Dự báo kinh tế 2013: Chưa thể sáng sủa

(HQ Online)- Tại hội thảo khoa học “Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách 2013”, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2013, nền kinh tế chưa thật sự sáng sủa.

Để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế thì ưu tiên lớn nhất vẫn là phục hồi hoạt động của khối DN. Ảnh: S.T

Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2013 gồm: Tăng trưởng GDP là 5,5%, tăng trưởng XK là 10%, nhập siêu 8%, bội chi ngân sách Nhà nước là 4,8%, CPI là 6-6,5% (so với Quốc hội đề ra là 8%).

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR cho biết, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng đình trệ trong nửa đầu năm 2012 nhưng sự phục hồi là chưa chắc chắn. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế ở mức 5,03%, thấp hơn so với mục tiêu 5,5%.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, còn lạm phát trung bình cả năm là 9,21%. Lạm phát lõi (không bao gồm lương thực và năng lượng) năm 2012 ước tính khoảng 11%. Vốn FDI thực hiện cả năm đạt 10,5 tỷ USD, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, với 2/3 lượng vốn đổ vào khu vực sản xuất và chế biến - có năng suất cao và tạo ra sản phẩm thực cho nền kinh tế.

Rõ ràng, Việt Nam tiếp tục dậm chân tại chỗ trong việc thu hút vốn FDI, hiện đang đứng cuối cùng trong khu vực, số vốn đăng ký mới chỉ cao hơn mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại lần đầu tiên sau 19 năm chuyển sang trạng thái thăệng dư, ước xuất siêu khoảng 284 triệu USD. Khối DN FDI góp phần rất lớn vào kim ngạch XK khi tăng tới 33% và xuất siêu tới 12 tỷ USD. Nhưng quan trọng là, NK tăng chỉ nhỉnh hơn tốc độ tăng trưởng, cho thấy nhu cầu trong nước yếu đi rõ rệt, không chỉ hàng hóa tiêu dùng cuối cùng mà còn cả nguyên nhiên liệu thô.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, kinh tế Việt Nam năm qua có 2 “điểm sáng”. “Có một điểm sáng, không cần mở mắt cũng thấy sáng đó là nông nghiệp và nông thôn. Bởi XK của khu vực này là XK thật, không phải XK gia công. Đó là điểm sáng đáng ghi nhận”, ông Hồ nói. Một điểm sáng khác được ông Hồ nhấn mạnh là Chính phủ cũng đã giải quyết được vấn đề nổi cộm - lạm phát, tạo ra niềm tin cho người dân.

Ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) lại có ý kiến cho rằng, lạm phát giảm mạnh còn 6,8% (từ 12% năm 2010 và 18% năm 2011) song chủ yếu do sức mua yếu và tổng cầu của nền kinh tế thấp, chứ không phải lạm phát được kiềm chế một cách căn bản.

Ưu tiên tái cơ cấu

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, triển vọng kinh tế của năm 2013 không có nhiều đột biến so với năm 2012, có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa sau của năm, giúp tăng trưởng cả năm 2013 đạt cao hơn năm 2012 nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 5,2-5,3%.

Lạm phát trong năm 2013 phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó dự báo của giá lương thực - thực phẩm, lạm phát lõi và ảnh hưởng trễ của chính sách nới lỏng trong năm 2012. Do vậy, lạm phát cao có thể trở lại vào năm 2013, khiến mục tiêu lạm phát dưới 6% của Chính phủ trở nên mong manh.

Bên cạnh đó, tăng giá điện cuối tháng 12-2012 và sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn đóng góp vào mức tăng giá trong năm 2013. Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định, năm 2013 nền kinh tế chưa thấy sáng lắm so với công bố của Chính phủ là nền kinh tế sáng hơn rất nhiều.

Bởi những vấn đề khó khăn vẫn chưa giải quyết được như: Phá sản DN, đình trệ sản xuất, những DN khó chưa cứu được, làm sao để kích cầu… “Những giải pháp của chúng ta mang tính chất chữa cháy nhiều hơn là tính chất căn bản và bền vững”, ông Hồ nói.

Do vậy, để đạt được mục tiêu lạm phát 6%, các chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các chính sách khác như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công… nhằm kiểm soát lạm phát vững chắc trong năm 2013. Vì thế, các biện pháp hành chính vẫn sẽ chiếm ưu thế so với các biện pháp mang tính thị trường.

Để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, cần nỗ lực giảm lãi suất cho vay ra và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định sẽ giúp DN giảm chi phí, tăng XK, đẩy mạnh bán hàng, giảm tồn kho, tạo thêm việc làm và khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh dài hạn. Thực hiện các giải pháp giúp DN tái cơ cấu nợ để tiếp tục được cấp vốn nếu có dự án kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là các hợp đồng tiêu thụ hoặc đơn hàng XK.

Ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh rằng, trong những vấn đề ngổn ngang của nền kinh tế, Chính phủ cần phải ưu tiên làm gì số 1, đó là tái cơ cấu chứ không phải mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong tái cơ cấu đầu tiên phải là ngân hàng, DN nhà nước và cuối cùng là đầu tư công.

“Tái cơ cấu mới giảm lạm phát, giảm nợ xấu, kích thích tăng trưởng, chuyển dần sang mô hình mới chứ không phải làm cho nó ổn định hơn trên mô hình cũ. Tất nhiên, chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng ở mức vừa phải”, ông Lưu Bích Hồ cho biết.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/du-bao-kinh-te-2013-chua-the-sang-sua.aspx