Đồng chí Trần Quốc Hoàn, vị bộ trưởng đức độ và tài năng

Trong ký ức của nhiều thế hệ cán bộ Công an, luôn lấp lánh hình ảnh tươi đẹp về vị bộ trưởng tiền bối, một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, là đồng chí Trần Quốc Hoàn.

Đến nay, hệ thống lý luận cơ bản về nghiệp vụ được giảng dạy trong các học viện, trường CAND đều mang dấu ấn của đồng chí Trần Quốc Hoàn, vẫn là “cẩm nang” giúp mỗi cán bộ, chiến sỹ vững vàng trong công tác, góp sức mình vào những thành tựu chung của sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trong số những người may mắn được công tác, phục vụ Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân (nguyên Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc, Bộ Công an) là người có nhiều kỉ niệm sâu sắc bởi ông từng là trợ lý của vị bộ trưởng mà ông luôn kính trọng như một người anh, người thầy. Lúc Tướng Nguyễn Hữu Nhân còn bình sinh, tôi đã có dịp được gặp, trò chuyện với ông – một cộng tác viên thân thiết của các cơ quan báo chí trong CAND với những bài viết sắc sảo về công tác tổ chức cán bộ, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng…

Trung tuần tháng 8-2010, tôi đến thăm Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân tại nhà riêng (khu tập thể Cục Thông tin liên lạc, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tôi vẫn ấn tượng mãi về sự thân tình của vị Tướng già đã ngoài tuổi tám mươi. Dấu ấn thời gian dường như hằn rõ hơn trên khuôn mặt ông sau cơn tai biến; thế nhưng, ánh mắt của ông vẫn tinh anh, ấm áp với người đối thoại.

Là người gần gũi và gắn bó với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, ông Nguyễn Hữu Nhân ấn tượng sâu sắc về tầm nhìn xa trông rộng của người thủ trưởng. Ông kể, anh Hoàn là người rất say mê đọc sách lịch sử, sách khoa học kĩ thuật... Với tầm nhìn chiến lược, từ rất sớm, anh Hoàn đã đề xuất Trung ương Đảng và Chính phủ cho thành lập, phát triển các đơn vị kĩ thuật phục vụ công tác an ninh.

Trước khi tiếp quản Thủ đô, ngày 1-7-1954, anh trực tiếp lựa chọn và giao nhiệm vụ cho 5 cán bộ đầu tiên làm công tác phản gián và tình báo điện đài. Đây là một quyết định sáng suốt. Có số cán bộ này thì mới có người lo những công việc ban đầu. Đến tháng 1-1955, anh Hoàn đặt vấn đề với Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô viện trợ xây dựng một công trình phản gián điện đài và tình báo điện đài, để thử nghiệm và đào tạo cán bộ. Bạn đồng ý và cử chuyên gia sang giúp ta nghiên cứu tại chỗ, tìm địa điểm đặt các cơ sở kĩ thuật thử nghiệm và đào tạo những cán bộ đầu tiên.

Sau 3 năm thử nghiệm, thu được nhiều kết quả tốt đẹp, đến năm 1959, anh Hoàn tiếp tục đề nghị bạn giúp đỡ xây dựng các công trình kĩ thuật làm công tác phản gián điện đài và tình báo điện đài với quy mô lớn, hoàn chỉnh hơn. Đó là công trình Phương Đông – đã hoàn thành vào cuối năm 1962, phục vụ rất hiệu quả công tác bảo vệ an ninh ở miền Bắc và đánh địch ở miền Nam.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn làm việc với đặc phái viên Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô, tháng 3 năm 1973.

Nhớ lại vị Bộ trưởng luôn sâu sát với công việc, ông Nhân bồi hồi kể: Tôi làm Cục phó phụ trách Cục Thông tin liên lạc 15 năm, đã được chứng kiến nhiều lần anh Hoàn duyệt kế hoạch công tác, duyệt chỉ tiêu biên chế, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

“Tôi nhớ khi anh Hoàn duyệt tổ chức của Cục, những bộ phận nào anh thấy chưa cần thiết, thì cương quyết cắt. Biên chế thì anh duyệt từng người, yêu cầu giải trình rõ khối lượng công việc của biên chế đó là gì... Vì thế, tổ chức bộ máy rất gọn nhẹ nhưng hoạt động hiệu quả. Anh cũng là người rất sâu sát, thường xuyên chủ động gặp gỡ cán bộ cấp dưới để nắm bắt tình hình” – ông Nhân nhớ lại...

Từng là phiên dịch viên tiếng Nga của Bộ Công an trong nhiều năm, Thượng tá Ninh Công Khoát (nguyên Phó trưởng phòng, Cục Thông tin liên lạc) đã nhiều lần được phục vụ Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Khi tôi liên hệ định đến thăm ông để tìm hiểu một số tư liệu về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, ông sốt sắng nhận lời rồi nói: “Các anh bây giờ đang công tác, bận bịu lắm. Để tôi lên cơ quan anh, chúng ta cùng trao đổi”.

Đúng hẹn, ông Khoát có mặt ở phòng làm việc của tôi. Với nét mặt đôn hậu và sự chân thành, ông bùi ngùi nhớ về vị bộ trưởng tiền bối và nói: “Tôi và gia đình tôi được như ngày hôm nay, nói thực lòng là nhờ ơn ngành, nhờ ơn của anh Hoàn và chị Toàn (bà Lê Song Toàn, phu nhân Bộ trưởng – PV)”.

Sau những hồi ức về công việc chung, ông Khoát kể một kỉ niệm với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đã dẫn đến bước ngoặt quan trọng với ông và gia đình.

Với sự biết ơn và kính trọng Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, ông Khoát kể: Năm ấy, vợ chồng tôi mới có 3 cô con gái. Vợ tôi là giáo viên tiểu học ở quê, một mình phải nuôi dạy con nhỏ nên rất vất vả; tôi thì mỗi tháng chỉ về thăm vợ con được một, hai ngày.

Vì vậy, cuối năm 1977, tôi đã báo cáo và được lãnh đạo Cục Thông tin liên lạc đồng ý cho chuyển ngành về tỉnh Hà Nam Ninh để có điều kiện giúp đỡ vợ con. Ban Tổ chức tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Sở Nội vụ) đã có quyết định nhận tôi về dạy tiếng Nga ở một trường trung học phổ thông cách nhà khoảng 3 cây số. Tôi đang hoàn tất các thủ tục để nhận công tác mới thì cuối tháng 2–1978 nhận được lệnh tham gia Đoàn công tác của Bộ trưởng thăm Liên Xô; tôi đã đề nghị cử người khác vì mình đang hoàn tất việc chuyển ngành, nhưng cấp trên yêu cầu phải chấp hành lệnh.

Trong đoàn công tác có bà Lê Song Toàn (Cục trưởng Cục Cảnh vệ, phu nhân của Bộ trưởng); bà Lê Phương, Phó Chánh văn phòng Bộ, phụ trách công tác đối ngoại. Đúng dịp Quốc tế phụ nữ năm 1978, Đoàn có mặt ở Thủ đô Mátxcơva. Bà Song Toàn và bà Lê Phương được mời tới dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ tổ chức tại Nhà hát Lớn (Bolsoi cheatr). Sau phần lễ nghi trên Hội trường, chúng tôi được mời sang phòng bên dự tiệc.

Tổng Bí thư Breznhev đã đến chúc mừng 2 nữ cán bộ Công an cao cấp Việt Nam. Bà Song Toàn đã cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư Breznhev về những lời chúc tốt đẹp và báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư: Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng rất quan tâm đến chị em phụ nữ. Đất nước chúng tôi vừa trải qua hai cuộc chiến tranh, nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để Liên Xô ngày nay sẽ là ngày mai của Việt Nam.

Trong ngày vui như hôm nay, chị em phụ nữ Việt Nam có câu ca vui: “Hôm nay mồng 8 tháng 3. Chị em phụ nữ đi ra đi vào. Hai tay xách củ su hào. Chị em phấn khởi đi vào đi ra”… Tôi bèn dịch ý là: Người phụ nữ Việt Nam bao giờ cũng đặt trên hai vai của mình hai nhiệm vụ là gia đình và xã hội.

Trong Ngày Quốc tế phụ nữ, các bà, các chị muốn chuẩn bị một bữa ăn tươi cho chồng và các con, song điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên không biết nấu su hào với cái gì để có một bữa ngon. Tôi vừa dịch xong, đồng chí Tổng Bí thư Breznhev tỏ ý vui mừng và nói: “Cảm ơn đồng chí! Đúng như chúng tôi đã có nhận xét là ở Việt Nam, phụ nữ ở lĩnh vực nào cũng trở thành anh hùng được. Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí!”.

Trên đường về khách sạn, ngồi trên xe, bà Song Toàn đã động viên tôi dịch tốt vì đồng chí Tổng Bí thư Breznhev hiểu được câu ca mà bà đã đọc. Bà Lê Phương nói: “Khi Văn phòng Bộ có quyết định chọn anh Khoát đi phục vụ Đoàn công tác, anh ấy từ chối với lý do đang làm thủ tục chuyển ngành. Sau khi chúng tôi nói với đồng chí Nguyễn Hữu Nhân, đây là đi phục vụ Bộ trưởng, chứ không phải đi tham quan du lịch, anh Khoát mới chấp hành quyết định”.

Tôi đã báo cáo với hai bà lý do tôi xin chuyển công tác và trong lòng chỉ mong sớm hoàn thành nhiệm vụ để về nước. Ngày hôm sau, bà Song Toàn bàn với bà Lê Phương là để gia đình tôi được tập trung về một mối, Văn phòng Bộ có thể tiếp nhận vợ tôi lên Hà Nội làm công tác quản lý các nhà trẻ và mẫu giáo của cơ quan Bộ được không? Như thế chúng ta sẽ được 2 cán bộ. Rồi hai bà còn hỏi ý kiến của tôi nữa! Tôi quá bất ngờ và rất cảm động. Tôi còn được nghe bà Song Toàn nói với bà Lê Phương rằng, bà sẽ trao đổi với Vụ Tổ chức cán bộ. Tôi hiểu, chắc chắn Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã biết và đồng ý về việc này.

Thế là cuối năm 1978, gia đình tôi được đoàn tụ về Hà Nội. Chúng tôi thật hạnh phúc khi được cùng công tác trong lực lượng Công an và sớm hôm bên nhau chăm sóc con cái. Vợ chồng tôi sinh thêm được một con trai và gia đình tôi mãi mãi không quên ơn những vị lãnh đạo đã luôn tận tình quan tâm tới công việc, cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ nói chung và gia đình tôi nói riêng.

Tôi nhớ khi anh Hoàn duyệt tổ chức của Cục, những bộ phận nào anh thấy chưa cần thiết, thì cương quyết cắt. Biên chế thì anh duyệt từng người, yêu cầu giải trình rõ khối lượng công việc của biên chế đó là gì... Vì thế, tổ chức bộ máy rất gọn nhẹ nhưng hoạt động hiệu quả. Anh cũng là người rất sâu sát, thường xuyên chủ động gặp gỡ cán bộ cấp dưới để nắm bắt tình hình” .

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân

An Khang

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/dong-chi-tran-quoc-hoan-vi-bo-truong-381554/