Cử nhân, ngư dân và tàu cá

Ngư dân Lê Văn Sang ở Đà Nẵng nói: “Cái ấy (Nghị định 67 và Nghị định 89 về chính sách khuyến khích ngư dân đóng tàu cá xa bờ) giúp mình tiết kiệm được 10 năm… Dù trục trặc, mất mát, mình coi là cái giá phải trả, vẫn phải túm lấy nó, ngoài nó ra, ngư dân mình biết bám vào đâu?

Thuyền trưởng Phan Thu bên con tàu sắt mới đóng bằng nguồn vốn Nghị định 67

Còn nhớ, ngày 2/7/2014, tôi có mặt ở Nha Trang, Khánh Hòa dự lễ bàn giao tàu cá vỏ sắt SANG FISH 01 – Một trong những chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên bàn giao cho ngư dân.

“Mơ ước” không như ước mơ

Tại buổi lễ ấy tôi gặp một lão ngư lạ, cau có đăm chiêu, ông là Lê Văn Hi, 62 tuổi, ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ông Hi là Ngư đội trưởng ngư đội Nam Yết (Trường Sa), đến xem và hi vọng chọn mẫu tàu để đóng. Xem tàu, ông Hi thẳng thừng: “Nó ít giống tàu cá, ca bin rộng, cao, gặp sóng gió lớn lắc bằng chết, đuôi thấp, sóng tập hậu lên tàu, lúc ấy bò cũng không nổi”. Người nhận tàu – anh Lê Văn Sang cũng biết những điều ấy, đã kiến nghị và… không được sửa.

Hơn 1 tháng sau, tôi có mặt ở Đà Nẵng theo chuyến biển đầu tiên của tàu SANG FISH 01. Thật tiếc những nhận xét của vị ngư dân già Lê Văn Hi đúng… nhưng chưa đủ. Mấy lần máy hỏng, rối lưới, rồi cuối cùng trục tời cá gãy. Chuyến đi đầu tiên của con tàu “mơ ước” không như ước mơ. Đến cuối năm nay, con tàu ấy vẫn chưa sửa chữa xong. Lê Văn Sang đang cố để trước hay sau Tết Bính Thân đưa lại nó ra khơi.

Tàu cá SANG FISH 01 trong chuyến đi biển đầu tiên

Chuyện con tàu SANG FISH 01, đầu đuôi Sang đắp vào thêm vào nó cho việc khắc phục và sửa chữa tròm trèm 1 tỉ, nhưng với Sang, cái được là: “Nhiều con tàu sau được lợi từ thất bại của mình”. Sang đang tiếp tục đuổi theo dự án đóng mới tàu cá theo Nghị định 67-89 để hình thành một nhóm tàu đánh bắt và dịch vụ nghề cá hiện đại trên biển.

Sống là không chờ đợi

Sang là cử nhân kinh tế, có lẽ là cử nhân duy nhất ở Việt Nam lao ra biển làm ngư dân, anh đang thực hiện giấc mơ thực hiện chuỗi đánh bắt, tiêu thụ thủy sản tương đối hiện đại trên vùng biển Hoàng Sa.

Sang có tư duy rất hay về nghề cá. Anh không nhìn vào lợi nhuận số lượng mà từ chất lượng con cá về bờ, về phương thức vận hành, tổ chức đội tàu trên biển: “Nhìn đâu cũng thấy tiền” – Sang nói. Tiền Sang thấy trong sự suy giảm chất lượng cá từ đánh bắt đến bờ, nâng chất lượng, giảm thất thoát đó là tiền, vận trù tốt đó là tiền… Đi cùng anh ra biển thấy anh làm lạnh cá… khác. Cũng là nước đá anh cho thêm muối cho thành phần giống nước biển. Cách này tạo cân bằng áp suất thẩm thấu giữa cá và môi trường làm lạnh, chất trong con cá không “chạy” ra ngoài, nước bên ngoài không ngấm vào trong. Khác hẳn các thương lái ngâm cá tôm vào nước đá, cũng là “bảo quản” nhưng giúp cá nặng thêm khá nhiều. Tôi hỏi Sang sao chọn cách làm “không khôn”, Sang cười: “Muốn khôn lớn phải biết bỏ cái khôn nhỏ, mình giữ cho con cá tốt nhất ngay từ đầu, người mua đưa vào nhà máy chế biến hay bảo quản tiếp đều thuận, dễ cho khách hàng là dễ cho mình, lợi nhuận nằm ở đó”. Sang cũng mong chuyển các thuyền viên thành các công nhân, có đóng bảo hiểm, có mức lương tối thiểu…
Trò chuyện về việc thực hiện dự án theo Nghị định 67-89, Sang nói “Cái ấy giúp mình tiết kiệm được 10 năm…”. Rồi Sang nhìn thẳng vào mắt tôi: “Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nếu so đo hết những đúng sai thì không làm được gì cả, những thiệt thòi, trục trặc mình coi nó là chi phí, là sự trả giá, không thể đợi nó tốt, hoàn thiện rồi mới làm được”.

Ngồi cùng nói chuyện với tôi và Sang là thuyền trưởng Phan Thu ở xã Bình Minh huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Anh Thu vừa nhận con tàu sắt đóng theo chương trình Nghị định 67-89, đi chuyến đầu tiên, hỏng lưới, đang sửa, dự trù cũng vài trăm triệu. Trước đó, để có thể cải hoán thiết kế theo ý mình anh cũng phải mất thêm 105 triệu. Đợt giữa năm 2015, một ngư dân ở Nam Định gọi điện cho tôi nói: “Ngân hàng họ bắt bọn anh “tự nguyện” thế chấp nhà đất mới được vay vốn Nghị định 67”. Báo chí vào cuộc, việc “tự nguyện” ấy bị rút đi. Những chủ tàu thở phào, qua một “cửa ải”, cũng hồi hộp chờ, sau cửa ải này đến cửa ải nào nữa. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, bên những người đóng tàu thành công cũng không ít chuyện ngư dân “bỏ” dự án. Bỏ hay theo, với mỗi chủ tàu đều “nát cái đầu”. Con tàu lớn, bằng cả cuộc đời…

Xuân Trường

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cu-nhan-ngu-dan-va-tau-ca.html