Dân chủ trường học giúp học sinh chủ động, sáng tạo

Giáo dục Mỹ là nền giáo dục hiện đại và có đặc trưng dân chủ cao, được thực hiện ở 4 khía cạnh căn bản.

Giáo dục Mỹ là nền giáo dục hiện đại và có đặc trưng dân chủ cao, được thực hiện ở 4 khía cạnh căn bản.

Đầu tiên, người học được quyền chọn lựa và quyết định việc học của mình. Giáo dục phải bắt đầu từ nhu cầu, sở thích của người học. Nhà trường cho phép người học được lên kế hoạch học tập phù hợp với từng cá nhân. Cụ thể, HS được chọn môn học và chọn giáo viên. Ngoài các môn bắt buộc, HS có quyền đăng ký môn tự chọn và thời gian học theo nhu cầu, trình độ và điều kiện của mỗi người. Chương trình THPT ở Mỹ thực hiện học theo học chế tín chỉ. Do đó, HS có thể đăng ký học tín chỉ nào đó ở trường khác nếu trường đang học chưa giảng dạy tín chỉ đó.

Kế đến, dân chủ trong giáo dục nghĩa là HS được tham gia tích cực vào quá trình học của mình. HS là nhân vật trung tâm và đóng vai trò tích cực, chủ động trong quá trình học. Ở các trường phổ thông của Mỹ, HS là người đưa ra nội quy lớp học chứ không phải nhà trường. Nội quy lớp rất khác nhau, tùy theo đặc trưng và yêu cầu riêng của từng lớp.

Mục tiêu của tất cả các trường không chỉ là để làm tốt bài kiểm tra mà giúp HS học cách học - "learn how to learn". Nhiều trường ở Mỹ thường dạy theo các môn học/chủ đề tích hợp. Chẳng hạn, trong giờ học môn nghệ thuật ngôn ngữ - "Language Art", HS sẽ thảo luận nhiều môn học khác nhau liên quan đến câu chuyện trong sách, như lịch sử, địa lý, chính trị, mỹ thuật. HS làm dự án theo nhóm, nghiên cứu sâu từng chủ đề và trình bày với các nhóm khác. Phương pháp giáo dục này nuôi dưỡng trí tưởng tượng, sự tò mò và óc sáng tạo của HS. HS đi thực tế, học cách nghiên cứu, phân tích, tổng hợp các kiến thức để có thể giải quyết các vấn đề cuộc sống hằng ngày. Giáo viên là người hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ. Việc đánh giá chủ yếu phản ánh sự nỗ lực và tiến bộ, kỹ năng làm việc độc lập, hợp tác của HS hơn là bài kiểm tra theo chuẩn đánh giá.

Thứ ba, dân chủ là tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và trách nhiệm. Ở các trường công lập, HS từ mẫu giáo đến lớp 12, kể cả HS không có quốc tịch Mỹ đều được miễn học phí. Các nhà giáo dục phải đảm bảo rằng những trẻ em thiệt thòi, vì lý do kinh tế, màu da, dân tộc, ngôn ngữ đều được có quyền nhận nền giáo dục có chất lượng cao và tham gia vào xã hội dân chủ. Quan điểm mọi người đều bình đẳng và có trách nhiệm như nhau nên ở các lớp học hầu như không có lớp trưởng. Thay vào đó, HS thay nhau làm nhóm trưởng (facilitator) để điều hành hoạt động của các nhóm trong các trường học.

Cuối cùng, dân chủ nghĩa là người học phải được thể hiện ý kiến của bản thân. HS được khuyến khích trình bày ý kiến của mình, có khi khác với ý kiến của giáo viên. Lớp học thường tổ chức theo phương pháp tranh luận.

John Dewey, nhà giáo dục đầu thế kỷ 20 của Mỹ, cho rằng: "Học đường không phải là nơi chuẩn bị cho cuộc sống mà là cuộc sống". Chính quan điểm này cùng với các tư tưởng dân chủ trong giáo dục đã giúp cho HS, ngay từ cấp tiểu học, đã biết chủ động trong học tập, góp phần tạo ra những công dân biết tự lập, tư tin và tự trọng.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/dan-chu-truong-hoc-giup-hoc-sinh-chu-dong-sang-tao-603963.html