Đau đớn những hành trình tiễn biệt con thơ

- Có nỗi đau nào lớn hơn khi cha mẹ phải bất lực nhìn con quằn quại trong những cơn đau vì ung thư đang từng ngày, từng ngày rời xa mình.

Ám ảnh đau đớn những cái chết con thơ Đã hơn 1 năm kể từ ngày bé Việt Dũng ra đi vì căn bệnh ung thư gan, nhưng với chị Thu Hiền (Hà Nội), 7 tháng chiến đấu cùng con giành giật sự sống từng phút là những tháng ngày hạnh phúc, đau đớn, khắc khoải mà cũng đấy nước mắt. Chỉ chưa đầy 2 tuần sau kỳ khám, đứa con trai duy nhất của chị mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối với tình trạng đã cực kỳ xấu, chỉ có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng (24/5/2008). Không giống với nhiều ông bố bà mẹ khi có con ung thư, luôn theo đuổi điều trị cho con tới cùng tại bệnh viện, chị Hiền đã đưa ra quyết định vô cùng khó khăn đối với tính mạng mong manh của con mình. Cho dù là "còn nước còn tát", nhưng ngay sau những ngày đầu tiên bước vào phác đồ hóa trị, khi Dũng có những biểu hiện không thể chịu đựng, chị đã quyết định đưa con về điều trị tại nhà. Chị thổn thức kể lại lý do: vừa là không muốn nhìn thấy con đau đớn quá sức chịu đựng vừa là muốn được gần con, muốn con được ở trong ngôi nhà đã gắn bó với nó hơn 10 năm qua. Ngày 3/11/2008, chị xin cho con được xuất viện về nhà điều trị. Những ngày tháng tiếp theo chị cứ âm thầm chuẩn bị tất cả cho cái ngày định mệnh sẽ đến, vì chị biết rằng Dũng sẽ chẳng thể ở lại lâu với bố mẹ, chị gái và những người thân trong gia đình. Trong thâm tâm người mẹ ấy, không bao giờ chị muốn con nghĩ mình là người có bệnh nặng và suốt những tháng ngày cuối cùng bên con, chị không bao giờ để con nhìn thấy mẹ khóc. Kể cả khi nghe những câu nói, những câu hỏi từng ngày của con như xát muối vào trái tim người mẹ: “Mẹ ác lắm! Mẹ chọc con đau lắm! Mẹ có phải lấy ven đâu mà mẹ biết con đau như thế nào!”, hay lại có những phút con vỗ về: “Mẹ cứ nằm xuống cạnh con ngủ đi, bao giờ con đau con gọi mẹ”. Chị nhớ lắm những đêm cuối cùng nằm ôm con, có những lúc con lả đi, nằm mê man trong giấc ngủ, những ngày ấy con sống chỉ là qua hơi thở yếu ớt, mệt mỏi chứ thực ra con đã không còn cảm nhận được gì. Chị vẫn không hề khóc, vẫn hát ru con bài mà con thích nhất: “Bài hát sáng tác dành cho mẹ Hiền, “Mẹ hiền yêu dấu” nhỉ!”. Đau đớn, nhưng cũng không có mấy người mẹ nào đủ can đảm như chị, khi trong những ngày cuối cùng ấy, chị ở lại một mình trong căn phòng của con (nơi đã được chuẩn bị làm phòng thờ nhưng vẫn tràn ngập những quả bóng bay, những tấm hình ngộ nghĩnh con thích) để viết điếu văn từ biệt con. Ngày 9/4/2009, khi đưa con vào nhà lạnh, chị mới thực sự gục đổ. Chân chị không thể đứng để bước ra khỏi chiếc xe chở xác con. Trong buổi tang lễ ngày hôm ấy, chị đã không thể dự trọn đám tang con, không thể nghe được những dòng điếu văn cuối cùng chính chị viết từ biệt con. Đến ngày đi nhận tro đứa con trai, chị vẫn không thể tin là chị đã mất con, chị cũng không tin đó là con chị. “Đứa con mình đã từng bế ẵm nuôi dưỡng suốt hơn 10 năm giờ đây ôm con lại chỉ là ôm 1 chiếc bình nhỏ xíu”. Khắc khoải giọt nước mắt muộn Không được chăm con khi con bị bệnh, không được ở bên con trong những ngày cuối cùng, nhắc đến đứa con gái đã ra đi cách đây 3 năm vì ung thư, chị Nguyễn Thị Ngữ (Hà Nam) chỉ biết nghẹn ngào, khóc nấc không nói được thành lời. Con chị đã ra đi rất nhanh chỉ sau 2 tháng điều trị bệnh ung thư tuyến tụy, khi mà chị vẫn làm giúp việc bên Đài Loan. Đến khi 100 ngày con gái, cũng là ngày chị hết hạn hợp đồng. Ngày trở về chị đã chết lặng trước nấm mộ của con. Nhìn lên tấm hình của đứa con gái 12 tuổi sau làn hương trầm nghi ngút, chị quằn quại trong nỗi đau, nghẹn ngào trong dòng nước mắt: “Mẹ không xứng đáng là mẹ của con…”. Những ngày này, đến Bệnh viện Việt – Pháp (Hà Nội) nhìn một bé gái 6 tuổi đã bị hôn mê sâu vì căn bệnh u não, mới thấy sự đau khổ tột cùng của bố mẹ em hiện là doanh nghiệp kinh doanh điện lạnh lớn nhất nhì Hà Nội. Từ khi đẻ con ra cho đến lúc con nhập viện, chưa một ngày hai anh chị thảnh thơi dành vài ba tiếng chơi với con. Giờ đây, khi nhìn con nằm đó với nhằng nhịt những ống thở, những bình dưỡng, bố mẹ em mới thực sự thấy ân hận. Trong những ngày con tỉnh táo, dù đã nhiều người khuyên gia đình nên đưa bé về điều trị tại nhà để có được những giây phút còn lại cuối cùng chăm sóc và gần con, nhưng anh chị đã kiên quyết thay nhau chăm con tại bệnh viện, để đến bây giờ khi nhìn con nằm đó không thể thoát ra khỏi giường bệnh nữa anh chị mới đau đớn. Hồng Khanh Kỳ 3: Ở đâu có sự sống, ở đó có hy vọng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/201009/Dau-don-nhung-hanh-trinh-tien-biet-con-tho-934297/