Cựu tiền đạo Đường sắt và chuyện đá bóng dành tiền cưới vợ

Cựu tiền đạo đội bóng Tổng cục Đường sắt Nguyễn Minh Điểm nổi danh cùng thời với Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung.

Ẩn dật đã lâu nhưng khi nhắc về một thời vang bóng, tình yêu bóng đá trong ông chưa bao giờ nguôi.

Cắt ngày lương lấy tiền đá bóng

Khó khăn lắm tôi mới hẹn được ông Nguyễn Minh Điểm (ảnh nhỏ), cựu tiền đạo bóng đá Đường sắt trong căn nhà nhỏ nằm sâu ở một con ngõ trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội). Đón tôi ở cổng là một người đàn ông vận bộ đồ thể thao. Trông ông nhỏ thó, nước da ngăm đen nhưng từ ánh mắt, nụ cười cho đến dáng đi của tiền đạo lừng danh một thời khoác áo Tổng cục Đường sắt vẫn toát lên vẻ tinh anh. “Gần thất thập rồi nhưng tuần nào tôi cũng đá mấy trận phủi, thanh niên các cậu chắc gì đã “ăn” được tôi, vừa nói ông vừa vỗ vai, kéo tôi vào nhà uống nước.

Nhâm nhi cốc trà nóng, ông bắt đầu kể về cuộc đời mình và cái nghiệp bóng đá. Sinh năm 1947 trong một gia đình bố mẹ đều là công nhân, nhưng từ nhỏ cậu bé Nguyễn Minh Điểm đã rất đam mê bóng đá và ông cho rằng, cái đam mê đó bắt nguồn từ cha mình. “Hồi bé tôi yêu bóng đá lắm, hễ có thời gian là lại ra gần sân Pasteur trên phố Tăng Bạt Hổ đá bóng cùng lũ bạn. Có lần tôi còn bỏ cả học để đi đá bóng. Cha tôi cũng rất mê bóng đá nên cuối tuần ông thường dẫn tôi đến sân Hàng Đẫy xem bóng đá cả ngày. Cộng thêm tôi cũng có một chút năng khiếu nên khi lớn lên thì thường đi đá phủi ở khắp Hà Nội”, ông chia sẻ.

Ông Điểm kể, tôi cũng may mắn có anh trai làm việc và tham gia đội bóng ở xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Đến năm 17 tuổi, tôi nói với anh muốn xin vào xí nghiệp để vừa lao động vừa đá bóng. Lúc đó được xí nghiệp nhận, tôi bỏ cả học để theo đuổi đam mê. Đá ở đó được một năm thì lãnh đạo đội bóng Tổng cục Đường sắt thấy mình đủ năng lực nên đưa lên đá chuyên nghiệp”.

Tiền đạo Nguyễn Minh Điểm (phải) trong trận đấu với Quân khu Tả Ngạn năm 1972.

Kể từ thời điểm gia nhập đội bóng Tổng cục Đường sắt, chàng tiền đạo trẻ Nguyễn Minh Điểm (Điểm đen) luôn gây được ấn tượng nhờ cái chân phải khéo léo và những bước chạy thần tốc. Năm 1980, Nguyễn Minh Điểm cùng với lứa Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Lê Khắc Chính… đã đưa Tổng cục Đường sắt lên ngôi tại giải Vô địch toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Đến năm 1985, tiền đạo Nguyễn Minh Điểm giải nghệ do chấn thương dây chằng hành hạ, chuyển sang công tác huấn luyện đội trẻ và tới năm 1991, ông nghỉ hưu.

Thời còn bao cấp, xã hội cực kỳ khó khăn và bóng đá không phải là ngoại lệ. Cựu tiền đạo Nguyễn Minh Điểm cho hay, để nuôi được đội bóng, hàng năm toàn thể cán bộ, công nhân ngành Đường sắt trích góp một ngày lương. “Thời điểm đó Đường sắt có khoảng ba vạn cán bộ, công nhân. Không phân biệt thứ bậc, cứ đầu mùa giải mỗi người trích một ngày lương lấy chi phí trang trải cho đội bóng. Thế nên, so với anh em công nhân, mấy ông đi đá bóng như chúng tôi là sướng lắm. Ăn uống đều được ưu tiên, tiền lương mấy chục đồng thì hàng tháng đều gửi về cho gia đình”.

Theo cựu tiền đạo Nguyễn Minh Điểm, lúc bấy giờ lãnh đạo ngành Đường sắt rất quan tâm tới đội bóng. “Từ Tổng cục trưởng Hà Đăng Ấn cho tới những vị lãnh đạo sau này, đều một lòng lo cho đội bóng. Lo ở đây không phải là cho tiền vì làm gì có tiền. Lo về tinh thần thôi. Nếu đá ở Hà Nội hoặc mấy tỉnh quanh Hà Nội, lãnh đạo kiểu gì cũng có mặt động viên anh em. Nếu phải vào miền Trung hay miền Nam, lãnh đạo thường gọi điện vào các ga nói phải chăm sóc đội bóng thật chu đáo khi nghỉ lại. Ăn có thịt, ngủ có quạt, thế là nhất rồi”.

Bóng đá với cựu tiền đạo Nguyễn Minh Điểm không chỉ là cái nghiệp mà nó còn có công lớn giúp ông lấy được vợ. “Ngành Đường sắt nghèo lắm nên so với những đội bóng thời đó như Thể Công hay Công an Hà Nội, chế độ của chúng tôi không thể bằng được. Tôi và bà xã yêu nhau nhưng không có tiền làm đám cưới, bố mẹ cũng nghèo vì làm công nhân chật vật lắm mới nuôi được hai đứa con. Tới năm 1977, tôi được chọn vào đội tuyển Thanh niên Việt Nam đi thi đấu giao hữu ở Đông Đức và Liên xô (trước đó từng sang Cuba thi đấu năm 1970). Ra nước ngoài tất nhiên được thêm chút bồi dưỡng, rồi những nhu yếu phẩm được cấp như: xà phòng, kem đánh răng tôi dùng tiết kiệm sau đó đem bán lấy tiền. Dành dụm trong suốt chuyến đi cuối cùng khi về mới có tiền để cưới vợ”, ông cười xòa.

Khi được hỏi về những kỷ niệm sâu sắc trong suốt quá trình thi đấu, cựu tiền đạo Nguyễn Minh Điểm cho biết, ông nhớ nhất hai kỷ niệm. “Một là kỷ niệm lần vô địch năm 1980. Lần đầu tiên giải toàn quốc được tổ chức sau ngày đất nước thống nhất nên mình vô địch thì có nhiều ý nghĩa lắm. Kỷ niệm thứ hai là vào năm 1976. Tôi nhớ thời điểm đó toàn đội vừa đi tập huấn ở Trung Quốc về. Đồng chí Hoàng Quốc Việt (Khi đó là Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) có giao nhiệm vụ cho đội Tổng cục Đường sắt vào Nam thi đấu giao hữu với Cảng Sài Gòn và 6 đội bóng khác ở các tỉnh miền Nam.

Đội bóng đá Tổng cục Đường sắt được thành lập vào năm 1956, là một trong những đội bóng được thành lập đầu tiên của miền Bắc. Năm 1980, đội trở thành đội bóng đầu tiên đoạt chức vô địch Giải bóng đá vô địch toàn quốc lần thứ nhất. Tại mùa bóng 1985, đội thi đấu không thành công và phải xuống thi đấu ở hạng A2. Năm 1989, Tổng cục Đường sắt giải thể, chuyển thành Doanh nghiệp Nhà nước với tên mới Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, hoạt động trên nguyên tắc thị trường mở.

Đội bóng cũng được đổi tên thành Đội bóng đá Đường sắt Việt Nam, tuy nhiên các khán giả vẫn quen gọi là đội bóng Tổng cục Đường sắt. Đầu năm 2000, phiên hiệu Đội bóng đá Đường sắt Việt Nam bị giải thể, toàn đội được chuyển sang cho Ngân hàng Á Châu quản lý dưới tên gọi mới Câu lạc bộ bóng đá Ngân hàng Á Châu.

Hồi đó anh em ai cũng tự hào xen chút tò mò vì không biết cầu thủ trong đó đá ra sao. Tới khi ra sân, nhìn đội Cảng Sài Gòn ai cũng mặc quần áo đẹp, tất dài, đầu vuốt keo bóng còn đội mình thì nhìn “quê quê”. Thế nhưng, cái đội quê lại thắng 2-0. Một bàn do tôi chuyền để anh Mai Đức Chung lập công, bàn còn lại do anh Lê Thụy Hải ghi. Sau trận đấu, cả sân đứng dậy nắm tay nhau cùng hát bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.

Mong đội bóng đường sắt hồi sinh

Sở hữu một sự nghiệp thi đấu đồ sộ, lừng lẫy nhưng sau khi giải nghệ về hưu, tiền đạo Nguyễn Minh Điểm không chọn con đường huấn luyện chuyên nghiệp. Thay vào đó, ông cộng tác với Liên đoàn bóng đá Việt Nam dạy bóng đá cho những trẻ em ở làng SOS Đông Sơn. Ông tâm sự với giọng trầm hẳn. “Tôi đá bóng 17 năm, thời gian đó đa phần phải xa nhà. Bà xã hai lần sinh con tôi đều không có mặt. Chỉ biết về đến nhà là đã nhìn thấy con. Vì thế, tôi thương vợ con lắm và tự nhủ khi về hưu sẽ dành trọn thời gian cho gia đình. Tôi chỉ nhận công việc dạy bóng đá cho đám trẻ cơ nhỡ, tham gia những trận đấu cùng các lão tướng Hà Nội hàng tuần và vui vầy bên con cháu, thế là mãn nguyện rồi”.

Nói về mong ước của mình, cựu tiền đạo Nguyễn Minh Điểm cho biết không mong gì hơn là bóng đá Đường sắt được hồi sinh. “Nếu nói mơ ước thì tôi mơ ước lắm lắm có ngày bóng đá Đường sắt được trở lại như xưa. Nói thật nhìn Thể Công có Viettel đang đá hạng Nhất, Công an Hà Nội có đội đá hạng Nhì mà tôi thấy chạnh lòng. Tôi cũng tự nhủ rằng, nếu bây giờ Đường sắt có một đội bóng chơi chuyên nghiệp, tôi sẵn sàng góp chút sức lực cuối cùng cho đội bóng mà chẳng cần nhận lương”.

Hữu Hiệp

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/cuu-tien-dao-duong-sat-va-chuyen-da-bong-danh-tien-cuoi-vo-d118024.html