Đất nước lại vào Xuân!

Đất nước lại vào Xuân!

Hương đất và hương trời như có gì khác lạ. Thành công Đại hội Đảng XII như mở ra chân trời của khát vọng - chân trời của niềm tin đang ngời trước mắt!

1 Đất nước đi qua năm tháng chiến tranh, đi qua khó nghèo để vượt lên một Việt Nam sáng láng. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh cụ già tuổi ngoài 80, Xuân năm ngoái bắt thằng cháu đưa lên tận cầu Nhật Tân để ngắm thỏa mắt cây cầu như dáng rồng bay, như dải lụa vắt ngang sông Hồng. Ai hay trước thềm Xuân năm nay khi tổ máy số 1 của thủy điện Lai Châu đi vào vận hành, tôi lại ngắm nhìn đồng bào các dân tộc Tây Bắc chen chân vui như đi hội tận mắt xem tổ máy điện số 1 thủy điện Lai Châu vận hành! Mừng biết mấy, khi dòng điện đầu tiên của nhà máy thủy điện lớn miền Tây Bắc Tổ quốc Lai Châu, cùng với hai nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La đã cho đất nước một sản lượng điện khổng lồ hòa vào lưới điện quốc gia! Dòng sông Đà hung dữ giờ sức người ngự trị bắt nhả ra nguồn “vàng trắng”! Chả mấy nữa, 2 tổ máy của thủy điện Lai Châu hoàn thành, thì sông Đà trở thành một “trung tâm” sản xuất điện tới 6.500MW, cung ứng mỗi năm cho đất nuớc 25 tỷ KWh!

Mấy chục năm trước liệu ai dám mơ? Càng vui mừng, khi hai đường hầm chui mới Thanh Xuân, Trung Hòa vừa khánh thành ở đường vành đai 3 hy vọng sẽ giải tỏa tắc nghẽn ở hai nút giao thông nổi tiếng ở Thủ đô. Đất nước như mỗi ngày một khác. Ai nghĩ đất nước dài rộng những con đường cao tốc hôm nay ngược Bắc xuôi Nam? Ai nghĩ có cả những con đường xuyên dọc các tỉnh Tây Nguyên cho những đoàn xe nối nhau chạy với tốc độ 80 - 100km/h? Tôi cứ ngẫm ngợi với số người Việt sắm xe hơi nhiều như chóng mặt. Đến nỗi nhiều saloon ôtô không đủ bán, nhiều khách hàng phải đặt mua cả tháng mới nhận được xe. Đến nỗi nhiều chuyên gia kinh tế phải giật mình: Năm 2015 vừa qua người Việt bỏ ra đến 6 tỷ USD để nhập xe hơi từ các nước. Bất cứ loại xe sang chảnh đắt tiền nhất thế giới nào cũng đều có mặt ở Việt Nam. Nhiều khách nước ngoài nghe chuyện dân Việt sắm ôtô cũng phải “ngả mũ” về cái độ “chịu chơi” của người Việt. Ai hay con số 6 tỷ USD sắm xe hơi, thì 7 triệu tấn gạo, và hàng triệu tấn cà phê cả nước xuất khẩu năm qua vẫn chưa đủ.

Đất nước tăng trưởng GDP với con số quá đẹp 6,68%, ai đó gọi là con số “lộc, lộc phát”. DN và người dân giờ làm ăn thoáng đạt, sản xuất kinh doanh thoải mái hơn, được quyền kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Đó là cái cánh cửa mở ra cho những tư duy đổi mới, mở ra tầm nhìn cho những người biết mở hướng làm ăn. Đó là cơ hội cho những người có “cái đầu” kinh doanh, biết lăn lộn thử thách với rát bỏng của thương trường. Nhiều người thành “đại gia” tiền bạc ngút ngát, nhà đất bao la, biệt thự sang trọng, đến “người tây, trời tây” còn phải chạy dài! Chả thiếu những cặp vợ chồng trẻ hiện đại chả cần đến cái danh “đại gia”, mà cũng chả thua gì đại gia. Cũng xe hơi sang trọng năm ba tỷ, cũng xài hàng hiệu, cũng du lịch thỏa thích “tây tàu” chả thiếu đâu, cũng đặt chân cả trời Âu đất Mỹ. Mấy chục năm trước cuộc sống giàu sang như thế ai dám ước, dám mơ?

2 Nhưng nhìn lại thì số người sống “thời thượng” trên thưng này cũng chỉ là số ít. Hơn 90 triệu dân liệu được bao người có cuộc sống thượng lưu như thế? Đi dọc các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, len lỏi bàn chân đến các miệt vườn đồng lúa miền Tây Nam bộ, xắn cao quần trong mùa nước nổi, mới thấy nơi đất lúa bạt ngàn, nơi cá tôm chả thiếu, nơi cây trái đủ thứ sum suê, mà nhiều người dân ta vẫn cứ quay trong nghèo khó. Lên các tỉnh Tây Nguyên đi trong rừng bạt ngàn cao su, trong bát ngát nương rẫy cà phê, hồ tiêu, câu chuyện với cô bác còn quá nhiều ưu tư, ngẫm ngợi. Quay về TP.HCM, Hà Nội nhìn đường trên cao, đường hầm chui dưới lòng đất, ngắm đến hoa mắt biệt thự sang trọng, nhà liền kề san sát, cao ốc chọc trời xanh, mà như ngỡ ngàng. Nhưng nhìn sâu vào cái chen chúc chật chội, trong bao đầy đủ, dư thừa, vẫn le lói nhiều chuyện không thể chỉ có vui.

Xuân về như làm cho lòng người lắng lại những nghĩ suy. Đất nước với bao chuyển động trong cái sự thừa, sự thiếu. Nghĩ xem: Thời bao cấp chưa xa, động đến cái gì cũng thiếu, mới thấy cái đủ đầy dư dả hôm nay quý nhường nào. Chợ hoa Tết tấp nập. Siêu thị, trung tâm thương mại chen chân người mua sắm. Trai thanh, gái tú giờ ăn vận thời trang đủ mốt. Chả mấy cô cậu không cập kè trên tay cái iPhone 6s! Nhưng trong cái dư dả, vẫn hiện lên gương mặt ai đó đầy nét ưu tư.

Tết cận kề, Tết về đến ngõ, mà “chợ lao động” góc dốc Bưởi vẫn xúm xít mấy chục người đứng chờ trong cái rét cuối đông. Đủ cả lứa tuổi, đủ cả đàn ông đàn bà ngóng chờ người thuê, mong có thêm đồng tiền lo Tết nơi quê. Mỗi khi có cái xe máy táp vô, là cả đám người ào ạt chạy xô ra: Chú cần làm gì, cô cần dọn dẹp nhà, hay có việc gì bọn tôi làm được hết!

Họ là ai? Đó là những người từ quê ra mong kiếm đồng tiền cho Tết. Góc đường một bác già, tôi sà đến hỏi chuyện, bác bảo Tết tới tôi 70 Xuân rồi! Trời, tuổi này mà bác vẫn lặn lội mưu sinh. Biết làm sao chú ơi, tôi quê Nam Định, nơi có thành phố Dệt với chợ Viềng và đền Trần nổi tiếng năm nào cũng chen chân người tứ phương lũ lượt về “mua ấn, xin ấn” đó. Nhà máy Dệt giờ teo tóp, dân có việc đâu. Tuổi tôi mà còn để cho “trời hành” kiếm miếng cơm là cực lắm! Thế con cái bác đâu? Ôi cảm ơn, có lời thăm hỏi, “giời cho” tôi con cái trai gái đủ cả. Nhưng chúng nuôi vợ con không xong, thì sao “ôm” thêm được cái thân già này?

Mới thấy trong ngổn ngang bề bộn của đời sống xã hội hôm nay, người quá giàu, bên người còn nghèo chả thể không chạnh lòng. Hôm trước dạo quanh con phố xe hơi bóng loáng xếp cả dãy dài. Thì ra đám cưới con trai của một “tay buôn” đường dài cỡ một “đại gia” đang phất lên như diều nhờ chạy hàng từ biên giới mươi năm nay! Cô dâu xinh đẹp người quê mãi nơi đất biển Nam Định, học đại học ra trường mấy năm chả xin nổi việc, may gặp được con trai ông chủ buôn giàu có. Khổ nỗi con trai ông chủ giàu, dáng thì to cao, nhưng lại mắc cái chứng ngẩn ngơ. Mấy bà mấy chị cùng phố cứ thì thầm to nhỏ: Thật là “chuột sa chĩnh gạo”. Nhưng cũng có người chép miệng: Phí hoài con bé xinh đẹp, chả thua gì hoa hậu mà “ôm” cái thằng chồng ngẩn ngơ, tội nghiệp… Chả biết có tội nghiệp hay không, nhưng cô gái xinh đẹp này đã lăn lộn với đèn sách 4 năm trời mới cầm được cái tấm bằng cử nhân. Nhà cô vào loại khá giả. Nhưng cả 4 anh chị em cô đều học đại học, bao bạc tiền cha mẹ cô đổ vào sự học cho đàn con. Thành ra cái khá giả người quê cứ hút heo, teo tóp dần. Từ trung lưu, giờ gia cảnh dần khánh kiệt! Học xong đại học cô làm cả mấy tập hồ sơ nhưng chỗ nào cũng ra điều kiện: Phải qua làm việc thực tế 2 năm! Quả là các nhà tuyển dụng như đánh đố nhau, sinh viên vừa chân ướt chân ráo ra trường, thì sao có kinh nghiệm, với cái thời gian 2 năm cho được! Không xin nổi việc, nên cô đi bán hàng cho một shop thời trang. Chả hiểu duyên trời hay định mệnh? Cũng bởi ở cái cửa hiệu shop thời trang này, mà cô quen ông chủ buôn bán đường dài “đánh” đủ thứ áo quần, hàng hóa Trung Quốc cung ứng cho các shop và chợ đầu mối. Từ câu nửa đùa, nửa thật “Cháu về làm con dâu chú”! Lân la đủ chuyện trên giời dưới đất, thế là chỉ thời gian ngắn cô gái gật đầu! Gật đầu lấy chồng phó mặc cho số phận nên mới có cái đám cưới với đoàn xe nối dài cả dãy phố hôm nay! Chả biết kiếp con người có cái “duyên phận” ông trời xếp đặt chăng? Ông bố chồng tương lai của cô ngay hôm đường dài rong ruổi về tận nơi đất biển đặt cơi trầu chạm ngõ, đã nói thẳng với thông gia: Cháu nó về làm dâu gia đình tôi, khỏi lo chạy biên chế, xin việc Nhà nước làm gì, thời buổi khó khăn, người đông việc hiếm, cứ làm ngay “DN nhà” là thượng sách, là sống khỏe! Có lẽ cô cử nhân này còn may chăng, lấy được chồng phố, lại chả lo chạy chọt xin việc nữa? Giật mình nghĩ: Còn cả trăm ngàn cử nhân khắp trong đất nước này, ra trường bao năm còn dài cổ cả kia? Dẫu sao cô gái cũng là người hạnh phúc!

3 Hình như ông trời cũng có ý co kéo cái sự khập khiễng “kê” cho bằng lại chăng? Nhưng bao nhiêu người giàu lên trong thời mở cửa, bao nhiêu người như nghèo đi trong cái rát bỏng của cơ chế thị trường? Bất giác tôi lại nhớ về những ông chủ cá tra miền sông nước Nam bộ mà tôi đã gặp. Mươi năm trước vào thời 2005 - 2006, thôi thì chỉ mở vài ao hầm cá tra là giàu có ngất ngư. Cứ làm ra trăm tấn cá tra là bỏ túi tiền lời ngon ơ nửa tỷ bạc rồi. Thế nên cả miền Tây Nam bộ, nhà nhà thi nhau mở hầm ao thả cá tra, chả cần biết trời đất là chi. Nhưng rồi, mua bán giành giật cạnh tranh nhau từ cung ứng thức ăn, cho đến cả khi cá bán đi. Thôi thì chỗ nào, khâu nào cũng đâu dễ “qua mặt” được “cò cá”. Thôi thì “cò” chê, khen cá tra mỡ trắng, mỡ vàng để ép loại, ép cân đủ mánh lới chiêu trò. Các nhà máy thủy sản được đà như bắt bí nhà nông. Tiền bán cá chịu khất tùm lum. Nhiều chủ cá tra “ngã theo tay” khi đại gia thủy sản thu mua cá không chịu trả tiền, vì “đại gia” tung tiền sang kinh doanh BĐS lỗ chỏng vó kia! Có đại gia nợ tới nợ lui các ngân hàng, và người bán cá “cao chạy xa bay” ra nước ngoài lặn mất tăm! Mới thấy cái thời “hoàng kim” của các ông chủ cá tra miền Tây đâu còn nữa. Giờ là méo mặt, càng mở rộng ao hầm, càng nuôi nhiều càng nhanh trắng tay! Tôi nhớ mãi lần gặp ông chủ cá tra nổi danh Tư Nhỏ. Tên thì gọi là Nhỏ, mà người cao to lừng lững, da đen bóng như người tây, nặng trên một tạ. Được cái, ông chủ dễ gần, nói chuyện giọng nhỏ nhẹ thủ thỉ mà như cởi lòng: Tôi là chủ xe khách đường dài Long Xuyên - Sài Gòn, nắm trong tay cả chục xe đó. Nhưng cứ nghĩ cảnh công an “toét còi” giơ gậy phạt, không “bắt lỗi” này thì “bắt lỗi” khác, tức nổ ruột vẫn đành “giơ tay chịu trận”. Chán cái van lạy, cái đếm tiền phạt, nhiều khi vô lý mà bỏ nghề về vui với hầm ao nuôi cá. Cái nghề cá tra này được lắm. Cứ mỗi năm “chơi” 7 - 8 ngàn tấn cá là sống khỏe đó chú ơi. Nhưng gần đây gặp lại, thì gương mặt ông chủ cá Tư Nhỏ trĩu buồn: Trắng tay rồi, vì bà chủ DN thu mua cá vác cả tiền vay ngân hàng, tiền nợ cá của tụi tôi “chạy làng” biệt tăm! Càng thấy “thiên thời địa lợi” mà “nhân không hòa”, thì có lăn lê bò toài ra làm cũng ngã ngựa như chơi! Càng hiểu thời vận, càng tỏ cái giàu nghèo ranh giới chỉ trong gang tấc.

Đất nước vào Xuân, lòng người náo nức! Ai cũng mơ, cũng khát vọng đời sẽ sang trang. Càng hiểu con đường hội nhập kinh tế phía trước còn ngổn ngang thách thức. Nhưng Đảng quyết tâm đổi mới, Chính phủ có chiến lược tư duy dài xa, và người dân đồng lòng thì chả khó khăn nào không vượt.

Nhưng nghĩ đến cùng: Cái cần vượt lại từ chính mỗi con người phải vượt lên chính mình. Từ cán bộ quyền chức đến người dân phải cùng chí hướng. Phải chặn nạn tham nhũng quyết liệt, tiến công mạnh vào thói vô cảm của công chức có quyền. Không thể chấp nhận nổi chuyện làm khổ 72 hộ dân ở An Dương - Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) trong cái dự án 16 năm trời khắc khoải trong treo chờ. Nhà hỏng nát người dân không dám làm, di dời thì chả biết đi đâu về đâu? Chỉ khi ông Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh xuống đối thoại trực tiếp với dân, mới tóe loe chuyện ông Phó chủ tịch Hà Nội còn buông lời đe dân, dọa dân: “Nhà nước không thiếu tiền thuê xe ủi san lấp”! Nhìn xem: Từ “bản doanh” của chính quyền Hà Nội xuống đến cái phường An Dương - Yên Phụ là mấy đường, mà cơ quan trách nhiệm đến với dân xa như đi từ mặt đất lên cung trăng thế nhỉ(?). Việc khiếu kiện của dân ngay giữa Thủ đô để kéo dài đằng đẵng 16 năm như thế, dân chạy tới lui thế, thì lãnh đạo chính quyền Hà Nội nói gì đây? Càng không thể chấp nhận nổi một cán bộ hải quan bị kỷ luật ở An Giang, chả hiểu chạy chọt ai, chạy kiểu gì vẫn lại “chễm chệ” cái ghế hải quan béo bở ở sân bay Tân Sơn Nhất! Mấy chục cái phong bì chứa đến bạc tỷ, vị cán bộ làng nhàng trong ngành hải quan này có được trong 5 ngày do nạt nộ, nhũng nhiễu các DN mà có, thì ông Bộ trưởng Tài chính nói gì đây? Liệu chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, hay là cả dây dợ o bế níu kéo nhau hành DN như thành lệ của ngành hải quan đây đó giờ mới lòi ra?

Càng thấy phải “đột phá” mạnh hơn vào cơ chế, thể chế, vào cách hành xử vô cảm cậy uy quyền nạt dân, dọa dân không còn phù hợp, mới mong đất nước rộng đường Xuân!

Tôi ngồi bên ly cà phê chiều cuối năm! Năm nào những ngày trước Tết trời cũng hun hút gió! Gió như thổi về trời những hư vô, những cảnh đời còn khó nghèo bươn bả với “cơm áo gạo tiền” để mơ về một mùa Xuân tươi đẹp. Tôi nhìn từng giọt cà phê tí tách rơi như đếm thời gian. Ngoài kia dòng người đi sắm Tết, hình như ai cũng vội!

Bút ký của Đỗ Quang Đán

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/dat-nuoc-lai-vao-xuan.html