Dám thay đổi để thành công

Suốt gần 10 năm qua, với cương vị Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) - ông Nguyễn Quốc Cường lúc nào cũng sục sôi, tâm huyết; những tâm sự, những tổng kết của ông luôn nóng hổi thời sự “tam nông”, trăn trở về sự thay đổi của người ND thời hội nhập.

Căn bếp, thửa ruộng, cầu ao

Thưa Chủ tịch, nhiều năm qua trên diễn đàn chính trị, xã hội, Chủ tịch đã đưa ra nhiều đóng góp, ý kiến phản biện, nổi bật là đúc kết “5 nhất” của người ND mà nhiều người e ngại không nói ra. Bây giờ, với ông những trăn trở về tam nông là gì?

. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015. Ảnh: Lê Hữu Thọ

- Căn bếp, thửa ruộng, chiếc cầu ao chỉ có ở nông thôn, gắn chặt với người ND trong cuộc sống thường ngày, nó tồn tại hàng ngàn năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự thay đổi của bếp, ruộng, cầu ao cũng là một số đo về kết quả, sự tiến bộ của sản xuất, bữa ăn, đời sống đến sinh hoạt cộng đồng. Với sự thân thuộc ấy, ở nông thôn dường như chỉ thấy chiếc cầu ao – lạc hậu là mất đi nhanh nhất. Còn căn bếp, thửa ruộng, tuy có đổi thay nhiều về hình thức, chất lượng, nhưng nhìn chung vẫn là chậm chạp. Bữa ăn của người ND vẫn ít thịt, nhiều rau. Trên luống cày, người ND vẫn áo đẫm mồ hôi, vẫn được mùa rớt giá, đôi khi mất cả giá lẫn mùa.

Đất nước 40 năm hòa bình, thống nhất, đã gần 10 năm gia nhập WTO, những “năng lượng xanh” mà trời đất ban cho như: Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ, châu thổ sông Hồng, cao nguyên Mộc Châu..., cùng với trí thông minh, cần cù và sáng tạo của người ND là điều kiện để làm cho nông nghiệp, nông thôn hiện đại hóa, trở thành vựa lúa, rau, hoa, củ quả, thực phẩm... cung cấp vào bếp ăn của các quốc gia trên thế giới. Bây giờ điểm lại, thấy chúng ta đã chậm, nhiều việc dùng dằng làm lỡ thời cơ. Tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chập chờn; đời sống người ND so với trước kia đã khá hơn “một trời một vực”, nhưng so với mặt bằng chung thì vẫn thấp, ND vẫn: Đông nhất, nghèo nhất, nhiều bức xúc nhất, hy sinh đóng góp nhiều nhất, nhưng... hưởng lợi từ thành tựu đổi mới thì lại ít nhất – đây là một thực trạng buồn!

Nghề làm ruộng đang giảm sự hấp dẫn với ngay cả những ND “cha truyền con nối”, vì so với các nghề khác thì nông nghiệp vẫn rủi ro cao, hiệu quả thấp, khó kiếm tiền. Có thể ví hình ảnh nghề làm ruộng như vườn cây đã hết trái to, ngon ở dưới, chỉ còn những trái trên cao khó hái!

Theo dõi sát sao tình hình nông nghiệp, nông thôn, ND, Chủ tịch nhận thấy đâu là những cản ngại cho sự phát triển của các lĩnh vực này?

- 30 năm đổi mới, với nhiều chính sách hỗ trợ, nông nghiệp đã tăng trưởng bình quân 3,7%/năm, đóng góp hơn 18% GDP cho đất nước. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 70% những năm 90, còn khoảng 47% hiện nay. Phong trào xây dựng nông thôn mới mấy năm qua đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ... Dù ai khó tính đến đâu cũng phải thừa nhận đây là thành tựu to lớn.

Song cũng còn nhiều điều phải ngẫm nghĩ: Chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đã thực hiện khá lâu, nhưng tới nay cơ bản vẫn manh mún, cản trở doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, những chính sách “tháo gỡ” cho nông nghiệp, nông thôn thì cái cần “gỡ” vẫn chưa “gỡ” triệt để; chính sách phát triển lại bung ra quá nhiều, nhưng thiếu hiệu quả, chưa thành một hệ thống bổ sung, tương hỗ lẫn nhau cho tăng giá trị sinh lời.

Trong nhiều chính sách, dường như bóng dáng người ND chưa thấy hiện diện trên các điều kiện đàm phán. Và thực tế, sự mở cửa nhanh trong lĩnh vực nông nghiệp bên cạnh những thuận lợi tận dụng được thì cũng có những khó khăn ngày càng gay gắt cho ND. Với những hiệp định đã ký kết khi gia nhập WTO, chúng ta cũng chưa tận dụng tốt những nhượng bộ mà các nước dành cho nông nghiệp, ND như các loại trợ cấp được phép (trợ cấp cho đào tạo; khuyến nông, tư vấn; kiểm tra sản phẩm vì mục đích sức khỏe con người; tiếp thị, thông tin thị trường; kết cấu hạ tầng nông nghiệp...). Ngược lại, các cam kết giảm thuế nhập khẩu nông sản, lại nhanh chóng được các đối tác nước ngoài tận dụng: Kết quả là thị trường trong nước xuất hiện ngày càng nhiều thịt bò, thịt gà và đủ loại nông sản ngoại giá rẻ, làm người sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh.

Dám thay đổi để thành công

Khối ASEAN đã thành thị trường chung, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang rất gần, cũng đồng nghĩa với thời khắc lịch sử đang yêu cầu thay đổi, những điều quý giá chỉ dành cho những người hối hả và quyết định kịp thời. Với ND, theo Chủ tịch thì họ cần những thay đổi gì?

-Thay đổi là điều chính yếu của cuộc sống, nếu không đổi mới ND không thể trưởng thành hơn. Điều đó cũng giống như hạt giống cần hấp thụ nước mới nảy mầm. Cái chồi ấy phải xuyên qua lớp đất khô cằn, sỏi đá để vươn lên mạnh mẽ, đón lấy ánh nắng mặt trời, để lớn lên trở thành một cây xanh tốt, khỏe mạnh. Thay đổi mang đến cho người ND những cơ hội để thành một người mới, khác xa với hình ảnh người ND cũ vác cuốc ra đồng, còng lưng cấy lúa, hay lóc cóc đẩy chiếc xe thồ trên con đường làng quanh co... Thay đổi là họ dám hòa chung vào con đường cao tốc. Trên con đường ấy, nghề nông cũng chuyên nghiệp như nghề lái xe: Nắm vững Luật Giao thông, có kỹ năng, kiến thức, sức khỏe làm chủ phương tiện, linh hoạt trong xử lý các tình huống trên đường.

Hội nhập – Đòi hỏi phải thay đổi cách làm cũ, không thể cứ làm ra thật nhiều, bán thật rẻ, bởi làm như vậy sẽ tự hại mình, vì càng làm ra nhiều thì giá càng xuống thấp. Nông sản bán rẻ thì người tiêu dùng được lợi, chỉ số lạm phát thấp, nhưng ND thì kiệt quệ. Nghịch lý là thế, nên thay đổi cần trước hết là ở cấp chiến lược, phải tiến vào các thị trường mới bằng chất lượng của nông sản Việt Nam. Phải thay đổi cách tổ chức, hệ thống thị trường trong cả nước để kết nối sản xuất nhỏ với nền sản xuất lớn, với thị trường toàn cầu hóa theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh và các bên cùng hưởng lợi.

Để kích thích thay đổi về tư duy và hành động của người ND, giao thông cũng là một trong các vấn đề cần bàn. Ví dụ, người Mỹ trước đây khi muốn khai thác nông nghiệp vùng California thì việc đầu tiên là người ta xây đường sắt đến đó, người Nga muốn tiến vào Siberi xa xôi thì đầu tiên cũng phải xây đường sắt. Mà trong giao thông thì đường sắt có hiệu quả cao. Nhưng ở Việt Nam, cả vùng Tây Nguyên sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn như vậy, đồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất nông nghiệp tốt nhất Đông Nam Á, nhưng không có một mét đường sắt nào! Nhìn vào sự chậm chạp lưu thông trên các con đường Bắc - Nam, chúng ta sẽ hiểu, vì sao giá quả dưa hấu ở Quảng Nam so với ở Hà Nội lại chênh lệch cao như vậy? Vì sao, giá thành của nông sản Việt Nam cao ngất ngưởng so với Thái Lan, Philippines, Malaysia...Thế nên, không thay đổi thì làm sao bán hàng với giá cạnh tranh được!

Với người ND, phải thay đổi một cách căn bản, từ cách nghĩ sản xuất ra sản lượng nhiều sang sản xuất hàng có giá trị cao, và sản xuất ra mặt hàng thế giới mong muốn nhất. Không phải làm cái dễ nhất, mà là làm cái mình có lợi thế cạnh tranh nhất. Vậy thì, ND mỗi vùng miền, mỗi địa phương hãy chọn ra một vài sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh để hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu theo tiêu chuẩn quốc gia, để bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu để có giá trị sinh lời cao. Về lâu dài, sự thay đổi lớn nhất của người ND là có được “Mẫu hình người nông dân mới – thời hội nhập”, với 5 tiêu chí: Nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, quyết tâm mới và có thu nhập mới.

Hãy hành động

Mùa Xuân - Mùa sinh sôi, nảy nở, ai cũng muốn tương lai tròn hạnh phúc. Chủ tịch có câu chuyện nào về “dám thay đổi để thành công” cùng bạn đọc báo NTNN?

"Với tôi, sự thay đổi lớn nhất, khó nhất của người ND là tư duy. Hãy bỏ tư duy sản xuất chỉ để đủ ăn, đủ mặc... sang tư duy sản xuất để ăn ngon, mặc đẹp và làm giàu!”.
Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường

- Những năm 1964 – 1968, sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc chỉ có 2 vụ Chiêm, mùa. Mỗi vụ lúa dài hơn 4 tháng, năng suất khoảng trên dưới 1 tạ/sào. Để có lương thực cho bộ đội chiến trường “ăn no – đánh thắng”, Đảng chủ trương rút ngắn 2 vụ lúa, thêm 1 vụ đông và đưa khoa học kỹ thuật tới ruộng đồng...; đã tạo nên bước đổi thay lịch sử: Nhà khoa học lai tạo thành công giống lúa ngắn ngày. ND cấy mạ non, cấy ngửa tay, cấy giăng dây thẳng hàng, làm cỏ bằng cào sục bùn... Đúng như mong ước, lúa năng suất cao gấp 1,5 - 2 lần, rút ngắn mỗi vụ được 20 ngày, dành đất cho sản xuất vụ đông, phục vụ ngành chăn nuôi. Kháng chiến chống Mỹ thành công, có sự đóng góp lịch sử của ND, nông nghiệp, nông thôn.

Ông Võ Trung Thành ở Hậu Giang, từ tình cờ phát hiện trái bưởi bị kẹt có hình dáng lạ mắt, đã gợi cho ông tạo hình mới trái bưởi Năm Roi. Sau 3 năm, ông Thành cho ra thị trường “Bưởi hồ lô”, bưởi “Phúc, Lộc, Thọ”, giá bán cao gấp 10 – 15 lần trái bưởi thường. Từ bỏ ước mơ làm công chức Nhà nước, anh Nguyễn Sỹ Luận (Mỹ Đức, Hà Nội) xin thầu lại 10ha đất bỏ hoang, ”cắm” sổ đỏ để vay vốn xây dựng trang trại nuôi lợn, đến nay lợi nhuận thu về 3 tỷ đồng/năm.

Còn hội nhập, chuyện xưa chàng Sơn Tinh thắng Thủy Tinh trong cuộc thi kén rể của Vua Hùng, bởi Sơn Tinh có sản vật lạ: Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao. Sản vật của Thủy Tinh là thứ quý nhưng không hiếm, không lạ... nên đành thua. Chuyện xưa, như gợi mở cho người ND sản xuất và đem hàng vào “chợ thế giới” làm sao để bán được, bán hết, bán có giá thành cao.

Với tôi, sự thay đổi lớn nhất, khó nhất của người ND là tư duy. Hãy bỏ tư duy sản xuất chỉ để đủ ăn, đủ mặc... sang tư duy sản xuất để ăn ngon, mặc đẹp và làm giàu!

Nhân dịp Tết cổ truyền và xuân mới Bính Thân tôi xin chúc bà con ND cả nước, cán bộ hội viên Hội NDVN năm mới “ mưa thuận gió hòa”, “được mùa được giá”, bền sức, vững niềm tin và thành công!

Xin cảm ơn và chúc Chủ tịch đón mùa xuân đẹp!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/dam-thay-doi-de-thanh-cong-659489.html