Điềm Khắc Kim - tên cướp lãng mạn? (Kỳ 4)

(24h) - Điềm Khắc Kim (ĐKK) được giới giang hồ Sài Gòn trước 1975 thật sự nể phục khi y đã làm lên “kỳ tích” vượt khỏi “lò bát quái” Chí Hòa ngay trưa 24-4-1972 trước sự canh gác nghiêm ngặt của các nhân viên công lực.

Kỳ 4: Đào thoát khỏi "lò bát quái" Chí Hòa Cuộc vượt ngục “bí ẩn” này đã làm cho hàng chục công chức, quản lý trại giam phải vào khám vì bị nghi là liên quan đến “tên cướp ghê gớm” (từ dùng trên báo chí Sài Gòn trước 1975). Làm cách nào ĐKK có thể trốn thoát khỏi nơi mà hầu như tất cả các tay giang hồ cộm cán, võ nghệ đầy người đều phải bó tay? Liệu có sự “tiếp tay” của những cảnh sát quản ngục, hay chỉ là một cú “ăn may” của tên cướp độc hành này? Trung tâm cải huấn (TTCH) Chí Hòa (nay là Trại tạm giam Chí Hòa - CATPHCM) được Pháp xây dựng vào khoảng đầu thập niên 40 với tổng diện tích khoảng 7ha có 238 phòng, để giam giữ tù chính trị và hình sự. Nhà lao này được xây dựng theo hình bát quái (tám cạnh), mỗi cạnh là một khu, xây bịt kín ở phía ngoài. Còn phía trong toàn song sắt và mỗi khu có bốn buồng giam. Ngay trung tâm “bát quái” là một vọng gác cao hơn 20 mét. Từ đây có thể quan sát tổng thể khu bát quái, kể cả sinh hoạt của phạm nhân ở các buồng giam. Đồng thời để dễ dàng trong quản lý tù nhân, ở mỗi khu được sơn màu sơn khác nhau và can phạm nào ở khu nào cũng đều có mang biển số trên người cùng màu với khu giam của mình. Sự phân biệt này nhằm tạo thuận lợi dễ dàng cho việc kiểm soát của lực lượng canh giữ trại. Một phạm nhân ở khu này tự ý đi vào khu khác đều có thể bị phát hiện được ngay. Ngoài ra còn có ba khu nằm nối lưng với khu bát giác, gọi là khu hỏa thực, khu bệnh xá, khu kỷ luật. Tại khu kỷ luật có phòng “điện ảnh” và phòng “truyền hình”. Tên gọi đẹp đẽ là thế, nhưng đây chính là nơi tra tấn phạm nhân của các cai ngục. Và tất nhiên với kết cấu xây dựng như thế, việc tù nhân trốn thoát khỏi “lò bát quái” là điều không tuởng. “Họa hoằn chỉ có cánh hoặc biết độn thổ mới có thể thoát khỏi nơi này” - lời của Nguyễn Văn Vệ, một cai ngục khét tiếng ác ôn từ những năm 1950 - 1960 tại Chí Hòa. Như chúng tôi đã thông tin, đêm 26-12-1971, ĐKK đột nhập vào nhà một Mỹ kiều ở đường Ngô Tùng Châu để “ăn hàng”, bị gia chủ và nhân viên an ninh phát hiện truy bắt. ĐKK hai tay hai súng bắn thẳng về phía các nhân viên an ninh để tìm đường tẩu thoát nhưng đã bị bắn một phát ngã nhào bất tỉnh. Là một nghi phạm quan trọng, ĐKK đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu, chữa trị vết thương. Sau đó đưa vào khu bệnh xá của TTCH Chí Hòa. Với hai vết thương trí mạng ở bụng và đầu, ĐKK gần như chỉ nằm im ở giường bệnh. Nhìn gã thanh niên dáng vẻ nhỏ thó, da mặt xanh mét, những can phạm không ngờ đây chính là tên cướp khét tiếng ĐKK - nỗi kinh hoàng của những mệnh phụ phu nhân người Mỹ. Khoảng bốn tháng sau, ĐKK được chữa trị lành vết thương, lý ra ĐKK bị biệt giam nhưng do bệnh tình vẫn còn nặng (bị bắn trước đó, ruột đứt làm ba đoạn phải phẫu thuật nối ống cao su) nên được “ưu ái”. Với những phạm nhân có mức án thời hạn thấp, hoặc sắp mãn hạn tù sẽ được điều động vào khu hỏa thực. ĐKK may mắn được đưa vào khu này. Theo quy định chung của khu hỏa thực, mỗi chiều cuối tuần sẽ được bộ phận phụ trách chiếu phim của TTCH phục vụ cho các phạm nhân coi phim. Nắm bắt, điều nghiên mọi hoạt động của khu hỏa thực cũng như quy luật đi lại của một số cai ngục nơi đây, ĐKK đã hoạch định sẵn trong đầu một “kế hoạch hoàn hảo”. Với tài “đột vòm”, “nhập nha” vào loại siêu hạng song tài nghệ ấy vẫn không thể giúp ĐKK thoát khỏi “lò bát quái” cùng với những vết thương vẫn còn đau âm ỉ trên người. Do ở cùng với những phạm nhân ở khu hỏa thực (đây chỉ là những tên tội phạm “cóc ké”), tên tuổi ĐKK vào thời điểm đó đã nổi như cồn, nhưng mặt mũi của y thì giới giang hồ “con” này hầu như không ai biết. Nên khi y giới thiệu mình chính là ĐKK, đám tù nhân đã khúm núm, cúi đầu làm theo lời của “người hùng” (vì dám hiếp vợ của cố vấn Mỹ). Đúng theo kế hoạch, đêm 23-4-1972 tại khu hỏa thực có khoảng 200 phạm nhân, ĐKK đã xúi giục họ nổi loạn. Tiếng la hét, còi báo động và cả tiếng súng đã làm hỗn loạn khu hỏa thực. Lợi dụng lúc đó, ĐKK đã trổ tài “đột vòm” của mình bằng cách thu gọn người, bu dưới gầm chiếc xe Jeep của tay trung tá cai ngục, ra ngoài một cách an toàn. Cuộc bạo loạn bị dập tắt, kiểm tra lại số phạm nhân, thì thấy “thiếu” đi “bệnh nhân” - ĐKK. Cả TTCH Chí Hòa nháo nhào, hoảng loạn; Sở tình báo và điều tra tư pháp cảnh sát Sài Gòn vào cuộc, hàng loạt các cai ngục, nhân viên cảnh sát liên quan bị tạm giữ để điều tra. Toàn bộ lực lượng an ninh, cảnh sát được huy động chốt chặn các cửa ngõ và cả những nơi mà ĐKK thường xuyên lui tới như: khu chuồng bò - Gò Vấp, công viên Gia Định, Tôn Đản - quận 4... Thế nhưng tung tích của ĐKK vẫn biệt vô âm tín. Cùng thời điểm đó báo chí chế độ cũ đã “ca ngợi” hết lời về “tên cướp ghê gớm ĐKK” đó cũng là một “cú tát” đau như cắt vào mặt các quan chức, các cai ngục tại TTCH Chí Hòa. ĐKK vượt ngục thành công, tên tuổi vai vế giang hồ của tên cướp “cô độc” này được nâng lên một bậc có thể nói là sánh ngang với các đại ca giang hồ trước đó như: Đại “cathay”; Huỳnh Tỳ, Tám Lâu, Sơn Vương Trần Văn Thoại... Cổng trại tạm giam Chí Hòa ngày nay Không dừng lại ở đó, ĐKK tiếp tục “chiến tích” của mình bằng một vụ cướp hiếp mà nạn nhân chính là phu nhân cố vấn Mỹ - “sở thích” của tên cướp “cô độc”. Thế nhưng cuộc “hành tẩu giang hồ” của ĐKK đã tạm gác lại khi Sở tình báo và điều tra hình sự cảnh sát Sài Gòn đã lần ra dấu vết và bắt gọn y vào ngày 13-6-1972 sau một hồi đấu súng nghẹt thở. ĐKK bị truy tố về nhiều tội danh như: gian nhân hiệp đảng, hiếp dâm, trộm cướp có vũ khí, tấn công nhân viên công lực hành sự, vượt ngục. Nổi tiếng với tài “nhập nha”, “đột vòm, mở khóa (kể cả khóa còng); ĐKK đã bị biệt giam tại TTCH Chí Hòa một thời gian, sau đó đưa về TTCH Gia Định (nay là phòng an ninh điều tra ở số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh) và cũng biệt giam để dễ quản lý (ít phạm nhân, chủ yếu là tù chính trị). Tại đây ĐKK bị giám sát 24/24, thậm chí còn “đo chân đóng giày”. Tưởng chừng cuộc đời ĐKK sẽ “hạ màn”, nhưng y vẫn như “phù thủy” một lần nữa lại lên kế hoạch đào tẩu khỏi TTCH Gia Định. Liệu ĐKK có vượt khỏi sự giám sát của các cai ngục trại giam? Điều gì đã khiến y liên tục vượt ngục? Vợ, con hay “thú tiêu khiển” bệnh hoạn của mình? (Còn tiếp)

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/news/detail/51/259565/diem-khac-kim---ten-cuop-lang-man-ky-4.24h