Đổi mới công tác quản lý giáo dục - nhìn từ cơ sở

Công tác quản lý có thể xem như một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên hoàn các khâu của giáo dục. Từ nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất quan tâm đến công tác quản lý ở cơ sở, đặc biệt kể từ khi có sự ra đời của Dự án Srem năm 2007. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn khi hướng đến vấn đề đổi mới một cách hiệu quả.

Tìm hiểu các phần mềm trong quản lý và giảng dạy trong nhà trường

Thực trạng công tác quản lý ở cơ sở

Một số tồn đọng khá lâu về công tác quản lý giáo dục bắt đầu từ chỗ tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ CBQL không đúng vị trí. Do hiểu không thấu đáo về đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước, vận dụng một cách cứng nhắc tiêu chuẩn đề ra theo luật định mà không ít địa phương khi bố trí CBQL để xảy ra tình trạng “hồng” mà không “chuyên”. Lại có kiểu bố trí CBQL theo kiểu ê kíp, do mối quan hệ họ hàng, thân thích hơn là căn cứ vào năng lực, phẩm chất bản thân. Cả hai kiểu này đều dẫn đến những hạn chế, những bất cập trong quản lý như quan liêu, cửa quyền, hách dịch, bè phái, chậm tiến bộ và không chịu đổi mới. Từ đây, phát sinh hiện tượng bằng mặt không bằng lòng, mất đoàn kết nội bộ, làm giảm sút chất lượng GD. Nhiều người vẫn nhầm lẫn, đánh đồng giữa khái niệm lãnh đạo (người có quyền cao nhất, có chức năng chỉ đạo) với khái niệm CBQL (người điều hành, tổ chức). Người lãnh đạo có thể đồng thời kiêm chức năng quản lý, nhưng người CBQL chưa chắc đã là lãnh đạo. Phân biệt được điều này để có sự rạch ròi khi đánh giá hiệu quả công tác quản lý ở cơ sở.

Việc không chịu đổi mới trong quản lý giáo dục ở cơ sở hiện nay thể hiện ở chỗ: Sự phân cấp không triệt để, mới chỉ diễn ra trên giấy, dừng lại ở UBND cấp huyện, còn nhà trường thiếu quyền chủ động. Một khi CBQL cấp phòng, cấp trường không đủ năng lực tham mưu với cấp lãnh đạo địa phương, hoặc là cấp lãnh đạo địa phương không “mặn mòi” với giáo dục thì khó có được sự đầu tư đúng mức về CSVC, các điều kiện để hoạt động. Mặc dù những năm qua, chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đã được Bộ GD-ĐT quán triệt nhưng không ít trường học hiện nay không có những trang thiết bị tối thiểu cho công việc hành chính như máy tính, máy phôtô, máy Fax. Lại có nơi có máy vi tính, có kết nối Internet nhưng “án binh bất động” vì hư hỏng, không có tiền trả cước phí điện thoại. Hiện tượng “an phận thủ thường” cũng khá phổ biến, rơi vào những CBQL thiếu năng lực, không mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, chỉ hành sự theo kiểu hành chính công cho hết nhiệm kỳ. Một bộ phận khác khi còn là GV thì năng nổ phấn đấu, khi vào cương vị CBQL khoảng vài năm thì lại lười học tập, bồi dưỡng chuyên môn nên lạc hậu với cái mới. Khi CBQL mắc khuyết điểm, sai phạm thì cũng ít bị thôi chức, nghỉ việc nên làm mất niềm tin trong đội ngũ.

Năng động trong tiếp cận và tham khảo các giáo trình mới

Kinh nghiệm đổi mới quản lý ở Đà Nẵng

Vài ba năm trở lại đây, Đà Nẵng chuẩn bị rất kỹ cho việc đưa một người vào vị trí quản lý nhà trường. Tính riêng 2 năm 2007-2008, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tổ chức thi tuyển và bổ nhiệm 28 Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng ở một số trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu và nguồn kinh phí hỗ trợ của Hội đồng đào tạo thành phố, ngành đã chi hơn 2,5 tỷ đồng để cử cán bộ, GV đi đào tạo các chương trình sau đại học, cử nhân Quản lý giáo dục, cao cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT Đà Nẵng cũng tranh thủ một cách có hiệu quả chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, tuyển dụng và tiếp nhận các SV tốt nghiệp ĐH loại giỏi, có trình độ thạc sĩ các chuyên ngành và mạnh dạn sàng lọc tinh giản đối với nhà giáo và CBQL giáo dục hạn chế về phẩm chất, năng lực, yếu về sức khỏe không hoàn thành công việc được giao. Trong tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng, có đưa ra yêu cầu xây dựng chiến lược phát triển nhà trường…

Qua đi thực tế tại quận Thanh Khê, một quận có sự phân cấp mạnh ở TP Đà Nẵng, chúng tôi thấy có nhiều điều đáng học hỏi. Điều đầu tiên là từ trưởng phòng đến hiệu trưởng đều thống nhất trong một PP quản lý, kết hợp hài hòa giữa tính nguyên tắc và phát huy quyền làm chủ. Hiệu trưởng các trường vốn là những GV dạy giỏi, làm nòng cốt trong mọi phong trào của nhà trường, địa phương. Điển hình như cô Vương Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Cao Vân. Vốn liếng của một GV từng đạt danh hiệu GV giỏi cấp quốc gia khi còn trực tiếp đứng lớp đủ để nữ hiệu trưởng này chỉ đạo chuyên môn có chiều sâu. Không những thế, hiệu trưởng còn luôn tạo một không khí sôi nổi tìm tòi, đổi mới PP dạy học của các GV trong nhà trường.

Việc đặt nền móng cho GD từ bậc học nền tảng là sự đầu tư đúng hướng của quận Thanh Khê. Lá cờ đầu của bậc học Mầm non thành phố Đà Nẵng chính là Trường Mầm non tư thục Hồng Nhung trên địa bàn quận. Cái nhìn ấu trĩ cách đây chỉ vài năm khi phân biệt trường công, trường tư của người dân ở Đà Nẵng đã không còn nữa, khi trên con đường Đỗ Quang thưa vắng, buồn tẻ ngày nào nay rộn rã, ấm cúng hẳn lên bởi sự hiện diện của Trường MN TT Hồng Nhung. Ngôi trường đã có sức hấp dẫn với đông đảo các bậc phụ huynh của thành phố, không chỉ bởi sự tiện nghi, đủ đầy về trang thiết bị dạy học của một trường chuẩn quốc gia mức độ 2, mà còn bởi một đội ngũ GV giàu kinh nghiệm và tâm huyết.

Một kinh nghiệm nữa trong quản lý của ngành GD-ĐT Thanh Khê đó là sự tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị cho các trường học. Khó có thể ngờ trên vùng đất cách đây mươi, mười lăm năm hoang vu, cằn cỗi nay mọc lên những ngôi trường bề thế, khang trang hiếm có như Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu học Bế Văn Đàn, Huỳnh Ngọc Huệ. Con số 80 triệu đồng đầu tư cho Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng năm qua, không chỉ bằng vào nguồn NS nhà nước mà bằng cả sự linh hoạt, chủ động về kinh phí của lãnh đạo Phòng GD-ĐT. Ngôi trường còn là bằng chứng cho sự dám nghĩ, dám làm của BGH, khi cải tạo lại toàn bộ khuôn viên, xây dựng lại bồn hoa, cây cảnh, thay cây cũ bằng hàng loạt cây bóng mát thích hợp để tạo một môi trường đẹp, thân thiện.

Khi đưa chúng tôi đi thăm những ngôi trường này, ông Vĩ Sách, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê còn rất nhiều dự định trong tương lai, mà nếu không vì một lợi ích giáo dục lâu bền, người CBQL khó có thể thực hiện.

PV

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/2009/08/1716171/