Đằng sau vụ Trung Quốc “ngắm bắn” tàu Nhật

Thông tin về việc Hải quân Trung Quốc chĩa radar tên lửa về phía một tàu chiến Trung Quốc vừa được tung ra gần đây đã cho thấy cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước ở biển Hoa Đông đang ngày càng bị “quân sự hóa”. Những động thái quân sự kiểu như trên có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột tóe lửa bất kỳ lúc nào.

-
Trong bối cảnh giới lãnh đạo ở Tokyo và Bắc Kinh được cho là đang có những bước đi nhằm giải thỏa căng thẳng thì thông tin về vụ tàu Trung Quốc nhắm bắn tàu Nhật Bản được xem là một “phát súng” khơi mào trở lại cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á.
Trong những phát biểu đầu tiên về sự việc xảy ra hồi tháng trước nhưng mới được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ hôm 5/1, tân Thủ tướng Shinzo Abe đã lên án gay gắt Bắc Kinh về cái gọi là “hành động nguy hiểm” của chính sách bên miệng hố chiến tranh.
“Đó là một hành động đơn phương, mang tính khiêu khích và cực kỳ đáng tiếng”, ông Abe phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. Ông này nói thêm rằng: “Tôi kêu gọi Trung Quốc hãy kiềm chế để tránh tình hình leo thang một cách không cần thiết”.
Trước đó, hôm 5/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết, tàu chiến của Trung Quốc đã hai lần chĩa radar tên lửa vào tàu chiến và máy bay của Nhật Bản. Giới lãnh đạo quân sự coi bước đi này của Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, mang tính đe dọa cao bởi nó có thể là dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc tấn công.
Ông Hua Chunying, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua (6/2) đã phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Bắc Kinh rằng, họ “không hề biết” về sự việc tàu Trung Quốc “ngắm bắn” tàu Nhật Bản ở vùng lãnh hải quốc tế thuộc biển Hoa Đông, không xa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là mấy. Một số chuyên gia Nhật Bản hiểu rằng, tuyên bố của ông Hua chứng tỏ quân đội Trung Quốc chứ không phải chính phủ nước này, quyết định có hành động thách thức lực lượng Nhật Bản trên biển.
Theo các nhà phân tích, vụ đụng độ mới nhất giữa tàu chiến Trung Quốc và Nhật Bản là một dấu hiệu đáng lo ngại về tình hình quân sự hóa cuộc tranh chấp giữa hai nước xung quanh một quần đảo ở biển Hoa Đông.
Cách đây vài tháng, cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ được thể hiện bằng trò “mèo vờn chuột” giữa tàu cá Trung Quốc với tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản. Giờ đây, cuộc tranh chấp này đã chứng kiến những cuộc vờn đuổi, gầm ghè, đối đầu nhau giữa máy bay chiến đấu, tàu chiến, tàu khu trục của hai nước. Diễn biến này đã đẩy nguy cơ bùng phát xung đột ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản tăng lên gấp nhiều lần. Chỉ cần một động thái tình cờ, một sự phán đoán sai lầm của một viên phi công hay thuyền trưởng một con tàu cũng có thể mờ màn cho những hành động thù địch.
“Hiện tại, quân đội hai nước đang đối đầu trực diện với nhau. Đây là một tình huống hết sức nguy hiểm”, ông Yoshiki Mine, một cựu nhà ngoại giao Nhật Bản và hiện đang là một nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, nhận định. “Rất khó để giải quyết vấn đề bởi chúng ta không thể chắc chắn ai đang đưa ra các quyết định ở Trung Quốc”.
Những người theo dõi các diễn biến quân sự ở Trung Quốc cho biết, vụ việc trên chắc chắn xảy ra giữa tàu chiến thuộc Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc đang trên được thực hiện cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương với các tàu Nhật Bản đang giám sát những con tàu Trung Quốc. Một nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc cho biết, các tàu của Hải quân Nhật Bản thường xuyên theo dõi, bám đuổi theo các tàu của Hải quân Trung Quốc ở các khu vực eo biển nằm giữa các dãy đảo Nhật Bản.
Theo ông Shi Yinhong – một chuyên gia về quan hệ quốc tế ở trường Đại học Renmin, vụ tàu Trung Quốc chĩa radar tên lửa vào tàu Nhật bản cho thấy, cuộc đối đầu giữa hai nước này đã leo lên tới một mức độ “chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột ngay trước mắt”.
Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã làm ảnh hưởng lớn đến thương mại song phương giữa hai nước, châm ngòi cho những cuộc biểu tình chống Nhật ở Trugn Quốc và có nguy cơ lôi kéo sự tham dự của Mỹ - đồng minh quân sự của Nhật Bản. Bà Victoria Nuland – nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm 5/2 cảnh báo, vụ đối đầu giữa tàu chiến Trung Quốc và Nhật Bản có thể làm “leo thang căng thẳng” và dẫn đến những “tính toán sai lầm”.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ giữa hai cường quốc Trung - Nhật thường xuyên rơi vào sóng gió. Cuộc tranh chấp này đã leo thang nghiêm trọng kể từ sau khi Tokyo mua lại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Kiệt Linh - (theo FT)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_705626/dang_sau_vu_trung_quoc_ngam_ban_tau_nhat.html