Cuộc đời Trạng Ngọt bị đánh trượt Trạng nguyên vì ... quá xấu trai

Ghi chép từ dã sử và giai thoại dân gian kể lại rằng, trong khoa thi Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (tức năm 1508) đời vua Lê Uy Mục, trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh đã được các quan chấm thi nhất trí đỗ Trạng nguyên. Tuy nhiên khi vào yết kiến nhà vua, do ngoại hình xấu xí, ông bị đánh trượt xuống Bảng nhãn. Sự kiện này đã tạo ra một giai thoại vô cùng thú vị và cho tới bây giờ vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Từ nghi vấn bị đánh trượt

Trong số những danh nhân tuổi Thân, có lẽ câu chuyện về trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh cho tới nay vẫn tạo ra sức hút vì những bí ẩn của nó. Không chỉ tạo ra những cuộc tranh luận không có hồi kết trong lịch sử, bản thân cuộc đời của ông sau này cũng tạo nên một dấu hỏi lớn cho hậu thế.

Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam chép về nhân vật này cho biết, Hứa Tam Tỉnh sinh năm Bính Thân (1476 - ?) tại xã Như Nguyệt (tức làng Ngọt, nay là thôn Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Ông đỗ Bảng nhãn khoa thi Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (tức năm 1508) đời vua Lê Uy Mục (khoa thi này không có Văn bia nên không lưu lại ở Quốc Tử Giám – PV). Ông từng vâng mệnh đi sứ nhà Minh năm 1516. Sau ông làm quan cho nhà Mạc và được cử đi sứ lần hai, khi về được thăng làm Thượng thư bộ Lễ, hàm Thiếu bảo, tước Đôn giáo bá, sau về trí sỹ tại quê nhà.

Lễ xướng danh ở trường thi Nam Định 1897 (ảnh minh họa).

Chuyện kể rằng, Hứa Tam Tỉnh thuở nhỏ học giỏi nổi tiếng cả trấn Kinh Bắc nhưng gia cảnh nghèo túng, dung mạo thì xấu xí, thấp lùn, đen đủi, mặt rỗ. Cùng thời với ông có Nguyễn Giản Thanh (người làng Me) cũng học giỏi nổi tiếng không kém. Tuy nhiên, nhân sỹ thời đó đều đánh giá Hứa Tam Tỉnh cao hơn. Khoa thi Mậu Thìn đời vua Lê Uy Mục (1508), hai người cùng đi thi. Qua các kỳ thi Hội rồi thi Đình, bài của họ Hứa đều xuất sắc hơn bài của họ Nguyễn. Các quan chấm thi đều nhất trí là lấy Hứa Tam Tỉnh đỗ đầu, tức Trạng nguyên, còn Nguyễn Giản Thanh đỗ thứ hai, tức Bảng nhãn.

Thế nhưng khi yết kiến long nhan, thì lúc đó bà Kinh phi (mẹ vua) cũng có mặt, nhìn thấy Giản Thanh mặt mũi sáng sủa đẹp trai hơn liền chỉ vào mà hỏi quan chủ khảo: “Người này chắc là Trạng nguyên?”. Quan chủ khảo không muốn phật ý mẹ vua nên lúng túng rồi chỉ cả vào Giản Thanh và Tam Tỉnh mà tâu rằng: “Hai người này tài học ngang nhau nên chúng tôi chưa biết lấy ai đỗ Trạng”.

Vua thấy Tam Tỉnh xấu xí nên cũng không ưng bèn ra một đề thi cho hai người tranh tài. Nguyễn Giản Thanh nhanh ý chọn ngay làm bài thơ chữ Nôm, hình ảnh bóng bẩy, câu văn yểu điệu nên được bà Kinh phi rất thích, nhất là khi biết Giản Thanh cùng quê với mình. Vua tuy biết tài của Hứa Tam Tỉnh nhưng vì muốn chiều lòng mẹ nên nhất trí lấy Giản Thanh làm Trạng nguyên. Hứa Tam Tỉnh tuy không được đỗ Trạng nguyên nhưng người đời vẫn thường gọi ông là trạng Ngọt và gọi Nguyễn Giản Thanh là mạo trạng nguyên. Giai thoại “trạng Me đè trạng Ngọt” cũng xuất hiện từ đó.

…Đến những bí ẩn cuộc đời

Đến thôn Như Nguyệt hiện nay, tìm hỏi hậu duệ của vị trạng nguyên lừng danh xưa nhưng phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được người cần gặp. Người dân nơi đây nói rằng, họ Hứa giờ tản mát đi đâu hết nên không còn mấy ai. Họ cũng chỉ nghe về trạng Ngọt chứ tài liệu cũng như đền thờ thì hoàn toàn không có. Ông Hứa Văn Trắc, trưởng họ Hứa ở làng Như Nguyệt cũng thừa nhận chuyện này và cho biết: “Ở thôn Như Nguyệt hiện nay, họ Hứa chỉ còn khoảng 4 gia đình mà thôi.

Nghe các cụ kể lại, trước kia ở làng con cháu họ Hứa cũng đông lắm, nhưng sau đi lánh nạn bệnh dịch mà bỏ làng, bỏ nước hết. Cho đến nay chúng tôi cũng chỉ nghe các cụ truyền lại câu chuyện về cụ Hứa Tam Tỉnh chứ tài liệu cũng như di tích không còn cái gì cả. Trước đây phòng văn hóa huyện Yên Phong cũng như sở văn hóa tỉnh cũng về gặp và gợi ý mở đền thờ cụ trạng nhưng vì nhân khẩu ít, không có điều kiện kinh tế nên cho tới bây giờ chúng tôi vẫn chưa thực hiện được”.

Ông Hứa Văn Trắc (bên trái) và ông Hứa Văn Hược trao đổi với PV.

Ông Hứa Văn Hược, em trai ông Trắc cho biết thêm: “Mặc dù sử sách có chép cụ Trạng nguyên Hứa Tam Tỉnh về trí sỹ nhưng tôi nghe các cụ truyền lại câu chuyện không giống như vậy. Theo đó, sau lần bị trượt Trạng nguyên vô cớ, cụ tỏ ý không bằng lòng. Khi về làng, cụ tạo ra trò chơi đặt tên là Bách Nghệ (cũng được gọi là trò Ngọt) nhằm châm biếm những thói hư tật xấu của xã hội cũng như của triều đình lúc bấy giờ.

Trò chơi này mô tả rất nhiều nghề (từ làm quan, cày ruộng, đánh cá, buôn bán...) nhưng tập trung chế giễu những kẻ dốt nát, học nghệ không thông nhưng vẫn được trọng dụng và kiếm tiền từ những nghề đó. Sau này, khi được cử đi sứ nhà Minh, cụ đã không trở về quê hương nữa. Cũng chính vì thế mà dấu tích của cụ ở làng gần như không còn gì cả”.

Theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Toản (95 tuổi, một bô lão trong làng) thì ngày xưa, trong những cuộc họp đình vào dịp lễ quan trọng của làng, hậu duệ cụ trạng Hứa Tam Tỉnh đều được chia phần cỗ rất to và người ta gọi là phần của cụ Trạng. Dấu vết về cuộc đời cụ cũng chỉ sót lại ở tập tục đó chứ hiện nay không ai biết thêm chi tiết gì nữa. Thậm chí cụ Trạng có mất ở làng hay không cũng là một dấu hỏi vì cho tới giờ, cũng không còn dấu tích về phần mộ còn sót lại.

Như vậy, sự trái ngược thông tin một cách lạ lùng giữa những tài liệu ghi chép và giai thoại dân gian về cuộc đời của trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh đã tạo nên một trong những nghi vấn thú vị bậc nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Đâu là sự thật giữa vô vàn thông tin có lẽ sẽ tiếp tục là câu hỏi cho thế hệ mai sau. Và dù thế nào đi nữa, ông vẫn luôn là một tấm gương sáng ngời cho tinh thần hiếu học, vượt qua nghèo khó để vươn tới đỉnh cao danh vọng trong xã hội xưa.

Giai thoại “trạng Me đè trạng Ngọt”

Câu chuyện được chép ở sách Đăng khoa lục sưu giảng hoàn toàn ngược lại với câu chuyện được kể trong dã sử và giai thoại dân gian. Sách Đăng khoa lục sưu giảng của tiến sỹ Trần Tiến (sinh năm 1709, thượng thư bộ Lễ nhà hậu Lê) lý giải giai thoại này như sau: “Khoa này ông Nguyễn Giản Thanh (tức trạng Me, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đỗ Trạng nguyên. Ông này mặt mũi xấu xí, còn ông Tỉnh (tức trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh) thì mặt mũi tươi đẹp.

Khi vào triều bái sân rồng, vua thấy ông Tỉnh đẹp liền nói: “Người này không đỗ Trạng nguyên ư?” rồi cho ông đỗ trên ông Nguyễn Giản Thanh. Người đời gọi là mạo trạng nguyên. Trước kia Tả Ao tiên sinh có đặt đất cho nhà Nguyễn Giản Thanh và nói đất này tất phát trạng nguyên. Sau tiên sinh đi chu du đến xã Như Nguyệt thấy mộ tổ của dòng họ Hứa liền nói, đất này, khoa này tất phát trạng nguyên. Khi nhiều người thắc mắc một khoa làm sao mà lấy được hai trạng nguyên thì Tả Ao nói: “Trạng Me đè trạng Ngọt””.

Thực hư về người đỡ đầu?

Ông Hứa Văn Hược phản ánh: “Theo lời các cụ truyền lại, sở dĩ cụ trạng Hứa Tam Tỉnh có thể thành công được như vậy là vì được quan Tổng trấn Kinh Bắc thời bấy giờ đỡ đầu. Chuyện kể rằng, vì mê sắc đẹp con gái quan Tổng trấn mà ông đánh liều nhờ mẹ tới xin mai mối. Sau quan Tổng trấn thấy ông tài năng hơn người nên giữ lại trong dinh phủ, cho ăn học và hứa nếu đỗ đạt sẽ gả con gái cho. Nhờ vậy mà ông mới có thể thành tài về sau. Tuy nhiên, điều này chưa thấy nói trong tư liệu nào và cho tới nay cũng chưa được ai kiểm chứng”.

Phạm Thiệu

Xem thêm video tin tức:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/cuoc-doi-trang-ngot-bi-danh-truot-trang-nguyen-vi-qua-xau-a131795.html