Cựu thẩm phán cảm phục bé gái có tâm, chí nghĩa chí tình

Không phải cứ đáo tụng đình là tù tội, là phân ly, là không còn tình cảm. Vẫn có những phiên tòa kết thúc.. đầy nhân văn. Qua phiên tòa, tình người thêm bền chặt hơn.

Phiên tòa tranh chấp quyền giám hộ để được trực tiếp nuôi cháu hôm ấy được mở ra trong một chiều mưa. Tiếng mưa ồn ã trên mái nhà làm mờ nhạt những lời trình bày của hai người phụ nữ lớn tuổi, hội đồng xét xử chúng tôi phải thật chú ý lắng nghe những câu trả lời của hai người đàn bà ấy trong phần thẩm vấn của phiên tòa.

Tôi hỏi:
- Nguyên đơn, bà hãy trình bày cho tòa về yêu cầu khởi kiện của bà tại tòa hôm nay?
Nguyên đơn, người đàn bà có vẻ bề ngoài giàu có với sợi dây chuyền vàng chóe nặng trịch trên cổ áo và những chiếc vòng cẩm thạch cuốn quanh cổ tay như những chiếc còng màu xanh bóng loáng, hoa tay lên mà nói:
- Con trai và con dâu của tôi đều bị chết trong một tai nạn giao thông, vợ chồng tôi chỉ có đứa cháu nội là con nhỏ này là đứa cháu độc nhất nên tôi muốn mang nó về nuôi, nhưng nó cứ nhất định đòi về quê để ở với ngoại nó. Mà bà sui của tui thì nghèo rớt mồng tơi thì làm sao nuôi cho cháu nội tôi ăn học cho đến khi thành tài được. Do đó, tôi yêu cầu tòa giao quyền giám hộ con bé này cho vợ chồng tôi được trực tiếp nuôi dưỡng giáo dục…
Tôi hỏi bị đơn:
- Bà có đồng ý giao cháu gái cho gia đình thông gia của bà được quyền trực tiếp nuôi dưỡng không?
Bị đơn:
- Tôi đồng ý giao chứ, nhưng cháu ngoại tôi không chịu về bên nội của nó. Tôi cũng đâu có ngăn cản việc chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục của ông bà nội của nó đâu.
Nguyên đơn:
- Nhưng thưa tòa! Con bé bị bên ngoại nó đầu độc trí óc non nớt của nó, nên khi vợ chồng tôi về xứ ngoại của nó để rước nó lên Sài Gòn thì nhất định nó không chịu về mà nằng nặc đòi ở với ngoại nó. Tôi sẵn sàng cho bà sui số tiền lớn để được quyền rước cháu về nhà chúng tôi, sui gia muốn tôi trả bao nhiêu tiền cũng được.

Mặc dù đây không phải là vụ án ly hôn, nhưng đứa bé gái đã tròm trèm 10 tuổi rồi nên tôi cho phép đứa bé trả lời trước tòa về quyền lựa chọn của mình trong việc muốn sống chung với bên nội hay bên ngoại của cháu.

Hình ảnh minh họa

Đứa bé gái đứng lên, ngần ngừ một lát rồi nói:
- Thưa mấy bác! Cha mẹ con cũng đã qua đời rồi, ông bà ngoại hay ông bà nội đều thương con. Con không muốn xa rời ông bà của mình, dù là bên nội, hay bên ngoại. Nhưng bên nội được sống ở thành phố này, có điều kiện khi ốm đau bệnh hoạn còn có tiền để thuê mướn người chăm sóc. Còn ông bà ngoại của con cũng già yếu nhưng ở vùng xa xôi miệt quê, nếu khi ốm đau dẫu có tiền cũng chẳng ai giúp mình ngoài con cháu. Đằng này ông bà ngoại con sống nghề làm thuê, chăn vịt. Nếu lỡ bệnh tật thì chẳng có ai lo. Con xin mấy bác cho con được ở với ông bà ngoại để được hầu hạ sớm hôm…
Tôi hỏi:
- Con còn bé như thế này chỉ làm vướng bận ông bà ngoại chứ làm sao mà con lo được cho ông bà?
Bé gái quệt vòng tay lau dòng nước mắt giàn giụa rồi trả lời:
- Con đủ sức nấu cơm, hái rau, bắt cá để đỡ đần cho ngoại của con mà.
Ngay trong phần thẩm vấn này, nguyên đơn người đàn bà là bà nội của đứa bé gái đành xin phép được nói:
- Thôi, thưa Tòa! Tôi chỉ sợ cháu tôi sống cuộc sống khó khăn sau khi thằng con và con dâu tôi chết. Nhưng nay cháu nội tôi đã muốn như vậy thì tôi xin được rút đơn khởi kiện để cháu nội tôi sống chí tình, chí nghĩa với ông bà của nó. Đó cũng là điều tôi mong muốn cháu mình có lối sống nghĩa tình.
Không phải qua phần tranh luận, Hội đồng xét xử chúng tôi vào hội ý và ra tuyên bố quyết định đình chỉ vụ án tranh chấp quyền giám hộ do nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện.
Nguyên đơn và bị đơn, hai mái tóc bạc phơ của hai người đàn bà cùng đứa bé gái nắm tay nhau ra khỏi sân tòa như đang có những sợi dây buộc chặt cuộc đời họ với nhau, tưởng như không có cuộc tranh chấp gay cấn từng diễn ra trước đó. Khi ngoài trời đã dứt hẳn những cơn giông.

Cựu thẩm phán Phạm Công Út

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuu-tham-phan-cam-phuc-be-gai-co-tam-chi-nghia-chi-tinh-post190274.info