Đón xuân an khang nhờ mô hình… 'cho lợn nghe nhạc'

Với mô hình “cho lợn nghe nhạc” để tăng sản lượng, một nông dân ở Vĩnh Long đã thoát nghèo, được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen về thành tích sản xuất giỏi.

Thăng trầm từ mô hình chăn nuôi “độc nhất vô nhị”

Về Vĩnh Long, chỉ cần hỏi về người nông dân chuyên áp dụng mô hình “cho lợn nghe nhạc” để tăng sản thượng thì ai cũng biết, và chỉ rành rọt con đường đến trại chăn nuôi độc nhất vô nhị này. Theo sự chỉ dẫn, PV cũng không khó tìm đến trại chăn nuôi của ông Nguyễn Nguyễn Vũ Phương (SN 1965, ngụ 3D Nguyễn Văn Lâu, tổ 10, khóm 1, phường 8, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), nơi này nằm sâu hút trong một con hẻm nhỏ và cách khá xa trung tâm TP.Vĩnh Long.

Biết chúng tôi đến đưa tin, ghi hình, ông Phương cười khì nói với giọng đầy thân thiện: “Nhà báo phải không, cứ vào đây, uống trước tách trà rồi bàn chuyện”. Dứt lời, ông chỉ tay ra phía sau nhà cho biết, đó là trại nuôi lợn của gia đình từ hàng chục năm nay. Do tiếng nhạc xập xình luôn được mở liên tục với công suất lớn nhằm phục vụ cho đàn lợn “giải trí” trước khi ngủ nên cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Phương luôn bị khỏa lấp.

Để tận mắt chứng kiến, ông Phương nhiệt tình đưa PV thị sát. Mặc dù có sự xuất hiện của người lạ, nhưng đàn lợn cả trăm con của ông Phương vẫn vô tư say giấc ngon lành. Đặc biệt, chúng nằm theo từng hàng ngay ngắn, tai và đuôi cứ vẫy vẫy liên tục. Ông Phương tỏ vẻ tâm đắc, chia sẻ: “Mô hình này đã đi vào nền nếp nhiều năm nay, giờ việc chăn nuôi khỏe lắm, ăn xong, chúng bắt đầu nghe ca cổ, nhạc hoặc thời sự rồi ngủ, không còn vất vả như trước kia nữa.

Như cuốn theo chuyện đời, chuyện nghề với bao thăng trầm, ông Phương nhớ lại: “Tôi vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, nhà lại đông anh em nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Từng làm việc ở Công ty chế biến thức ăn trên địa bàn nhưng rồi cũng bỏ nghề vì đồng lương không đủ trang trải cuộc sống. Đến năm 1985, tôi lập gia đình nhưng chỉ làm lễ cưới nhỏ vì hai họ đều quá nghèo. Sau ngày cưới, vợ chồng tôi phải bỏ quê hương, dắt díu nhau lên tận TP.HCM bươn chải làm thuê kiếm sống.

Ông Phương đang chỉnh nhạc cho đàn lợn “giải trí” (ảnh Thanh Lâm).

Gần chục năm tha phương nơi đất khách, vợ chồng cũng tích góp được khoản tiền. Năm 1998, tôi quyết định cùng vợ con về lại quê nhà lập phương án mở cơ sở sản xuất hủ tiếu. Tận dụng triệt để, nguồn phế phẩm bột hủ tiếu dùng làm thức ăn chăn nuôi lợn. Thời gian đầu, công việc làm ăn khá thuận lợi. Tuy nhiên, sau đó nhiều cơ sở sản xuất hủ tiếu tương tự cứ đua nhau mọc lên như nấm, khiến công việc kinh doanh của gia đình thua lỗ triền miên. Không cạnh tranh nổi nên tôi đành ngậm ngùi “dẹp tiệm”, may nhờ còn có đàn lợn nên cũng gỡ gạc được chút vốn liếng, nếu không là trắng tay.

Từ đây, vợ chồng tôi bàn nhau, đi vay thêm tiền ngân hàng, đầu tư hết vào việc chăn nuôi lợn sinh sản. Lứa đầu, tôi không bán lợn con mà giữ lại nuôi hết, lần này thành công và cũng trả được một ít nợ. Tưởng ngon ăn, tôi phấn khích vô cùng, bắt đầu đẩy mạnh mô hình này. Nào ngờ, dịch bệnh bất ngờ bùng phát, đàn lợn bị tiêu hủy, không còn một con, coi như lỗ nặng”.

Xuân năm nay sẽ linh đình hơn…

“Quyết không bỏ cuộc “thua keo này bày keo khác”, tôi cần mẫn nghiên cứu và tích lũy thêm nguồn kiến thức từ các buổi hội thảo của ngành nông nghiệp, từ sách báo, kinh nghiệm nhà nông, gầy dựng lại dần đàn lợn. Tìm ra nguyên nhân thất bại để khắc phục. Trong chăn nuôi, lợn thường dễ mắc các bệnh tụ huyết trùng, dịch tai xanh, lở mồm long móng. Vì thế, ngoài việc tiêm phòng theo định kỳ cho đàn lợn cũng cần phải vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đảm bảo môi trường trong lành, thông thoáng thì mới hạn chế đến mức thấp nhất về rủi ro thất bại.

Bên cạnh đó, lợn thường sinh non mỗi khi giật mình bởi tiếng động lạ, mỗi lúc như thế, tôi phải ôm từ con và xoa dịu để chúng lấy lại trạng thái cân bằng. Nuôi lợn thịt thì đỡ tốn công sức, riêng nuôi lợn nái thì vất vả hơn nhiều, phải thức trắng đêm để cắt rốn, vệ sinh cho lợn con... Đến khi lợn con được vài tuần tuổi, việc chăm sóc lợn mẹ cần phải chu đáo, thức ăn sạch, giàu dinh dưỡng thì mới có lượng sữa ổn định, cung cấp cho đàn lợn con chóng lớn”, ông chia sẻ kinh nghiệm.

Nói về ý tưởng “có một không hai” của mình, ông Phương cho biết: “Trong dịp tình cờ, tôi nghe chương trình phát thanh, nông dân cho bò nghe nhạc để tăng sản lượng sữa. Nghĩ chăn nuôi lợn cũng vậy, có âm nhạc sẽ giúp chúng kích thích tăng trưởng nên áp dụng thử bằng chiếc radio cũ. Ban đầu, chúng phát hiện có âm cứ chạy loạn xạ, nhưng chỉ ít phút sau đó thì điều kỳ diệu lại xảy ra, chúng ngoan ngoãn nằm im “thưởng thức” và ngủ ngon lành. Biết hiệu quả, tôi sử dụng luôn máy cassette và trang bị thêm chiếc loa thùng đặt cố định ở trại nuôi.

Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long trao tặng (ảnh Thanh Lâm).

Lúc đầu bà con láng giềng cho rằng đầu óc tôi có vấn đề, về sau họ quen dần và không còn bàn tán hay ý kiến gì nữa bởi từ đó đến nay không còn trường hợp lợn con sau khi sinh chết non nữa. Trước kia, mỗi khi lợn mẹ tới ngày sinh sản thì do nhiều yếu tố khách quan như những tiếng động lạ cũng thường làm đàn lợn giật mình rồi chúng lại sinh non, chết thai hoặc lợn con sinh ra không được khỏe mạnh, khó nuôi…”.

Bà Lê Thị Dung (SN 1965, vợ ông Phương) bộc bạch: “Ổng chịu khó, ý chí bền vững lắm, nhờ vậy mới có được thành công như ngày hôm nay. Mặc dù cuộc sống của vợ chồng tôi trước đây phải trải qua bao vất vả, nhưng bù lại có được 2 người con ngoan, đó là niềm an ủi rất lớn cho gia đình. Con trai lớn, sau khi xuất ngũ, cũng về nhà phụ giúp việc chăm sóc đàn lợn nhằm phát triển kinh tế, còn con út năm nay 11 tuổi, hiện đang học tại một trường gần nhà”.

Nhiều thương lái làm ăn với ông Phương nói đùa, đàn lợn được ông huấn luyện cho nghe cả thời sự, tin tức quốc tế nên chúng rất thông minh. Nghe âm nhạc trở thành thói quen, mỗi khi mất điện thì ông Phương luôn trữ sẵn pin để phát radio, chứ không cả đàn lợn lại la hét ầm ĩ, không ai chịu nỗi. Giờ đây, chuồng trại nuôi lợn của ông Phương rất khang trang, áp dụng cả khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như hệ thống phun nước vệ sinh tự động, máng ăn tự động,… nên tiết kiệm được rất nhiều công sức.

Cũng theo ông Phương, từ mô hình chăn nuôi này mà sản lượng đàn lợn tăng lên đáng kể (mỗi con mẹ thường sinh sản trên 10 con giống, mỗi con mới sinh có trọng lượng khoảng 1,5kg), chúng rất khỏe mạnh, sinh sản ổn định, phát triển nhanh. “Hàng năm, từ nguồn chăn nuôi, tôi thu về trung bình vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường, kinh tế gia đình hiện tại khá hơn rất nhiều. Tết năm nay, chắc chắn gia đình tôi sẽ tổ chức linh đình hơn mọi năm. Hướng tới, sẽ tiếp tục mở rộng thêm trại nuôi lợn, nhằm đáp ứng kịp thời nguồn lợn thịt cho thị trường như hiện nay”, ông Phương khoe.

Từng được Chủ tịch tỉnh tặng Bằng khen

Với mô hình chăn nuôi “độc” và mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Nguyễn Vũ Phương đã thoát nghèo, trở thành triệu phú, là một trong những nông dân tiêu biểu tại địa phương. Đồng thời, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Thanh Lâm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/don-xuan-an-khang-nho-mo-hinh-cho-lon-nghe-nhac-a226866.html