Dạy môn khoa học bằng tiếng Anh tại các trường học: Đi tìm qui chế chung

GiadinhNet - Việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh) trong trường phổ thông không phải là một việc “mới tinh” vì một số trường đã thí điểm thực hiện vài năm nay. Tuy nhiên, việc dạy - học vẫn dừng ở mức “tự thân vận động”. Giáo viên tự tìm tòi, chọn lựa giáo trình để giảng dạy, còn HS thì được quyền “tự chọn” tham gia hay không tham gia.

Giáo viên tự tìm tòi

Bà Phạm Thị Lệ Nhân- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Giáo viên phần lớn phải tự nghiên cứu các tài liệu, tự bồi dưỡng tiếng Anh để truyền đạt kiến thức đến học sinh trong khi không có chế độ phụ cấp hay hỗ trợ nên rất vất vả. “Dạy bằng tiếng Việt đã không đủ thời gian huống gì tiếng Anh nên kiến thức truyền đến học sinh (HS) ít nhiều bị thâm hụt. Nhiều HS có thể do tiếng Anh yếu nên cũng không chú tâm học lắm, cũng chưa có quy chế chung về cách thức kiểm tra đánh giá HS khiến giáo viên rất lúng túng”.

Thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2010-2020”, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường THPT nâng cao năng lực giảng dạy các môn khoa học tự nhiên Toán, Lý, Hóa, Sinh bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, sau vài năm áp dụng, chương trình đã sớm bộc lộ nhiều điểm yếu, các trường loay hoay với bài toán tìm kiếm giáo viên và nguồn giáo trình phù hợp, trong khi tiêu chuẩn đánh giá gần như chưa có.

Ông Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ về những ngày đầu thí điểm thực hiện việc dạy môn khoa học bằng ngoại ngữ: “Nhân lực giảng dạy là vấn đề khó khăn đầu tiên của chúng tôi. Giáo viên có tuổi, có chuyên môn nhưng không đảm bảo năng lực tiếng Anh. Giáo viên trẻ, có ngoại ngữ thì tay nghề non.

Trường chọn giải pháp ký hợp đồng với hai giáo viên trẻ vốn là du học sinh tốt nghiệp chuyên ngành Toán, Lý hai trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Để phân bổ giờ dạy phù hợp do hiện nay chưa có quy định riêng thời lượng giảng dạy tiếng Anh các môn khoa học cũng khó khăn, nên mỗi tuần trường cắt bớt 1 tiết dạy tiếng Việt để tăng cường dạy thêm các môn này bằng tiếng Anh.

Tiếp theo là khó khăn về giáo trình. Giáo trình giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay chưa có nên trường phải cử người sang học tập kinh nghiệm ở trường bạn, về biên soạn lại giáo trình cho phù hợp rồi mang lên Sở GD&ĐT nhờ các chuyên viên thẩm định, phê duyệt mới dám đưa vào sử dụng”.

Thầy Phan Huy Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Úc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Đòi hỏi cao nhất của chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài chính là giáo trình giảng dạy. Bên cạnh đó là chuẩn chất lượng chuyên môn của giáo viên nên cần thỏa mãn hai yêu cầu này mới thực hiện tốt.

Theo nhiều chuyên gia: Đòi hỏi cao nhất của chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài chính là giáo trình giảng dạy, bên cạnh đó là chuẩn chất lượng chuyên môn của giáo viên. Ảnh: P. N

Kéo gần khoảng cách của học sinh với bạn bè quốc tế

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT: Việc học môn khoa học bằng ngoại ngữ một phần để kéo gần khoảng cách của học sinh với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Việc này vẫn còn không ít bất cập cần gỡ rối. Ví dụ với môn Toán: “Mỗi một định nghĩa, khái niệm... tôi phải dạy đi dạy lại bằng tiếng Việt mà nhiều học sinh còn không hiểu, yêu cầu thầy giải thích rõ hơn, huống chi nói tiếng Anh...”

Ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết: “Thông thường tại các cuộc thi quốc tế, trưởng đoàn các nước dịch đề từ tiếng Anh ra tiếng nước mình. Đến giờ thi, thí sinh làm bài, suy luận và trình bày cách giải trong bài thi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Sau đó trưởng đoàn lại dịch bài giải của các em ra tiếng Anh. Như vậy, việc cho rằng HS nước ta do yếu ngoại ngữ nên đi thi quốc tế gặp khó khăn chưa hoàn toàn đúng”.

Theo nhiều giáo viên, việc dạy môn khoa học bằng ngoại ngữ trong các trường hiện nay chỉ mới dừng ở việc dịch lại kiến thức từ sách giáo khoa, kết hợp tham khảo một số nguồn tài liệu của nước ngoài mà chưa có quy định nào về thời lượng giảng dạy, nên mỗi trường triển khai một kiểu. Mặt khác, dù chương trình đang thí điểm, chỉ mang tính ngoại khóa giúp học sinh làm quen thuật ngữ chuyên ngành, cập nhật kiến thức khoa học bằng ngoại ngữ, nhưng việc thiếu giáo viên có tay nghề đã ảnh hưởng đến chất lượng học của học sinh.

Về điều này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng: Do đang thí điểm nên các trường còn gặp nhiều khó khăn. Riêng TP Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT TP sẽ xin chủ trương từ UBND TP để có những chính sách về phụ cấp, đào tạo, kinh phí cho giáo viên tham gia giảng dạy. Ngoài ra, Sở cũng sẽ lên kế hoạch tính toán lại về thời lượng, tài liệu, chương trình thống nhất và sẽ có các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các trường. Nếu thực hiện hiệu quả, Sở sẽ nhân rộng đến nhiều trường phổ thông khác trong những năm tiếp theo.

Theo nhiều giáo viên, việc dạy môn khoa học bằng ngoại ngữ trong các trường hiện nay chỉ mới dừng ở việc dịch lại kiến thức từ sách giáo khoa, kết hợp tham khảo một số nguồn tài liệu của nước ngoài mà chưa có quy định nào về thời lượng giảng dạy, nên mỗi trường triển khai một kiểu. Mặt khác, dù chương trình đang thí điểm, chỉ mang tính ngoại khóa giúp học sinh làm quen thuật ngữ chuyên ngành, cập nhật kiến thức khoa học bằng ngoại ngữ nhưng việc thiếu giáo viên có tay nghề đã ảnh hưởng đến chất lượng học của học sinh.

Nguyễn Hồng Vân

(Bộ môn Ngoại ngữ, Trường ĐH Mỏ- Địa chất)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/day-mon-khoa-hoc-bang-tieng-anh-tai-cac-truong-hoc-di-tim-qui-che-chung-2012123111521927.htm