưởng mạnh với hơn 2,1 triệu lượt. Tương tự, khu di tích Mỹ Sơn khách cũng tăng khá lớn, chạm mốc 270 nghìn lượt.

Tạo đột phá

Tuy vậy, hiện du lịch Quảng Nam cũng gặp nhiều thách thức, biểu hiện rõ nhất trên lĩnh vực lưu trú khi công suất sử dụng phòng ở các khách sạn 1- 3 sao còn khá thấp, khả năng cạnh tranh với các trung tâm du lịch lân cận chưa mạnh do giá phòng cao. Việc thiếu điểm vui chơi giải trí về đêm, đặc biệt tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại cũng ảnh hưởng mạnh, thiếu hấp dẫn đối với một bộ phận khách châu Âu.

Song, năm 2016 cũng hứa hẹn đánh dấu một chương mới trong chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam, khi địa phương này triển khai các đề án đầu tư phục vụ du lịch. UBND tỉnh này cho biết, thời gian đến tỉnh sẽ tập trung 3 mũi đột phá, trong đó có đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và thu hút mạnh đầu tư.

Đồng thời, Quảng Nam tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến du lịch, cải tiến môi trường đầu tư và cải cách hành chính cho doanh nghiệp du lịch, xây dựng lộ trình về công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch. Việc kết nối cầu Cửa Đại thông suốt tuyến ven biển từ Đà Nẵng qua Hội An hướng về phía nam, triển khai dự án động lực khu nghĩ dưỡng cao cấp Nam Hội An có vốn hàng tỉ đô la và kéo điện ra Cù Lao Chàm trong năm 2016 cũng mở ra cơ hội lớn, dự báo sẽ tạo ra một làn sóng du lịch mới vào Quảng Nam.

Ông Đinh Hài cho biết, với mục tiêu phấn đấu đạt con số 4 triệu lượt khách năm 2016, ngành du lịch còn phải làm nhiều việc, nhất là phải có một chiến lược lâu dài. Trước hết, ưu tiên khai thác các lợi thế so sánh để phát triển du lịch, kết hợp các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, biển, rừng, làng nghề. "Trục du lịch" đô thị Hội An gắn với khu di tích Mỹ Sơn sẽ tiếp tục là "xương sống", tạo động lực phát triển du lịch cho cả tỉnh, gắn kết chặt chẽ giữa định hướng không gian phát triển du lịch với định hướng thị trường và loại hình, sản phẩm du lịch.

Cụ thể, Quảng Nam sẽ đầu tư khai thác tuyến du lịch tuyến ven biển (125km) từ giáp Đà Nẵng đến giáp Quảng Ngãi, ven sông Cổ Cò, sông Trường Giang, sông Thu Bồn và tuyến miền núi phía Tây dọc đường Hồ Chí Minh. Tuyến ven biển từ Điện Ngọc - Cẩm An dành cho các dự án du lịch đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, ven biển từ phía Nam sông Thu Bồn đến giáp Quảng Ngãi dành cho các dự án du lịch qui mô lớn, cao cấp. Miền núi phía Tây là các điểm văn hóa lịch sử, làng dân tộc, nơi có cảnh quan đẹp, có mặt bằng và độ cao lớn so với mặt nước biển được ưu tiên phát triển du lịch. Quảng Nam hy vọng, việc triển khai các đề án trên sẽ tạo bước đột phá nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa du lịch Quảng Nam phát triển trong những năm tới.

Du khách tham quan Mỹ Sơn tăng mạnh

Du lịch văn hóa miền núi giúp xóa đói giảm nghèo

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/du-lich-quang-nam-tao-dot-pha-de-phat-trien-ben-vung-516796.bld