Để "văn hóa soi đường cho quốc dân đi"

Cách đây hơn nửa thế kỷ, ở thời điểm vận mệnh đất nước một lần nữa bị đe dọa, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11-1946, Bác Hồ đã trình bày một quan niệm giản dị nhưng mang tính nguyên lý, có ý nghĩa cơ bản và lâu dài, đó là: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"...

Cha ông chúng ta, với lòng yêu nước thương nòi, tự hào, tự tôn dân tộc và giàu lòng tự trọng, không muốn xấu hổ với lớp người đi trước đã đổ máu vì sự tồn vong của dân tộc. Cái ác từ bên ngoài đã không thể thống trị trên đất nước này, bởi người Việt Nam dám chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để danh dự dân tộc không bị tổn thương. Vì thế, bao nhiêu năm qua, chúng ta vẫn lấy tấm gương của Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ,... để tổ chức và động viên các thế hệ noi theo. Chúng ta lấy tiền nhân làm mẫu mực, để mỗi người trước khi hành động cần nghĩ tới việc giữ gìn truyền thống dân tộc. Trong thế kỷ 20, nguyên lý đầy tính nhân văn đó từng góp phần đào luyện nên các thế hệ mà bom đạn và sự tàn bạo của kẻ thù không làm họ chùn bước trong khi phấn đấu vì sự nghiệp giành lại nền độc lập, và phẩm giá dân tộc được vẹn toàn. Có thể nói rằng, con đường chúng ta đã và đang đi, được tiếp nối từ xương máu của hàng triệu người Việt Nam ưu tú.

Khi khẳng định "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Hồ Chí Minh đã thấy rõ ý nghĩa, vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển xã hội. Tiếp cận theo nghĩa rộng, Người phác họa các nét cơ bản của "văn hóa soi đường" vừa phải được biểu hiện, vừa phải là kết quả tổng hòa của các yếu tố: "1. Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập, tự cường. 2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: Dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế". Từ "phổ" rất rộng của văn hóa trong cuộc sống, Người xác định vai trò của các cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành là tấm gương trực tiếp và cụ thể để mọi người noi theo. Vì thế, xét về văn hóa, không thể không nhắc tới điều Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước". Khẳng định vai trò quan trọng của các giá trị văn hóa trong tư cách người cộng sản, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất sâu sắc về yếu tố nền tảng tạo nên sự tin cậy và sức hấp dẫn. Cũng vì thế, chỉ có sự kết hợp một cách hài hòa, biện chứng giữa ý chí cách mạng với phẩm chất văn hóa mới có thể đưa tới kết quả như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Tuy thống nhất hữu cơ trong một chỉnh thể, nhưng không phải khi nào kinh tế, chính trị cũng giữ vai trò là hạt nhân của văn hóa. Khi kinh tế lâm vào khủng hoảng, chính trị xa rời tính nhân văn, thậm chí chống lại các giá trị nhân văn, các bộ phận khác của văn hóa, như văn hóa niềm tin, văn hóa đạo đức, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa lối sống và nếp sống,... sẽ tự thân phát triển, từ đó trực tiếp điều chỉnh và định hướng văn hóa. Gọi là tự thân, nhưng thực chất đó là kết quả trực tiếp của quá trình trăn trở, suy nghĩ một cách có ý thức của những người hướng thiện, của các bậc trí giả. Họ hiểu con người không thể sống thiếu văn hóa, họ cố gắng định tính các giá trị nhân văn, họ hành động để các giá trị nhân văn trở thành bộ lọc và bộ chỉnh của xã hội. Vì thế, tên tuổi của họ đã đi cùng lịch sử, nhân dân kính trọng họ, vinh danh họ, thậm chí tôn thờ họ như là biểu tượng của đạo làm người. Ngày nay, văn minh nhân loại đã phát triển tới một tầm mức mà trong nhiều trường hợp, là nằm ngoài ước mơ của con người cách đây vài ba thập kỷ. Văn minh làm cho cuộc sống của con người ngày càng hiện đại hơn, sự tiện dụng của các vật dụng do văn minh công nghiệp, văn minh tin học mang lại đã nối liền và ngày càng mở rộng các mối liên hệ giữa con người với con người. Nhưng chính lúc này, tình trạng thiếu chọn lọc trong việc tiếp thu, sự am hiểu chưa thấu đáo và điều tiết thiếu nhất quán về văn hóa không những không giúp hình thành kết cấu xã hội bền vững, mà còn đẩy tới sự mất cân đối nghiêm trọng giữa văn hóa và phát triển ở nhiều quốc gia. Xa rời giá trị đạo đức, sùng bái lối sống tiêu thụ,... là một số nguyên nhân có thể đẩy tới sự nhiễu loạn văn hóa, bột phát hành vi làm rối loạn xã hội. Như trong bài Xã hội Anh bị "nhà dột từ nóc" trên BBC ngày 15-8-2011, bàn về sự kiện xảy ra tại nước Anh lúc đó, tác giả đã viết: "Những vụ đốt phá, cướp bóc và bạo lực ở Anh trong tuần trước là kết quả của việc xói mòn đạo đức xã hội và sự tôn thờ vật chất. Ngài Nigel McCulloch, Giám mục Manchester, nói người Anh thuộc các tầng lớp, nguồn gốc và tuổi tác khác nhau đã bị lẫn lộn và không phân biệt được sự khác biệt giữa cái đúng và cái sai. Ông nói: "Kết quả là một văn hóa siêu tiêu thụ và cái tôi được đặt lên hàng đầu, nền văn hóa mà trong đó sở hữu vật chất được đặt lên trên việc quan tâm tới người khác và những tôn chỉ trong đó là đừng để bị bắt quả tang và đừng có tố lẫn nhau"... Một số báo Anh "buồn" rằng trong các vụ cướp bóc, không hề có ai phá và cướp hiệu sách mà chỉ tranh nhau lấy hàng hiệu và đồ đắt tiền... Ông Oborne nói văn hóa "tham lam và ngoại phạm" đã lan sang cả các lãnh đạo công ty và lãnh đạo chính trị cũng như cảnh sát và phần lớn giới truyền thông. Ông nói: "Không chỉ có giới trẻ hư hỏng mà cả nước Anh phải thay đổi tư cách đạo đức"...".

Không thể phủ nhận một thực tế là hiện nay ở Việt Nam đã và đang tồn tại nghịch lý giữa các quan điểm cơ bản về vai trò và sự phát triển văn hóa với sự triển khai, vận hành các quan điểm này trong thực tiễn văn hóa. Thiết nghĩ, thực tế này có nguồn gốc từ tình trạng các quan điểm đúng đắn về văn hóa ở tầm vĩ mô đã không được nắm bắt, thấu triệt, triển khai một cách hợp lý trong những hoạt động văn hóa trực tiếp, cụ thể. Nói cách khác, quan điểm đúng đắn đó đã được (hay bị) biến thành khẩu hiệu của người quản lý, lãnh đạo mỗi khi đề cập tới sự phát triển văn hóa hơn là hiểu biết về văn hóa một cách sâu sắc, có khả năng biến các quan điểm về văn hóa thành hiện thực. Hệ quả là trong quản lý, điều hành sự nghiệp phát triển văn hóa ở một số cấp cơ sở đã xảy ra tình trạng: nếu không dựa trên một số quan điểm cứng nhắc, thì cũng dựa trên quan niệm cảm tính, vai trò chủ thể trong văn hóa bị đánh đồng với vai trò lãnh đạo, quản lý...

Trước nhiều vấn đề đang nảy sinh trong đời sống văn hóa của xã hội, trong đó chứa đựng nhiều sự kiện - hiện tượng đáng phê phán, có thể đặt ra câu hỏi: Phải chăng, khả năng tự vấn trước khi hành động đã không còn giữ vai trò định hướng, chi phối hoạt động tinh thần của nhiều người trong chúng ta? Đó là câu hỏi không khó trả lời, nếu nhìn từ yêu cầu tự ý thức về văn hóa và nhu cầu noi gương. Cuộc sống đa dạng và phức tạp, càng phức tạp hơn khi xã hội đang phát triển giữa tác động nhiều chiều của toàn cầu hóa. Đây chính là lúc mỗi người, trước khi góp phần làm cho "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", thì trước hết cần phải làm như thế nào đó để văn hóa "soi đường" cho chính mình. Điều này trở nên quan thiết hơn đối với mọi cán bộ, đảng viên, đối với những cá nhân thường là tiêu điểm chú ý của xã hội như trí thức, văn nghệ sĩ... Nếu xã hội tạo điều kiện, khuyến khích sự ra đời của những tấm gương văn hóa, thì mỗi người cũng cần tự ý thức về hình ảnh của mình trước cộng đồng, tích cực hoạt động để truyền bá, làm cho các giá trị chân - thiện - mỹ trở nên phổ biến trong sinh hoạt xã hội. Làm như thế, là chúng ta đã góp phần hiện thực hóa nguyên lý "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/binh-luan-phe-phan/v-n-hoa-soi-ng-cho-qu-c-dan-i-1.379200