Dự báo điểm nóng trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Các động thái của Trung Quốc và Biển Đông, Thủ tướng Hun Sen muốn có một lời xin lỗi, là những nội dung quan trọng trong Hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức này sẽ được tổ chức tại California vào ngày 15, 16/2.

Biển Đông và các động thái của Trung Quốc là trọng tâm

Ngày 9/2, Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết đây là dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama phát thông điệp cứng rắn, cấm Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ trong tranh chấp biển Đông, và sự tranh chấp này phải được giải quyết một cách hòa bình.

Phó cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) Ben Rhodes nói ông Obama sẽ tái xác lập quan điểm tranh chấp này phải được xử lý bằng đàm phán và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ông nói một phần thông điệp của ông Obama tại hội nghị thượng đỉnhMỹ cùng 10 nước Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là "cần tránh việc nước lớn tìm cách giải quyết tranh chấp bằng cách bắt nạt nước nhỏ hơn", tôn trọng quyền tự do hàng hải và tránh "những hành động quân sự không cần thiết và không báo trước trên biển Đông".

Dù Trung Quốc không được mời tham dự cuộc họp thượng đỉnh này, các trợ lý của ông Obama nói rõ việc Trung Quốc hành động hung hăng ở biển Đông, gồm xây trái phép 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sẽ là một trong những vấn đề quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ gặp ông Obama tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh không chỉ bàn riêng việc Trung Quốc ngang ngược hành xử tại biển Đông, mà còn để tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh với Đông Nam Á, một khu vực mà ông Obama tập trung chú ý trong chủ trương "tái xoay trục về châu Á" của ông.

Bên cạnh đó, ngày 11/2, ông Albert del Rosario, Ngoại trưởng Philippines, cũng nói với báo giới rằng các nước sẽ tổ chức họp bên lề hội nghị để thảo luận về những đòi hỏi phi lý và lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với Biển Đông.

“Về vấn đề Biển Đông, chúng tôi muốn các bên liên quan tôn trọng luật pháp. Chúng tôi sẽ thảo luận về tự do hàng hải và hoạt động bồi lấp đảo của Trung Quốc", ông Del Rosario phát biểu.

Vị ngoại trưởng sắp mãn nhiệm nói thêm rằng ASEAN cũng sẽ thảo luận về việc Bắc Kinh muốn lập vùng nhận dạng phòng không phía trên những vùng lãnh hải tranh chấp.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục bồi lấp những bãi đá mà họ chiếm ở Biển Đông bất chấp sự quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Del Rosario nói Philippines đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, cường quốc quân sự mạnh nhất ở châu Á, mà không phải hy sinh quyền lợi về lãnh hải.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng mối quan hệ Philippines - Trung Quốc sẽ không phụ thuộc vào tranh chấp trên Biển Đông”, ông nói.

An ninh hàng hải, hội nhập kinh tế và những vấn đề xuyên quốc gia cũng nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN. Mọi quốc gia ASEAN sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.

Ông Hun Sen sẽ đòi nợ "một lời xin lỗi"

Một sự kiện nóng khác cũng được đề cập trong Hội nghị, đó chính là Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang muốn tìm cơ hội để đòi món “nợ” và sự “công bằng” cho Campuchia và chính ông khi bị các nước chỉ trích hồi năm 2012.

Tại hội nghị thượng đỉnh của các nước ASEAN hồi năm 2012 khi Campuchia làm chủ tịch, tuyên bố chung của ASEAN không đạt được vì vấn đề Biển Đông bị neo lại.

Nhiều nước đã chỉ trích Campuchia và cá nhân ông Hun Sen cố tình không đưa vấn đề Biển Đông mà nhiều nước muốn đề cập trong tuyên bố chung vì Phnom Penh bênh vực Trung Quốc (tuy nhiên, 1 tuần sau tuyên bố mới được đưa ra).

Tuần qua, khi dự buổi lễ tốt nghiệp của một trường đại học, ông Hun Sen bất ngờ nhắc lại sự kiện này.

Ông Hun Sen sẽ đòi "nợ" ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ sắp tới

“Có thể đã đến lúc để đòi lại công bằng cho bản thân tôi. Tôi đã nói với ông John Kerry rằng tôi rất thất vọng khi họ chỉ trích Campuchia thân cận với Trung Quốc và coi đó là nguyên nhân dẫn đến việc không thể hoàn tất Bộ qui tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông”, ông Hun Sen nói trong buổi lễ tốt nghiệp.

Ông Hun Sen bào chữa rằng chuyện thất bại của COC không phải do lỗi của Campuchia với tư cách là nước chủ tịch khi ấy.

“Phải chăng đã đến lúc những ai đã tấn công Campuchia và cá nhân tôi phải nói lời xin lỗi và trả lại công bằng cho tôi?”, ông Hun Sen đặt câu hỏi.

Ông Hun Sen tiếp tục khẳng định lập trường lạ của mình đối với vấn đề của Biển Đông rằng đó là “vấn đề song phương” giữa các nước có tranh chấp giải quyết với nhau, chứ không phải chuyện của ASEAN.

Dã An (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-hinh-bien-dong-van-de-bien-dong/du-bao-diem-nong-trong-hoi-nghi-thuong-dinh-my-asean-3300242/