Cuộc chiến không hồi kết của những người "vạch mặt" tội phạm

Có những vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt vì dấu vết chỉ là một con số “0”. Nhưng với bàn tay nhà nghề, Đại tá Bản đã vạch mặt được nhiều kẻ thủ ác.

Tiếng “kêu cứu” của nạn nhân

Về miền sông nước của tỉnh Bến Tre vào một ngày cuối năm, PV được lắng nghe không ít những kỷ niệm về hành trình phá án của Đại tá Trịnh Văn Bản (Trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự-PC54, Công an tỉnh Bến Tre). Chia sẻ những vui buồn trong nghề “vạch mặt” tội phạm của mình, Đại tá Bản nhớ lại những vụ án “kinh thiên, động địa” mà mình từng tham gia.

Đại tá Bản cho hay: “Không ít vụ án mà tại hiện trường không có bất kỳ dấu vết nào. Thực tế này khiến cho việc điều tra, truy tìm hung thủ đối với chúng tôi không khác gì sự đánh đố. Nó giống như mình đang làm một bài toán nhưng không có lời giải”. Tuy nhiên, với tiếng gọi của lương tâm và phương châm không để cái ác lộng hành, Đại tá Bản luôn tỉ mỉ trong từng công việc và không để sót bất kỳ tình tiết nào liên quan đến vụ án.

Nói về một trong những kỷ niệm trong hành trình tham gia phá án của mình, Đại tá Bản kể, vào rạng sáng 5/6/2009, trong lúc đậu ghe vào bến tại một con sông trên địa bàn TP.Bến Tre, người dân phát hiện một bao tải đựng tử thi bên trong. Sau khi nhận được tin báo, Đại tá Bản và PC54 nhanh chóng có mặt khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi. Đó là một thi thể nữ đang trong quá trình phân hủy mạnh.

Khoảng vài giờ sau đó, danh tính của nạn nhân được xác định là chị N.T.T.N. (20 tuổi, ngụ Bến Tre). Ngay khi biết con mình chết tức tưởi, người thân chị N. gần như gục ngã. Sự đau đớn của gia đình nạn nhân càng khiến cho những người làm nhiệm vụ như Đại tá Bản không khỏi xót xa. Để xoa dịu nỗi mất mát quá lớn cho gia đình nạn nhân, PC54 khẩn trương truy tìm dấu vết kẻ thủ ác.

Được biết, chị N. có người yêu tên là Phạm Duy Hân (SN 1986, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Hai người đã sống chung trong một phòng trọ như vợ chồng. Thế nhưng, khi cơ quan chức năng đến nơi thì Hân đã “cao chạy xa bay”, đồ đạc trong phòng được dọn đi sạch sẽ. Tại phòng trọ, PC54 phát hiện vết sơn trên tường còn ướt.

Với Đại tá Trịnh Văn Bản, cuộc chiến chống lại cái ác chưa có hồi kết.

Công tác khám nghiệm phòng trọ lập tức được tiến hành ngay sau đó. Dưới sự chỉ đạo của Đại tá Bản, PC54 tìm được một số vết máu trên tường và mang đi giám định. Kết quả cho thấy, những vết máu này là của nạn nhân N.. Điều đó có nghĩa, phòng trọ chính là hiện trường chính của vụ án. Trước những chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng xác định Hân là nghi can số một trong cái chết của chị N.. Vào tối 5/7/2009, lực lượng chức năng có mặt tại nhà Hân. Tuy nhiên, Hân phủ nhận sự liên quan đến cái chết của chị N..

Để cho hung thủ ác phải “tâm phục khẩu phục”, Đại tá Bản cùng lực lượng chức năng vòng ra phía sau nhà của Hân tìm kiếm chứng cứ. Sau khi ánh sáng của chiếc đèn pin được bật lên, một đống tro tàn mới đốt lộ ra trước mắt các chiến sỹ công an. Trong đống tro ấy có một số nút kim loại của quần áo. Sau này, bà H.T.C. (SN 1968, mẹ Hân) khai nhận việc xuất hiện đống tro này là do Hân mang quần áo của N. về đốt. Cũng tại đây, Đại tá Bản và PC54 còn phát hiện có một cái hố mới đào giống như cái huyệt để chôn người chết. Lúc này, Hân không thể biện minh cho hành vi tội lỗi của mình và phải cúi đầu nhận tội.

Theo lời khai của Hân, vì ghen tuông mù quáng nên ngày 2/6/2009, Hân dùng búa và dao sát hại người yêu tại phòng trọ. Để che giấu hành vi phạm tội của mình, Hân về cầu cứu cha mẹ và định đào hố sau nhà để chôn xác N.. Tuy nhiên, khi biết chuyện thì cha của Hân từ chối không cho đưa về nhà. Thấy vậy, Hân cùng mẹ đưa thi thể của N. đi vứt xuống sông. Hân cứ tưởng việc làm của mình “thần không biết, quỷ không hay” nên ung dung tìm cách đối phó với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, Hân không thể nghĩ rằng các dấu vết đã “tố cáo” mình. Trả giá cho những việc làm máu lạnh của mình, Hân phải nhận bản án cao nhất là tử hình.

“Nỗi kinh hoàng” của những hung thủ

Nhắc đến danh tiếng của Đại tá Bản, nhiều tên tội phạm phải “kinh hồn, bạt vía”. Dù cho chúng có lì lợm, hung hãn hay ma mãnh cỡ nào, cũng trở nên ngoan ngoãn mỗi khi gặp ông. Với giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm, Đại tá Bản khiến những người phạm tội cảm nhận được hơi ấm của gia đình. Từ đó, những kẻ cứng đầu cũng phải run rẩy cúi đầu nhận tội.

Đại tá Bản cho biết: “Ai cũng có góc khuất riêng của mình. Dù họ có vô cảm máu lạnh đến đâu đi nữa, nhưng khi mình nhắc đến người thân và gia đình thì họ trở nên yếu mềm như thường. Điều đáng nói là tội phạm bây giờ rất tinh vi. Sau khi gây án, họ luôn tìm cách để xóa dấu vết và tạo hiện trường giả giống như một vụ tai nạn. Điều này khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình phá án”.

Đại tá Bản kể về vụ án xảy ra cách đây hai năm, tại một xã nghèo của tỉnh Bến Tre. Đó là vào ngày 20/3/2013, dưới vuông tôm của ông Võ Văn M. (SN 1935, ngụ ấp Giao Bình, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) người dân phát hiện thi thể của một người đàn ông nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ngay sau đó, danh tính của nạn nhân được xác định chính là ông M., chủ vuông tôm.

Đại tá Bản kể: “Nếu một người không có kinh nghiệm chắc chắn cho rằng đây là một vụ tai nạn”. Tuy nhiên, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, PC54, Công an tỉnh Bến Tre đã phát hiện trên đầu nạn nhân có nhiều vết thương do ngoại lực tác động. Không những vậy, tại khu vực chòi của ông M., lực lượng chức năng cũng phát hiện có hai vết máu của nạn nhân.

Những dấu vết này cho thấy đây là một vụ án chứ không đơn thuần là vụ tai nạn. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, Đại tá Bản quan sát tỉ mỉ thi thể của ông M. hàng giờ khi khám nghiệm tử thi. Chẳng bao lâu sau, Đại tá Bản nhanh chóng lột trần được “tấm khăn” che mặt của kẻ thủ ác. Đằng sau vẻ bề ngoài của một lão nông dân chất phác hiền lành, Đỗ Văn Tình (SN 1943, ngụ cùng ấp với nạn nhân) lộ rõ nguyên hình là một kẻ sát nhân.

Qua đấu tranh, Tình khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Được biết, Tình có một vuông tôm ở gần vuông tôm của ông M., hai bên từng xảy ra mâu thuẫn nhiều lần. Khoảng 16h30’ ngày 19/3/2013, Tình đưa thức ăn đến chòi tôm để cho gà ăn. Tại đây, câu chửi thề của ông M. như một “giọt nước tràn ly” khiến mâu thuẫn của hai người đàn ông trở nên tồi tệ hơn. Quá tức giận, Tình lấy đoạn gỗ đước đập mạnh vào đầu của ông M.. Trong lúc giằng co, Tình đẩy ông M. xuống ống xả nước vuông nuôi tôm.

Đại tá Bản cho biết, có không ít vụ án mạng được đối tượng gắn cho “nhãn mác” là tai nạn giao thông. Nhưng với tinh thần làm việc quyết không bỏ lọt tội phạm của Đại tá Bản và đồng nghiệp thì nhiều kẻ ác lần lượt cúi đầu nhận tội.

Cuộc chiến chưa có hồi kết
Nói về hành trình phá án và thực tế tội phạm hiện nay, Đại tá Bản chia sẻ: “Ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất mong manh. Chỉ cần chúng ta không có lập trường vững vàng thì rất dễ sa ngã. Khi một chân đã bước qua cái ranh giới ấy thì rất khó quay trở lại. Do đó cuộc chiến chống lại cái ác của chúng tôi vẫn chưa có hồi kết. Ngay cả những ngày lễ Tết, chúng tôi lại càng phải sẵn sàng “trực chiến” để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. Vì thế, có nhiều đêm Giao thừa, thay vì sum họp với gia đình, thì nhiều anh em chiến sỹ phải túc trực, giúp người dân đón Tết an lành”.

THƠ TRỊNH

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/cuoc-chien-khong-hoi-ket-cua-nhung-nguoi-vach-mat-toi-pham-a132160.html